Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Lãnh đạo TP. Cần Thơ, các hiệp hội ngành hàng thực hiện khởi động dự án - Ảnh: VGP/LS
Sự kiện do Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) và Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức, với sự tham dự của lãnh đạo TP. Cần Thơ, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cùng đông đảo các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Đây là hoạt động thiết thực nhằm đánh giá thực trạng, đồng thời đề xuất giải pháp phù hợp trong cơ giới hóa canh tác lúa phục vụ Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".
Tại sự kiện, các bên đã chính thức khởi động dự án quản lý rơm rạ nhằm tăng cường sức khỏe đất và giảm phát thải trong canh tác lúa. Nổi bật trong chương trình là phần trình diễn đồng ruộng về các giải pháp quản lý rơm rạ tiên tiến, trong đó nổi bật là công nghệ tích hợp cơ giới vùi bio-canxi - một sản phẩm phân bón Đầu Trâu mới của Công ty Bình Điền tăng hiệu quả phân hủy rơm rạ trên đồng, cải thiện sức khoẻ đất và giảm phát thải khí nhà kính.
Trong khuôn khổ dự án, Công ty Bình Điền đã trao tặng trạm bơm nước thông minh cho Viện Lúa ĐBSCL, đánh dấu bước tiến mới trong ứng dụng công nghệ vào quản lý nước tưới trong sản xuất lúa.
Trình diễn xới vùi rơm rạ và bón bio-canxi tại ruộng ở Viện Lúa ĐBSCL - Ảnh: VGP/LS
Phát biểu tại sự kiện, TS. Robert Caudwell, Trưởng đại diện IRRI Việt Nam nhấn mạnh: "Trong quá trình chuyển đổi sinh thái nông nghiệp, việc áp dụng cơ giới hóa trong quản lý rơm rạ không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam. Khi chúng ta tối ưu hóa việc quản lý phụ phẩm nông nghiệp trên đồng ruộng, chúng ta đang đặt những viên gạch đầu tiên cho tương lai của nền nông nghiệp bền vững".
Theo TS. Robert Caudwell, việc đốt rơm rạ hiện nay không chỉ lãng phí nguồn tài nguyên quý báu, mà còn làm gia tăng phát thải khí nhà kính, gây hại cho sức khỏe cộng đồng và làm suy thoái môi trường.
Tuy nhiên, một sự chuyển mình mạnh mẽ đang diễn ra ở Việt Nam, đó là hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả hơn. Nơi mà khái niệm "phế phẩm" không còn tồn tại, mà chỉ có "tài nguyên" đang chờ được khai thác đúng cách.
Là đơn vị đồng hành chặt chẽ với Đề án tại khu vực ĐBSCL, ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền nêu rõ: ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu gạo đứng thứ 2-3 thế giới. Tuy nhiên, ngành sản xuất lúa gạo cũng đang đối mặt với không ít thách thức, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề công nghệ xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Lượng rơm rạ vài chục triệu tấn mỗi năm, nếu quản lý tốt sẽ là nguồn tài nguyên hết sức có giá trị, ngược lại nếu không được xử lý phù hợp và hiệu quả sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe đất và gia tăng phát thải khí nhà kính.
Trong bối cảnh toàn ngành nông nghiệp và môi trường đang nỗ lực hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, thì việc tìm ra giải pháp đồng bộ, khả thi và hiệu quả để quản lý rơm rạ ngày càng trở nên cấp thiết. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để chúng ta nâng cao giá trị hạt gạo Việt, xây dựng nền nông nghiệp xanh, an lành và bền vững.
