Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn, với quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước, tại Nghị quyết số 04-NQ/ĐH ngày 03/10/2020, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 4 đột phá chiến lược tỉnh cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ.
Thứ nhất, đó là làm tốt công tác dự báo và xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và những cơ hội, chủ trương lớn của Trung ương đang tạo điều kiện cho tỉnh phát triển.
Mặt khác, tỉnh đã ký hợp đồng với Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam (đơn vị tư vấn lập quy hoạch) triển khai việc lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, đã hoàn thành giai đoạn 3 của công tác lập quy hoạch tỉnh với sản phẩm là Báo cáo quy hoạch tỉnh Hòa Bình (dự thảo lần 2), hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về quy hoạch tỉnh và dự thảo Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định.
Dự kiến, tỉnh sẽ hoàn thành việc lập quy hoạch trước ngày 31/12/2022. Đây sẽ là công cụ quan trọng làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, phân bổ nguồn lực của tỉnh.
Thứ hai, tập trung cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức. Tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tập trung cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Ngoài ra, tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế tư nhân, triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Phấn đấu trong 5 năm, thu hút các dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng và khoảng 1 tỷ USD vốn FDI, đây là nguồn lực quan trọng để hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đề ra.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, chú trọng phát triển các nghề truyền thống để giải quyết việc làm, chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Xây dựng cơ chế chính sách đột phá thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào làm việc trong hệ thống chính trị và các ngành lĩnh vực quan trọng của tỉnh.
Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng, theo đó tiếp tục cơ cấu lại vốn đầu tư công để thực hiện có hiệu quả vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tập trung cho các dự án trọng điểm như hạ tầng giao thông kết nối vùng, tạo ra sức lan tỏa lớn như đường liên kết vùng Hòa Bình-Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình-Mộc Châu), đường kết nối thị trấn Lương Sơn-Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1), đường Quang Tiến-Thịnh Minh, TP. Hòa Bình (giai đoạn 1),…
Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành một số dự án như đường Hang Kia-Cun Pheo-QL 6, đường tỉnh 433 đoạn Km0-Km23, đường tỉnh 435, đường tỉnh 438, 438B, đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn-Tân Lạc....
Đồng thời, tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư các dự án như: Đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình, đường cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu (đoạn từ km 19-km 53),… và tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch, trong đó chú trọng du lịch lòng hồ sông Đà, Bản Lác-Mai Châu, suối Khoáng-Kim Bôi, kết nối tour tuyến với Tam Chúc-Hà Nam, Tràng An-Ninh Bình và Mộc Châu-Sơn La…
Tỉnh cũng đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng chống biến đổi khí hậu, xây dựng nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung huy động nguồn lực xây dựng huyện Lương Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt tiêu chí cấp thị xã; đầu tư hạ tầng đô thị để nâng cấp TP. Hoà Bình trở thành đô thị loại II vào năm 2025.
Vũ Phong