Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong đợt chuyển xếp lương vừa qua (1/6/2023), bà Tuyết được chuyển xếp sang lương mới là bậc 5, hệ số 5,36 (mã số V.07.03.28), thời điểm tăng lương lần sau từ khi ký quyết định là ngày 1/6/2023. Bà thấy hệ số của bà đúng nhưng thời điểm tăng lương lần sau được tính từ ngày 1/6/2023 thì bà bị thiệt mất 2 năm 6 tháng không được tăng lương.
Theo bà Tuyết, nếu thời điểm bà tăng lương là ngày 1/12/2020 không vượt khung thì từ ngày từ ngày 1/12/2020 bà đã ở bậc lương mới như bây giờ là 5,36. Vậy sau 3 năm là ngày 1/12/2023, bà tăng một bậc lương tiếp theo là 5,70. Nếu theo cách tính như hiện nay thì ngày 1/6/2026 bà mới được tăng bậc lương 5,70, như vậy bà sẽ phải có 5 năm 6 tháng ở bậc lương 5,36.
Bà Tuyết đề nghị được xem xét thời điểm nâng lương lần sau lùi lại cho bà ở bậc lương 5,36 hiện tại là ngày 1/12/2020 để bà đỡ thiệt thòi.
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Việc xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức được quy định tại Khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.
Theo đó, trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
Việc tổ chức thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Vì vậy, đề nghị bà Nguyễn Thị Tuyết liên hệ với cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bắc Giang (Sở Nội vụ) để được giải đáp.
Chinhphu.vn