Kết quả của dự án này kỳ vọng sẽ là cơ sở quan trọng để bổ sung cho quy trình canh tác trong trong phạm vi Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" nói riêng, cũng như các vùng sản xuất lúa trên cả nước nói chung.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của sự kiện là lễ ra mắt nhãn hiệu "Gạo Việt xanh phát thải thấp". Ông Bùi Bá Bổng, Chủ tịch VIETRISA cho biết, đây là bước ngoặt mang tính chiến lược trong việc xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, hướng tới thị trường cao cấp với tiêu chuẩn khắt khe về phát thải carbon. Nhãn hiệu "Gạo Việt xanh phát thải thấp" không chỉ là nhãn hiệu thương mại mà còn là cam kết về trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Trao chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu Gạo Việt xanh phát thải thấp cho các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn - Ảnh: VGP/LS
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, rơm rạ là phụ phẩm lớn nhất trong sản xuất lúa gạo, với sản lượng rơm rạ hằng năm ước tính lên tới gần 45 triệu tấn trên phạm vi cả nước. Rơm rạ chứa hàm lượng hữu cơ và các nguyên tố dinh dưỡng quan trọng, có tiềm năng lớn để cải tạo đất, cung cấp vật liệu trồng nấm, chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ, năng lượng sinh học, và nhiều sản phẩm giá trị gia tăng khác.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn rơm rạ hiện nay chưa được tận dụng hiệu quả. Tại nhiều địa phương, việc xử lý rơm rạ chủ yếu là đốt bỏ ngay tại ruộng, gây lãng phí tài nguyên, phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khoẻ cộng đồng và làm giảm sức khoẻ đất canh tác. Một phần nhỏ rơm rạ được thu gom sử dụng truyền thống, nhưng vẫn còn manh mún, thiếu giải pháp đồng bộ, chưa hình thành chuỗi giá trị. Bài toán đặt ra là làm thế nào để biến rơm rạ thành nguồn lực phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững, đồng thời hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo đó, Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐĐBSCL đặt mục tiêu quan trọng là đến năm 2030, 100% lượng rơm sau thu hoạch được thu gom khỏi đồng ruộng và đưa vào chế biến, tái sử dụng thay vì đốt hoặc bỏ vùi tại ruộng như trước đây. Đây là bước chuyển căn bản từ phương thức xử lý rơm rạ truyền thống gây lãng phí và ô nhiễm, sang mô hình nông nghiệp tuần hoàn, phát thải thấp. Mục tiêu này không chỉ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện sức khỏe đất, mà còn nâng cao giá trị gia tăng cho phụ phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, bảo vệ môi trường và góp phần thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp trên phạm vi toàn vùng.
Hiện nay, vùng ĐBSCL mỗi năm sản xuất khoảng 22 triệu tấn lúa và một lượng rơm rạ tương đương. Việc phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến tăng hiệu quả phân huỷ rơm rạ trên đồng góp phần rất lớn cho thay đổi tập quán đốt đồng sang nông nghiệp tuần hoàn tại chỗ, mang lại các lợi ích, như lợi ích môi trường làm giảm ô nhiễm môi trường và thất thoát dinh dưỡng trong rơm do đốt đồng. Ngoài ra tăng hiệu quả phân huỷ rơm rạ sẽ giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là metan trong quá trình canh tác ngập nước, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, tái tạo độ phì nhiêu và cải thiện sức khỏe của đất thông qua việc bổ sung chất hữu cơ, dinh dưỡng trong rơm, cải thiện cấu trúc đất và hoạt động của hệ vi sinh vật có ích; nâng cao năng suất, chất lượng lúa và giá trị gia tăng thông qua việc tiếp cận các thị trường cao cấp, tăng thu nhập cho người nông dân.
Những kết quả của sự kiện này là minh chứng cho quyết tâm thực hiện Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".
Tại sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, Cần Thơ đang tiên phong trong chuyển đổi xanh với diện tích canh tác lúa 75.000 ha và sản lượng hằng năm trên 1,3 triệu tấn. Thành phố đã mở rộng diện tích canh tác theo hướng phát thải thấp lên hơn 30.000 ha, với mục tiêu đạt 38.000 ha vào năm 2025 và 48.000 ha vào năm 2030.
Sự kiện này khẳng định quyết tâm của các bên trong việc xây dựng một nền nông nghiệp xanh, thông minh và bền vững, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vừa góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam về trung hòa carbon vào năm 2050. Sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và bà con nông dân là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo trong tương lai.
* Trong khuôn khổ lễ ra mắt đã diễn ra lễ ký kết hợp tác tăng cường chuỗi ngành hàng lúa gạo và hợp tác phát triển công nghệ xanh, như giữa VIETRISA và Hiệp hội Lương thực, hợp tác giữa Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền và BioSpring về phát triển vi sinh vật phân giải metan (CH₄) giảm phát thải trong sản xuất lúa. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tiên phong đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu "Gạo Việt xanh, phát thải thấp".
Lê Sơn