Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Giao thông vận tải cho biết, Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định số 159/2018/NĐ-CP còn một số khó khăn, vướng mắc như:
Tại Điều 6 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP quy định hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển phải lập Phương án bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải, hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển cũng phải lập Phương án bảo đảm an toàn hàng hải. Qua rà soát các quy định nêu trên cho thấy hồ sơ đề nghị phê duyệt của Phương án bảo đảm an toàn hàng hải và Phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển về cơ bản là giống nhau và đều trình Cảng vụ Hàng hải phê duyệt.
Tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP quy định: "Các dự án nạo vét cơ bản trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa phải được đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường". Tuy nhiên, một số dự án nạo vét thực hiện đổ chất nạo vét ra biển ngoài việc thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường còn phải thực hiện các quy định về lập dự án nhận chìm ở biển, giao khu vực biển theo các quy định tại Luật biển Việt Nam, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Vì vậy, cần sửa đổi quy định này cho phù hợp thực tế.
Tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP quy định: "Đối với các dự án, công trình nạo vét duy tu với khối lượng thực hiện hàng năm có tính quy luật, việc đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được thực hiện theo thời hạn từng năm hoặc theo chu kỳ đến 05 năm". Tuy nhiên, việc hàng năm lập hồ sơ và chi phí để thực hiện các thủ tục về báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, dự án nhận chìm ở biển, giao khu vực biển chưa phù hợp với thời gian tổ chức nạo vét duy tu cũng như trữ lượng của bãi chứa (có một số công trình phải triển khai trong hai năm). Vì vậy, cần sửa đổi chu kỳ thực hiện các thủ tục trên nhằm giảm chi phí cho ngân sách nhà nước, giảm các thủ tục hành chính cho các dự án, công trình nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố địa điểm đổ chất nạo vét trên bờ và ngoài biển thuộc phạm vi quản lý trước ngày 30 tháng 01 hàng năm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tỉnh chưa triển khai được quy định trên do đó chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm vị trí đổ chất nạo vét.
Thêm vào đó, đối với các công trình nạo vét lựa chọn phương án đổ chất nạo vét ở biển, các doanh nghiệp cảng phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét ở biển, sau đó thực hiện các thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập dự án nhận chìm ở biển và giao khu vực biển theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên việc thực hiện các thủ tục trên kéo dài, không phù hợp với các công trình nạo vét duy tu có quy mô nhỏ, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của hoạt động duy trì chuẩn tắc thiết kế cũng như kế hoạch sản suất kinh doanh của doanh nghiệp cảng.
Đối với các công trình nạo vét sử dụng phương án đổ chất nạo vét trên bờ; các doanh nghiệp cảng, các tổ chức cá nhân có bãi chứa chất nạo vét hiện nay còn vướng mắc về nội dung thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với việc sử dụng khối lượng chất nạo vét để san lấp theo quy định về sử dụng tài nguyên, khoáng sản do đó gây khó khăn cho việc thoả thuận tiếp nhận chất nạo vét.
Đối với công tác nạo vét vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện theo quy định của Nghị định số 159/2018/NĐ-CP như sau: tại khoản 7, Điều 29 quy định về giá trị sản phẩm thu hồi và phương án thanh toán phần chênh lệch giữa kinh phí nạo vét và giá trị sản phẩm thu hồi, tuy nhiên chưa quy định chi tiết phương pháp xác định và thẩm quyền ban hành giá sản phẩm nạo vét thu hồi và phương án xử lý phần chênh lệch giữa kinh phí nạo vét và giá trị sản phẩm thu hồi; tại Nghị định chưa quy định các khoản chi phí hợp lý liên quan đến thực hiện Dự án như lãi suất vay huy động vốn thực hiện Dự án, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư thực hiện Dự án nên không đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước khi thực hiện Dự án (tham khảo Luật PPP thì phương án tài chính của Dự án có các khoản chi phí này); khoản 2 Điều 49 chưa quy định cụ thể các bước thực hiện đối với dự án chuyển tiếp dẫn đến lúng túng, khó khăn trong tổ chức thực hiện đối với các dự án chuyển tiếp. Ngoài ra, tại Nghị định chưa có quy định đối với trường hợp nạo vét khu nước trước bến cảng, luồng chuyên dùng có kết hợp thu hồi sản phẩm nên cần bổ sung để quản lý đối với trường hợp này.
Vì vậy, theo Bộ Giao thông vận tải, việc ban hành Nghị định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa (thay thế Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ) là thực sự cần thiết, cấp bách để khắc phục những khó khăn tồn tại, vướng mắc nêu trên.
Bộ Giao thông vận tải đề xuất dự thảo gồm 06 chương, 52 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đề xuất quy định chung về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa; nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng và luồng đường thủy nội địa từ nguồn ngân sách nhà nước do Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý; nạo vét vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa do Bộ giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý kết hợp thu hồi sản phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước...
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn