Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần.
Quốc hội cũng đồng ý nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh tại cửa khẩu theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Luật có hiệu lực từ ngày 15/8/2023. Chính phủ quyết định danh sách nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp; danh sách cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-visa.
Đây thực sự là tin vui cho ngành du lịch Việt Nam, nhất là sau thời gian dài chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ dịch COVID-19.
Ông Hồ Thanh Tú, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, thị trường du lịch quốc tế đã mở cửa và Đà Nẵng cũng là một điểm đến thu hút khách du lịch ở thị trường trọng điểm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á… Việc gia hạn thị thực sẽ tạo điều kiện nhiều hơn để chúng ta thu hút khách nước ngoài và để du khách có nhiều thời gian trải nghiệm hơn các dịch vụ tại các địa phương.
Theo ông Hồ Thanh Tú, từ khi thị trường du lịch mở cửa trở lại, Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến du lịch. Trong đó, Thành phố đã thu hút được tương đối lượng khách quốc tế. Với việc gia hạn thị thực lên đến 90 ngày, chúng ta có nhiều cơ hội hơn trong thu hút khách lưu trú, qua đó tăng khả năng chi tiêu của du khách.
Bên cạnh đó, với đề xuất nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên, nhất là đối với nhà đầu tư, khách du lịch. Đây là một tin vui đối với những người làm du lịch.
Chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ, ông Lê Công Năng, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Wondertour cho rằng việc thay đổi quy định về thời hạn thị thực điện tử như hiện nay sẽ đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế và nguyên tắc có đi-có lại với các nước nhằm thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời điều này cũng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư, nhất là các trường hợp có nhu cầu đi đến nhiều nước trong khu vực và quay lại Việt Nam để đánh giá về khả năng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam so với các nước.
Theo ông Lê Công Năng, "giải bài toán" visa là bước quan trọng để các doanh nghiệp du lịch "cởi nút thắt" còn vướng trong suốt thời gian qua. Trước đây, e-visa chỉ có thời hạn không quá 30 ngày và chỉ có giá trị xuất nhập cảnh Việt Nam một lần đã gây bất tiện cho một số trường hợp người nước ngoài muốn có nhu cầu thường xuyên đến Việt Nam với các mục đích du lịch, đầu tư, hội họp... trong một khoảng thời gian cố định.
"Quy định mới này sẽ tạo thuận lợi cho người nước ngoài thường xuyên có công việc tại Việt Nam. Từ đó giảm chi phí và thời gian làm thủ tục đáng kể cho họ và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam", ông Lê Công Năng nói.
Ông Lê Công Năng cũng cho rằng công dân 80 nước được cấp e-visa khi làm thủ tục xuất, nhập cảnh tại Việt Nam chưa tương xứng với nhu cầu của khách nước ngoài và thu hút đầu tư, du lịch của Việt Nam. Chính vì vậy nếu việc mở rộng diện cấp e-visa được thực hiện trong thời gian tới sẽ tạo thuận lợi lớn cho việc đơn giản thủ tục hành chính. Đây là một thay đổi quan trọng trong lần sửa đổi quy định pháp luật lần này.
Ông Lê Công Năng cho biết để du lịch tăng trưởng và phục hồi như thời điểm trước dịch COVID-19, doanh nghiệp cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ khác, nhất là khi sức mua có xu hướng giảm như hiện nay. Chính sách visa mới sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu sản phẩm du lịch và từ đó có chiến lược bổ sung nhân sự chất lượng, đầu tư xúc tiến, quảng bá để thu hút khách. Vì vậy sau bài toán visa, nhân sự và vốn sẽ là những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm nhất.
Sau 3 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, doanh nghiệp du lịch bị "chảy máu nhân sự" khi phần nhiều đã chuyển nghề và ổn định với nghề mới. Đội ngũ kế cận là nhân sự trẻ mới ra trường có chất lượng không cao vì không có môi trường trải nghiệm thực tế do các chính sách phòng dịch thời điểm chưa mở cửa du lịch hoàn toàn. Hiện nay ngoài tăng cường tuyển dụng, các doanh nghiệp du lịch phải liên tục đào tạo nhân sự, bổ sung lực lượng nhằm nâng cao năng lực phục vụ.
Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn lữ hành nội địa nên đòi hỏi năng lực nhân sự cao hơn, đầu tư truyền thông nhiều hơn và cần nhiều vốn. Ngoài bài toán vay vốn, doanh nghiệp cần tính đến giải pháp kêu gọi đầu tư, cổ phần hóa để đủ tài chính và nguồn lực khác phát triển doanh nghiệp.
Vì vậy, chính sách tạo thuận lợi về xuất nhập cảnh, thị thực sẽ là bước quan trọng để các doanh nghiệp tiếp tục tháo gỡ những khó khăn còn lại, từ đó góp phần phục hồi phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Diệp Anh-Lưu Hương