Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ý kiến của cử tri các tỉnh Bắc Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh, Đắk Lắk, Long An, Đồng Tháp, Phú Yên, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, hiện nay một số người tham gia hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến hy sinh, bị thương, bị địch bắt tù đày, bị nhiễm chất độc hóa học bị mất giấy tờ, gặp khó khăn trong quá trình xác nhận, hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, cử tri các tỉnh đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết những khó khăn nêu trên.
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri các tỉnh như sau:
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát số hồ sơ tồn đọng và năm 2016 đã đột phá trong việc xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng bằng việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại 5 địa phương (Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An) để rút kinh nghiệm triển khai toàn quốc.
Kết quả đợt thí điểm tại 5 tỉnh trong vòng gần 6 tháng đã xác nhận được 86 người có công, trong đó có 75 liệt sĩ (57 liệt sĩ chống Pháp) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ, ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, gồm 7 bước và quy định chặt chẽ hơn so với Kế hoạch triển khai thí điểm, quy định về hồ sơ tồn đọng cụ thể hơn; các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch thực hiện, Tổ công tác Trung ương cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát thẩm định hồ sơ đồng thời công khai thông tin hồ sơ trên các phương tiện thông tin đại chúng, với mục tiêu hết năm 2017 giải quyết căn bản 5.900 hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố và Công an tỉnh, thành phố trở lên. Trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ đã xác nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 498 liệt sĩ thuộc đối tượng này.
Tuy nhiên, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng là vấn đề phức tạp, vì nhân chứng hầu như không còn, hồ sơ thất lạc, không có giấy tờ, căn cứ chứng minh. Vì vậy, các bước tiến hành cần thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch, đề cao sự giám sát của nhân dân, cơ quan báo chí.
Tính đến ngày 30/6/2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành công an, quân đội đã xác nhận trên 2.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Trên cơ sở kết quả thực hiện việc giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện phương thức giải quyết: Giảm bớt thủ tục hành chính, tăng cường công khai minh bạch, chống man khai hồ sơ, trục lợi chính sách, từng bước nghiên cứu, mở rộng việc xác nhận hồ sơ tồn đọng đối với các đối tượng khác.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách theo hướng sửa đổi toàn diện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Chinhphu.vn