Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị Nhà nước tiếp tục rà soát các thủ tục cho vay thông thoáng hơn, để người dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm phát triển sản xuất, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời cử tri tỉnh Lâm Đồng như sau:
Chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được triển khai tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 22/2/2019, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT nâng mức cho vay đối với hộ nghèo từ 50 lên tối đa 100 triệu đồng, kéo dài thời gian cho vay tối đa từ 60 tháng lên 120 tháng, mức cho vay này cũng áp dụng cho các đối tượng hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Đến ngày 31/10/2020, dư nợ chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đạt 130.727 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,24% tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH. Riêng tại tỉnh Lâm Đồng, dư nợ chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đạt 1.653 tỷ đồng, tăng 6,1% so với 31/12/2019, với 39.757 khách hàng còn dư nợ.
Tăng khả năng tiếp cận vốn để hạn chế “tín dụng đen”
Theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ: NHCSXH quy định quy trình và thủ tục cho vay đối với từng người vay bảo đảm đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện.
Qua thực tiễn hoạt động của NHCSXH có thể thấy ngân hàng đã thiết lập mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội và cách thức tác nghiệp đặc thù, hiệu quả, phù hợp với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Với phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức giao dịch tại các điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã, thành lập màng lưới Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, ấp đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn thuận lợi, nhanh chóng, tiết giảm chi phí giao dịch đi lại, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và của toàn xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Về hồ sơ thủ tục vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được thực hiện theo quy định về thủ tục giải quyết công việc của Chính phủ và quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với trình độ của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và được công bố công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin NHCSXH và tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn.
Bên cạnh đó, để tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, hạn chế “tín dụng đen”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng:
- Thường xuyên rà soát, cập nhật quy trình cho vay, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong công tác thẩm định, phê duyệt tín dụng phù hợp với xu thế kinh tế số toàn cầu, góp phần giảm thiểu thủ tục, giấy tờ, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng;
- Chú trọng công tác mở rộng mạng lưới hoạt động, tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin về các chương trình, chính sách tín dụng tại địa phương, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng chính thức của người dân, nhất là các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo NHCSXH đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ để nâng cao hơn chất lượng phục vụ khách hàng, nhất là tại các điểm giao dịch xã; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi bằng ngôn ngữ phổ thông và ngôn ngữ của đồng bào địa phương, đồng thời tập trung tuyên truyền cho nhân dân biết về tác hại của “tín dụng đen” cũng như nắm bắt, phản ánh kịp thời thực trạng “tín dụng đen” trên địa bàn để cùng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”.