Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Nguyễn Văn Anh (Quảng Ngãi) có quá trình tham gia BHXH như sau:
- Tháng 9/1995 – 8/1997: Giáo viên tập sự (2 năm).
- Tháng 9/1997 – 2/1999: Giáo viên (1 năm 6 tháng).
- Tháng 3/1999 – 2/2001: Đi nghĩa vụ quân sự (2 năm), thời gian này không tính là thời gian tham gia BHXH.
- Tháng 3/2001 – 4/2011: Giáo viên (10 năm 2 tháng).
Tổng thời gian công tác tính đến tháng 4/2011 là 13 năm 8 tháng (tập sự 2 năm), đơn vị tính thâm niên nghề tại thời điểm ngày 1/5/2011 cho ông Văn Anh là 13% cho cả thời gian đi nghĩa vụ quân sự.
Ông Văn Anh hỏi, thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự của ông có được tính vào để hưởng thâm niên nhà giáo hay không? Cơ quan BHXH không đồng ý tính 2 năm đi nghĩa vụ quân sự của ông để tính thâm niên nghề, như vậy có đúng không?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:
Chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ; hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 20/11/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 2 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH quy định thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên gồm: “Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề”.
Theo quy định này, để thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự được tính vào thời gian hưởng phụ cấp thâm niên thì trước thời điểm tham gia nghĩa vụ quân sự, ông Nguyễn Văn Anh phải đang hưởng phụ cấp thâm niên nghề. Nhưng trường hợp của ông, trước khi đi nghĩa vụ quân sự, ông không được hưởng trợ cấp thâm niên nên thời gian đi nghĩa vụ quân sự không được coi là thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên.