Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Lượng được tăng lương lên bậc 5, hệ số lương 3,66 từ ngày 1/6/2022 và được bảo lưu “mức lương và phụ cấp thâm niên” tại thời điểm chuyển ngành là hệ số 5,0 (thượng úy) trong thời gian tối thiểu 18 tháng.
Ngày 2/6/2022, ông Lượng được phân công và bàn giao phụ trách địa bàn nằm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên ông được hưởng phụ cấp thu hút bằng "70% mức lương hiện hưởng" theo quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP (tức 70% mức lương chính mà ông đang được nhận bảo lưu trong thời gian tối thiểu 18 tháng), nhưng nay cơ quan chỉ làm phụ cấp thu hút cho ông được hưởng 70% của hệ số 3,66.
Trước đây khi công tác ở ngành Công an ông Lượng chưa được hưởng phụ cấp thu hút, vì không công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Ông Lượng hỏi, cơ quan thực hiện chế độ chính sách như vậy với ông có đúng không?
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Phụ cấp thu hút ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thực hiện theo quy định tại Điều 2 và Điều 4 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện – kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, cụ thể: "Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 05 năm (60 tháng)".
Việc tổ chức thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh Thanh Hóa thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh. Vì vậy, đề nghị ông Trịnh Xuân Lượng liên hệ với cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thanh Hóa (Sở Nội vụ) để được giải đáp.
Chinhphu.vn