Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sau khi bố của bà Hằng mất, gia đình nhận được chế độ trợ cấp một lần đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam.
Bà Hằng hỏi, chị gái của bà bị bệnh động kinh không thể lao động được thì có được hưởng chế độ đối với con của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam không? Mẹ của bà không có lương hưu có được hưởng trợ cấp tuất không?
Về vấn đề này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa trả lời như sau:
Theo Điểm e Khoản 1 Điều 156 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ: "Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận biên bản giám định y khoa có trách nhiệm xem xét, nếu đủ điều kiện thì ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 64 Phụ lục I Nghị định này, đồng thời thực hiện việc cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này";
Đồng thời Biên bản giám định y khoa phải được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh kết luận có tỷ lệ mất sức lao động từ 21% trở lên theo đúng quy định tại Mục 8.1 Phụ lục I Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2023 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo Điểm a Khoản 3 Điều 125 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định thân nhân thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết: "Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng đủ tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng liền kề khi thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chết".
Như vậy, căn cứ các quy định trên điều kiện để được hưởng tuất từ trần phải bảo đảm các điều kiện:
- Quyết định cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và trợ cấp phụ cấp ưu đãi do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hằng tháng phải có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên và cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng phải đủ tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chết.
Chinhphu.vn