Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính phủ vừa chính thức có tờ trình gửi Quốc hội đề xuất một số chính sách mới trong quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam... gồm có việc gỡ vướng cho visa và một số chính sách mới để thu hút, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho du khách và các nhà đầu tư đến Việt Nam du lịch, kinh doanh.
Theo đó, cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày; đặc biệt, kéo dài thời hạn thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 30 ngày lên tối đa 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Như vậy, du khách quốc tế đến Việt Nam có thể lưu trú tới 3 tháng và thoải mái ghé thăm các nước khác rồi quay lại Việt Nam mà không cần xin lại visa.
Các chính sách này được đề xuất đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại Kỳ họp tháng 5 tới đây để thực hiện được ngay, trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh những điều kiện hạ tầng du lịch đang dần "thức giấc" sau kỳ "ngủ đông" dài nhất lịch sử (do dịch COVID-19) thì "cửa vào" là thủ tục cấp visa cho khách quốc tế được đánh giá vẫn còn "khép hờ". Nhiều người cho rằng, mở cửa du lịch thì visa phải là cánh cửa đầu tiên.
Nhìn lại suốt 1 năm từ khi chúng ta mở cửa du lịch sau Covid, Người đứng đầu Chính phủ đã không ít lần yêu cầu các bộ, ngành có thẩm quyền liên quan nghiên cứu điều chỉnh chính sách visa để tạo thuận lợi thu hút khách quốc tế.
Câu hỏi "tại sao du lịch Việt Nam đi trước nhưng lại về chậm" cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch vào giữa tháng 3 vừa qua.
Thủ tướng đã giao việc cụ thể cho từng cơ quan có thẩm quyền, nhấn mạnh tầm quan trọng của du lịch, một ngành kinh tế mũi nhọn, với mục tiêu đặt ra là đón 50 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030...
Nới chính sách visa vốn được các doanh nghiệp du lịch, lữ hành "ngày đêm mong mỏi". Nếu chính sách này được cải tiến, đồng nghĩa doanh nghiệp có thể thỏa sức "đánh bắt" ở thị trường xa và có chi tiêu cao. Điều này sẽ tạo ra một luồng gió mới cho ngành du lịch Việt Nam, giúp tăng khả năng cạnh tranh của điểm đến Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Không chỉ là tin vui với riêng ngành du lịch, đây còn là cơ hội vực dậy cho cả ngành hàng không và hệ thống lưu trú. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng có cơ hội thoát cảnh lao đao. Nhiều nhà đầu tư sẽ có cơ hội thuận lợi hơn trong việc đi lại, di chuyển và thúc đẩy hoạt động đầu tư ở Việt Nam.
Nới chính sách visa là một điều kiện tốt để thu hút khách du lịch nước ngoài nhưng đó "không phải là tất cả". Visa là sự khởi đầu, là lời mời gọi không có gì tốt hơn, thể hiện sự chào đón đối với du khách. Còn việc khách có quay trở lại, có lưu trú dài ngày, có chi tiêu nhiều hay không phụ thuộc vào nhiều điều, từ sản phẩm du lịch hấp dẫn, cơ sở hạ tầng tốt, dịch vụ chất lượng cao, phong phú… hay chỉ đơn giản là một nụ cười thân thiện luôn trên môi.
Tất cả điều đó đòi hỏi sự chung tay, góp sức của người dân, của tất cả chủ thể liên quan, "trên nóng, dưới cũng phải quyết liệt" để phát triển ngành du lịch "nhanh, bền vững, hiệu quả, văn minh, lành mạnh, hội nhập", như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Đức Tuân