Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định Luật Nhà giáo được thông qua là sự kiện trọng đại - Ảnh: VGP/Nguyễn Mạnh
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất không nằm ở quá trình xây dựng, mà chính là hành trình đưa Luật vào đời sống – để từng điều khoản pháp lý không chỉ nằm trên giấy, mà thực sự trở thành động lực lan tỏa, chạm tới từng lớp học, từng người thầy, từng thế hệ học trò.
Chiều 17/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết quá trình xây dựng, công bố và triển khai thi hành Luật Nhà giáo.
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cùng đại diện các cơ quan Trung ương, tổ chức quốc tế và các chuyên gia xây dựng Luật Nhà giáo.
Ngày 16/6/2025, với 94,35% đại biểu tán thành, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Nhà giáo với 9 chương, 42 điều – lần đầu tiên Việt Nam có đạo luật riêng quy định đầy đủ vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ, chế độ, chính sách dành cho nhà giáo. Đây là bước tiến quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị trong việc phát triển đội ngũ nhà giáo – lực lượng then chốt của sự nghiệp giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định Luật Nhà giáo được thông qua là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với ngành Giáo dục nói riêng, với đất nước nói chung.
Luật có nhiều điểm mới mang tính đột phá như: xếp lương nhà giáo cao nhất hệ thống sự nghiệp, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo, chuẩn hóa đội ngũ, và trao quyền tự chủ tuyển dụng cho các cơ sở giáo dục.
Theo Bộ trưởng, với chủ trương sớm, việc biên soạn và trình Luật Nhà giáo đã được ghi rõ trong nhiều văn kiện của Đảng, đặc biệt là Kết luận số 91-KL/TW, tạo căn cứ chính trị vô cùng quan trọng để ngành Giáo dục chuẩn bị và trình Luật này.
Trong các buổi thảo luận ở Tổ của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những ý kiến quan trọng liên quan đến Luật Nhà giáo; trong đó khẳng định, Luật Nhà giáo ban hành phải đem lại niềm vui, sự động viên, hứng khởi đối với đội ngũ nhà giáo. Đây là sự động viên, khích lệ to lớn đối với những người có trách nhiệm xây dựng Luật Nhà giáo.
Báo cáo tổng kết quá trình xây dựng Luật Nhà giáo và triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Quá trình chuẩn bị để xây dựng dự án Luật Nhà giáo đã được Bộ GD&ĐT tiến hành từ lâu và đạt được những bước tiến quan trọng.
"Luật Nhà giáo là sản phẩm kết tinh của trí tuệ tập thể, được vun đắp từ công sức, tâm huyết và trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia. Luật thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc hiện thực hóa các chủ trương lớn về phát triển đội ngũ nhà giáo, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo", ông Vũ Minh Đức nói.
Ông Carlos Vargas, Trưởng Bộ phận Phát triển nhà giáo của UNESCO, Chủ tịch Tổ thư ký Nhóm Công tác quốc tế về nhà giáo vì mục tiêu Giáo dục 2030 – thay mặt UNESCO chúc mừng Việt Nam đã đạt được một thành tựu mang tính bước ngoặt khi ban hành Luật Nhà giáo. Theo ông, đây là một khung pháp lý toàn diện, lần đầu tiên ghi nhận rõ ràng vai trò thiết yếu của đội ngũ nhà giáo trong hệ thống giáo dục, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để bảo vệ và phát triển nghề giáo trong tương lai.
Ông Vargas nhấn mạnh, Luật Nhà giáo có ý nghĩa đặc biệt sâu rộng, tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo phát triển nghề nghiệp; bảo đảm giáo viên được hỗ trợ cần thiết để nâng cao năng lực chuyên môn; đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc bố trí thời gian và nguồn lực tài chính để triển khai chính sách một cách hiệu quả, nhất quán.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã thể hiện rõ tư duy đổi mới trong công tác lập pháp - chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội và đã được thực tiễn chứng minh tính ổn định; còn các quy định chi tiết được cụ thể hóa trong hệ thống nghị định, thông tư đính kèm theo hồ sơ dự án luật.
Ông Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ vinh dự khi đồng hành cùng Bộ GD&ĐT hoàn thành Luật Nhà giáo - Ảnh: VGP/Nguyễn Mạnh
Chia sẻ cảm xúc tại hội nghị khi được đồng hành cùng Bộ GD&ĐT trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Luật Nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng điều quan trọng là sau khi ban hành Luật thì sẽ kiến tạo được những gì mới hơn, tốt hơn cho sự phát triển của nhà giáo, tạo thêm bước tiến gì cho nền giáo dục, cho sự nghiệp phát triển con người của đất nước. Đó mới là đích cuối cùng.
Khẳng định những dấu ấn và bài học trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: "Đây là một luật mẫu về đổi mới tư duy xây dựng luật. Luật Nhà giáo là căn cứ pháp lý cao nhất, đủ mạnh, tổng thể để xây dựng các văn bản dưới luật về nhà giáo".
Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT cũng công bố kế hoạch xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có 3 Nghị định của Chính phủ và 10 Thông tư thuộc thẩm quyền Bộ, nhằm đảm bảo Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Việc hoàn thiện các văn bản trong thời hạn 6 tháng là thách thức lớn, song toàn ngành quyết tâm triển khai nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo Luật sớm đi vào cuộc sống, tạo bước ngoặt phát triển đội ngũ nhà giáo trong thời đại mới.
Thu Trang