Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Anh Khoa như sau:
Việc chuyển đổi giữa viên chức sang công chức được thực hiện theo quy định tại Điểm a, Điểm b, Khoản 1, Điều 58 Luật Viên chức, quy định cụ thể tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 42 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP như sau:
- Viên chức đã có thời gian làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 60 tháng trở lên (không kể thời gian tập sự), có trình độ đào tạo, kinh nghiệm công tác và đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, khi cơ quan quản lý, sử dụng công chức có nhu cầu tuyển dụng thì được xét chuyển vào công chức không qua thi tuyển theo quy định của pháp luật về công chức.
- Viên chức khi được tiếp nhận, bổ nhiệm vào các vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức trong các cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thì phải thực hiện quy trình xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển theo quy định của pháp luật về công chức; đồng thời quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm là quyết định tuyển dụng.
Việc xem xét, tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển đối với viên chức được quy định tại Khoản 3, Điều 1 Thông tư số 05/2012/TT-BNV ngày 24/10/2012 của Bộ Nội vụ, bổ sung Điểm đ vào Khoản 1, Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, như sau:
Đối với trường hợp là viên chức đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và tổ chức chính trị-xã hội, nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xem xét tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV, cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chỉ tiêu biên chế, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Sau đó có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương để phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền.
Theo đó, về tiêu chuẩn viên chức đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập xét chuyển sang công chức không qua thi tuyển phải có đủ điều kiện: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; hiện đang công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển; có thời hạn từ đủ 60 tháng trở lên làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo đại học, sau đại học trong ngành, lĩnh vực cần tuyển (không kể thời gian tập sự, thử việc và nếu có thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn); trong thời gian công tác 5 năm gần nhất không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
Thông tin ông Anh Khoa nêu chưa phản ánh đầy đủ trình độ đào tạo của ông, thời gian ông đã làm công việc có yêu cầu trình độ đào tạo đại học, sau đại học trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng vào công chức (đối chiếu với thời gian đã được xếp lương, hưởng lương viên chức loại A1 Bảng 3 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP và đóng BHXH bắt buộc phù hợp với thời gian viên chức làm việc theo công việc có yêu cầu trình độ đào tạo đại học, sau đại học).
Cùng với hướng dẫn về thời gian đã làm công việc có yêu cầu trình độ đào tạo đại học, sau đại học trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng vào công chức, các quy phạm pháp luật được viện dẫn nêu trên đều quy định rõ đối tượng điều chỉnh là viên chức khi được xét chuyển sang công chức không qua thi tuyển phải có từ đủ 60 tháng trở lên là viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Ông Khoa cho biết đã tham khảo, thấy có quan điểm cho rằng, quy định viên chức khi được xét chuyển sang công chức không qua thi tuyển phải có từ đủ 60 tháng trở lên làm việc tại đơn vị sự nghiệp, được hiểu bao gồm thời gian trước khi trở thành viên chức là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại đơn vị sự nghiệp đó.
Tuy nhiên, quan điểm này không có cơ sở vững chắc, bởi lẽ các quy phạm pháp luật được viện dẫn nêu trên quy định điều kiện về thời gian làm việc của viên chức khi xét chuyển viên chức sang công chức không qua thi tuyển; không quy định điều kiện về thời gian làm việc của viên chức mà trước đó có thời gian là người lao động theo chế độ hợp đồng lao động tại đơn vị sự nghiệp khi xét chuyển viên chức sang công chức không qua thi tuyển.
Theo luật sư, địa vị pháp lý, quyền, nghĩa vụ của viên chức được xác lập khi cơ quan quản lý viên chức có quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức và ký hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng viên chức, do đó thời gian viên chức làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập được tính từ thời điểm có quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và ký hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập đó.
Trường hợp ông Anh Khoa được tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức từ tháng 5/2016. Đến thời điểm tháng 5/2018, ông Khoa chưa có từ đủ 60 tháng trở lên là viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Bởi các lẽ trên, năm 2018, ông Khoa chưa đủ điều kiện được xét chuyển từ viên chức sang công chức không qua thi tuyển.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội