Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tuy nhiên, thủ trưởng đơn vị bà Trinh chỉ đồng ý ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn 5 năm. Bà Trinh hỏi như vậy có đúng không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Bùi Nguyễn Uyên Trinh như sau:
Theo Khoản 2 Điều 25 Luật Viên chức (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) thì hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020;
- Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 58 của Luật này;
- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tại Khoản 2a Điều 59 (được bổ sung bởi Khoản 10 Điều 2 Luật số 52/2019/QH14) quy định: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020 nhưng chưa ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn thì tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết; sau khi kết thúc thời hạn của hợp đồng làm việc đã ký kết thì được ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (có hiệu lực từ ngày 29/9/2020) quy định: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020 nhưng đang thực hiện hợp đồng làm việc xác định thời hạn thì tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết, kể cả trường hợp viên chức chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập khác theo quy định tại Khoản 4 Điều này, sau khi kết thúc thời hạn của hợp đồng làm việc đã ký kết thì được ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách 20.176 thôn đặc biệt khó khăn, 1.935 xã khu vực III, 2.018 xã khu vực II và 1.313 xã khu vực I của 51 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020, trong đó xã Ya Hội (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thuộc khu vực III, có 10 thôn đặc biệt khó khăn.
Nếu sự việc đúng như bà Bùi Nguyễn Uyên Trinh phản ánh, bà đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai quyết định tuyển dụng vào viên chức ngày 6/1/2020; được người đứng đầu Ban quản lý rừng phòng hộ Ya Hội ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn 1 năm kể từ ngày 13/1/2020 (được tuyển dụng vào viên chức trước ngày 1/7/2020) và đang làm việc tại địa bàn miền núi, đặc biệt khó khăn;
Căn cứ Khoản 2 Điều 25, Khoản 2a Điều 59 Luật Viên chức đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2, Khoản 10 Điều 2 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, trường hợp bà Bùi Nguyễn Uyên Trinh sau khi kết thúc thời hạn của hợp đồng làm việc đã ký trước ngày 1/7/2020, thì được ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội