Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) là khối tiểu vùng được thành lập vào năm 1991 bởi các quốc gia gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay. Trong quá trình hoạt động, MERCOSUR tiếp tục kết nạp thêm các quốc gia thành viên, nâng cao quy mô hoạt động và phát triển của khu vực.
Tính đến thời điểm hiện tại, MERCOSUR có quy mô diện tích là 14.869.775 km2 với gần 300 triệu dân. Ngôn ngữ chính thức được sử dụng tại khối là tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha.
MERCOSUR là khu vực kinh tế, công nghiệp năng động, cạnh tranh và phát triển, có ảnh hưởng ngày càng lớn với vị thế là khối kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, là một trong khu vực sản xuất hàng đầu về lương thực, nguyên liệu và năng lượng.
Bên cạnh đó, MERCOSUR là một thị trường đầy tiềm năng, với gần 300 triệu người tiêu dùng, với tổng GDP đạt 4.580 tỷ USD, chiếm 82,3% GDP của khu vực và chiếm khoảng 70% dân số Nam Mỹ. Đây là thị trường rất tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như may mặc, da giày, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến...
MERCOSUR còn là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng gần 5 lần, từ 2,45 tỷ USD vào năm 2011 lên 12 tỷ USD vào năm 2022; trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang MERCOSUR đạt 3,3 tỷ USD và nhập khẩu từ khu vực này đạt khoảng 8,7 tỷ USD. Dòng chảy thương mại giữa MERCOSUR và Việt Nam chiếm gần 1/4 tổng dòng chảy thương mại giữa MERCOSUR và ASEAN.
Tuy nhiên, do xa cách về địa lý, khác biệt về ngôn ngữ, chưa có tuyến vận tải hàng hóa, hành khách trực tiếp nên chi phí logistics cho hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường này cao và trên hết là hai bên chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA).
Theo Bộ Công Thương, các nước MERCOSUR có thế mạnh sản xuất, xuất khẩu nông sản, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu công nghiệp, khoáng sản, trong khi mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào MERCOSUR là thiết bị điện tử, viễn thông, dệt may, giày dép… Hiện nay, các nước MERCOSUR chưa có bất cứ thỏa thuận ưu đãi thương mại nào với các quốc gia có cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.
Là một trong các quốc gia thuộc MERCOSUR, Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và ngược lại Việt Nam là đối tác thương mại của Brazil tại khu vực Nam Mỹ, với kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức kỷ lục khoảng 6,78 tỷ USD, tăng 6,6% so năm 2021, tăng gấp 3 lần trong một thập kỷ qua.
Phát biểu tại Tọa đàm với các doanh nghiệp Brazil trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Brazil, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã nhấn mạnh, Brazil có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Mỹ Latin, cũng như Khối Thị trường chung Nam Mỹ. Đồng thời, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối giúp Brazil tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân và một thị trường lớn hơn với 800 triệu dân của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Để Brazil trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Mỹ Latin, cũng như Khối MERCOSUR, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đang thúc đẩy đàm phán FTA với Khối MERCOSUR ngay trong tháng tới, để đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường xuất khẩu khu vực Mỹ Latin.
Phan Trang