Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Công ty Thủy điện của ông Nguyễn Mạnh Hà (Tuyên Quang) là đơn vị hạch toán phụ thuộc của EVN; khai, tính và nộp thuế thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 10/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ.
Trong đó, trường hợp công ty thủy điện không trực tiếp bán điện thì giá tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với điện của các công ty thủy điện là giá bán điện cho công ty mẹ do EVN công bố trước ngày 31/3 hàng năm để áp dụng thống nhất nhưng không thấp hơn chi phí sản xuất điện bình quân năm trước liền kề (không bao gồm chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá) của các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN và của các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc Tổng công ty phát điện.
Theo quy định trên, EVN đã có các văn bản thông báo giá tính thuế GTGT năm 2020 và năm 2021. Tuy nhiên ngày 5/7/2021, EVN lại có Văn bản số 3805/EVN-TCKT điều chỉnh giá tính thuế GTGT năm 2020, 2021 theo Nghị định số 10/2017/NĐ-CP.
Ông Hà hỏi, công ty ông lập hóa đơn điều chỉnh cho cả năm 2020 trong 1 hóa đơn hay lập hóa đơn điều chỉnh cho từng tháng (trong năm 2020 mỗi tháng đã viết 1 hóa đơn theo số phát sinh hàng tháng)?
Về vấn đề này, Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang trả lời như sau:
Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành, sử dụng và quản lý hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định:
“Điều 9. Xử lý đối với hóa đơn điện tử đã lập
2. Trường hợp hóa đơn đã lập và gửi cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận có chữ ký điện tử của cả hai bên ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điện tử điều chỉnh sai sót. Hoá đơn điện tử lập sau ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hoá, giá bán, thuế suất thuế GTGT, tiền thuế GTGT cho hoá đơn điện tử số…, ký hiệu… Căn cứ vào hoá đơn điện tử điều chỉnh, người bán và người mua thực hiện kê khai điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và hóa đơn hiện hành. Hoá đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-)”.
Theo Khoản 3 Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:
“Điều 20. Xử lý đối với hóa đơn đã lập
3. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế GTGT…, tiền thuế GTGT cho hóa đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-)”.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC (nếu là hóa đơn điện tử) hoặc Khoản 3 Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC (nếu là hóa đơn tự in, đặt in).
Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang trả lời để ông Hà biết và thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn nêu trên.