Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo phản ánh của ông Nguyễn Bá Diễn (Thái Bình), bác ông là liệt sĩ Nguyễn Bá Sỉnh (họ tên chính xác theo dòng tộc và Bằng Tổ quốc ghi công), quê quán thời điểm nhập ngũ là thôn Nguyên Xá, xã An Hiệp, huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình (nay là huyện Quỳnh Phụ).
Theo thông tin của Phòng Chính sách - Cục Chính trị, Quân khu 5 cung cấp thì hài cốt liệt sĩ Sỉnh đang an táng tại nghĩa trang huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam (họ tên là Nguyễn Văn Sỉnh). Sau khi gia đình liệt sĩ Sỉnh đi tìm được phần mộ đã làm thủ tục thanh toán trợ cấp việc đi tìm mộ liệt sĩ.
Ông Diễn đề nghị cơ quan chức năng giải đáp các thông tin sau:
- Về thông tin của liệt sĩ Sỉnh có sai sót về tên đệm “Bá” thành “Văn” thì có đủ điều kiện để được chấp thuận và hưởng chi phí hỗ trợ không? Nếu phải điều chỉnh thì làm thủ tục theo mẫu HS5 phải không?
- Bằng Tổ quốc ghi công ghi: Xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Vậy thông tin theo trích lục của Phòng Chính sách - Cục Chính trị, Quân khu 5 có cần phải điều chỉnh lại theo thực tế là huyện Quỳnh Phụ (bằng Tổ quốc ghi công) hay không?
- Bằng Tổ quốc ghi công ghi: Cấp bậc Trung sỹ nhưng thông tin theo trích lục của Phòng Chính sách - Cục Chính trị, Quân khu 5 là Hạ sỹ. Vậy thông tin này có cần điều chỉnh lại không, nếu điều chỉnh thì theo cơ sở nào?
- Bằng Tổ quốc ghi công ghi: Hy sinh tháng 12/1971 nhưng thông tin theo trích lục của Phòng Chính sách - Cục Chính trị, Quân khu 5 là ngày 6/2/1971. Vậy thông tin này có cần điều chỉnh lại không, nếu điều chỉnh thì theo cơ sở nào?
- Thân nhân liệt sĩ lên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình xin sao lục Giấy báo tử của liệt sĩ thì được cán bộ hướng dẫn thông báo, Giấy báo tử chỉ được sao lục 1 lần duy nhất, không cấp lại lần thứ 2 (do gia đình bị thất lạc). Vậy thân nhân liệt sĩ có được xin sao lục lại Giấy báo tử không?
Về vấn đề này, Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng trả lời như sau:
Đính chính thông tin, sao lục Giấy báo tử
Căn cứ Điều 48, Điều 51 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Điều 27 Thông tư số 202/2013/TT-BQP ngày 7/11/2013 của Bộ Quốc phòng, hướng dẫn về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân, quy định sửa đổi thông tin cá nhân và sao lục, đổi hoặc cấp lại giấy tờ trong hồ sơ người có công được thực hiện như sau:
- Trường hợp thông tin trong hồ sơ liệt sĩ chưa đúng, chưa thống nhất, thân nhân liệt sĩ làm đơn đề nghị đính chính thông tin trong hồ sơ người có công (mẫu HS5) kèm các giấy tờ liên quan làm căn cứ để đính chính thông tin, gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nơi quản lý của người có công.
- Trường hợp xin sao lục Giấy Báo tử, thân nhân liệt sĩ liên hệ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi của người có công để được kiểm tra, sao lục theo quy định.
- Trường hợp đổi hoặc cấp lại “Bằng Tổ quốc ghi công”, thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ có đơn đề nghị (mẫu TQ1) kèm theo các giấy tờ làm căn cứ gửi UBND cấp xã xác nhận, tổng hợp và lập danh sách gửi cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội các cấp xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Thủ tục hồ sơ thanh toán trợ cấp thân nhân đi tìm mộ liệt sĩ
Theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 298/2017/TT-BQP ngày 1/12/2017 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thì hồ sơ thanh toán trợ cấp thân nhân đi tìm mộ liệt sĩ gồm: Giấy giới thiệu (Mẫu 03, bản chính), 1 bản sao có chứng thực Giấy Báo tử hoặc Bằng Tổ quốc ghi công.
Hồ sơ trên được nộp cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam để được xem xét và giải quyết theo quy định.
Chinhphu.vn