• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Huyện Thanh Oai (Hà Nội) đền bù một mét vuông đất bằng ba bát phở

(Chinhphu.vn) - Với người dân, đất đai là tài sản rất lớn, là sinh kế của nhiều gia đình, cho nên việc thu hồi đất cần theo căn cứ thực tế và thỏa đáng để có thể bù đắp những thiệt hại của họ khi mất sinh kế. Nhưng ngay tại Thủ đô vẫn tồn tại nghịch lý, giá đền bù một mét vuông đất chỉ đủ mua vài ba bát phở.

07/09/2022 17:02

Đây là tình cảnh mà gia đình ông Nguyễn Công Việt (thôn Dư Dụ 2, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) đang gặp phải.

Theo phản ánh ông Việt gửi đến Cổng TTĐT Chính phủ, Báo Điện tử Chính phủ, khoảng trước năm 1980, gia đình ông có một thửa đất trong làng, trên đất có ngôi nhà 5 gian.

Thời điểm đó, gia đình ông Việt đang có hai thửa đất ở cách xa nhau. Để tiện cho việc quản lý, trông nom, gia đình đã đổi đất ở trong làng cho gia đình cụ Chữ. Đất gia đình cụ Chữ đổi cho gia đình ông Việt có nguồn gốc của cha ông để lại, hoàn toàn độc lập với thửa đất liền kề sẵn có của gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Năm 1986, ông Việt xây 2 gian nhà cấp 4, lợp ngói ri, diện tích khoảng 30 m2 trên diện tích đất này, nay đã phá đi và hiện tại vẫn còn móng chôn dưới đất. Năm 1992, ông xây dựng toàn bộ diện tích 224 m2 làm lán xưởng, chất liệu là cây bạch đàn, lợp ngói proximăng. Thời gian sau, nhà xưởng bị xuống cấp, ông Việt đã tu sửa lại, làm móng, xây tường gạch xi măng, lợp mái tôn, khung sắt để phục vụ sản xuất.

Huyện Thanh Oai (Hà Nội) đền bù một mét vuông đất bằng ba bát phở - Ảnh 1.

Hiện trạng phần đất thuộc diện thu hồi mà gia đình ông Việt đang sử dụng

Từ khi Nhà nước tiến hành thu thuế đất cho đến nay đã hơn 20 năm, gia đình ông Việt đều đóng thuế theo diện đất ở. Gia đình ông luôn nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và đóng thuế đầy đủ. Trong thông báo thuế mới nhất ngày 10/5/2021, Cơ quan Thuế huyện Thanh Oai vẫn ghi nhận: "Căn cứ thông tin kê khai của người nộp thuế và thông tin xác định của các cơ quan chức năng, cơ quan Thuế thông báo nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp như sau: Thu đất ở nông thôn".

Huyện Thanh Oai (Hà Nội) đền bù một mét vuông đất bằng ba bát phở - Ảnh 2.

Hơn 20 năm địa phương đều thu thuế đất của gia đình ông Việt là đất ở

Tháng 3/2020, gia đình ông Việt nhận được Thông báo số 346/TB-UBND ngày 5/3/2020 của UBND huyện Thanh Oai về việc thu hồi 57,9 m2 đất để thực hiện Dự án Cải tạo chỉnh trang tỉnh lộ 427, đoạn từ QL 21B - trục đường phía Nam - Quốc lộ 1A trên địa bàn huyện Thanh Oai. Tại Thông báo nêu rõ "Loại đất hiện trạng đang sử dụng: Đất ở nông thôn".

Ngày 13/10/2021, gia đình ông Việt nhận được bản dự thảo phương án bồi thường đất và nhà ở, trong dự thảo này, phương án bồi thường cho phần đất thu hồi của gia đình ông là đất trồng cây lâu năm, đây là do hồ sơ địa chính đã thể hiện không đúng hiện trạng thửa đất.

Các thửa đất gia đình ông Việt đang sử dụng là các thửa liền kề nhưng riêng biệt, đóng thuế đất riêng từ năm 2013. Tuy nhiên, khi đo đạc, cán bộ địa chính lại "nhập nhằng" đo chung thửa đã có sổ đỏ là đất ở với thửa có phần đất thu hồi làm một và lấy lý do, tổng hạn mức đất ở của gia đình đã đủ, nên phần diện tích còn lại "đánh đồng" là đất trồng cây lâu năm. Những việc làm có dấu hiệu "khuất tất" đều do chính quyền địa phương tự làm.

Có hay không chuyện "lập lờ đánh lận con đen"?

Ngày 18/3/2022, UBND xã Thanh Thùy kết hợp với các cơ quan chuyên môn xuống gia đình nhà ông Việt đo lại đất và xác nhận diện tích thu hồi chính xác là 86,7 m2. Sau khi đo đất, xã mời gia đình ông Việt lên trụ sở UBND để họp, ký hồ sơ kỹ thuật thửa đất.

Tại hồ sơ kỹ thuật thửa đất đưa cho gia đình ông Việt đọc thì phần mục đích sử dụng đất ghi "Đất ở nông thôn".

Tuy nhiên, sau khi các cán bộ trong cuộc họp sang phòng khác để thảo luận thì bản hồ sơ kỹ thuật thửa đất đưa lại cho ông Việt ký đã bị sửa lại mục 4 "Mục đích sử dụng đất tại vị trí thu hồi: Đất trồng cây lâu năm", và năm trong hồ sơ chuyển thành 2021.

Huyện Thanh Oai (Hà Nội) đền bù một mét vuông đất bằng ba bát phở - Ảnh 3.

Tất cả văn bản nêu trên, gia đình ông Việt đều không nhận được bản lưu nào.

Từ những năm 1985,1986 đến nay, trên mảnh đất này, gia đình ông Việt đã nhiều lần xây dựng nhưng chưa từng bị địa phương xử phạt hay nhắc nhở về việc sử dụng đất không đúng mục đích. Đồng thời gia đình nhiều năm đều nộp thuế là đất ở, nên việc chính quyền "tự nhiên" thay đổi mục đích sử dụng đất của gia đình khi tính giá đền bù theo đất trồng cây lâu năm, với vỏn vẹn 158.000 đồng/m2, đáng giá ba bát phở khiến gia đình vô cùng bất ngờ và bức xúc.

Từ thông báo thu hồi đất ban đầu năm 2020, địa phương đã xác nhận là đất ở, vậy mà đến khi ra quyết định thu hồi, mọi thứ bị đảo ngược. Gia đình ông Việt đã nhiều lần gửi đơn đề nghị UBND huyện Thanh Oai và các cơ quan chức năng xem xét lại việc bồi thường nhưng đều không được giải quyết.

Ngay sau khi tiếp nhận kiến nghị của gia đình ông Nguyễn Công Việt, ngày 8/4/2022, Cổng TTĐT Chính phủ đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội để xem xét, chỉ đạo giải quyết, trả lời.

Ngày 25/4/2022, Ban Tiếp công dân TP. Hà Nội đã có Văn bản số 591/PC-BTD chuyển kiến nghị đến Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai để kiểm tra, giải quyết, trả lời theo quy định.

Tuy nhiên, đã gần 5 tháng trôi qua, chính quyền huyện Thanh Oai vẫn im lặng, bỏ ngoài tai các kiến nghị và đòi hỏi chính đáng của người dân.

Với người dân, đất đai là tài sản có giá trị rất lớn, là sinh kế của nhiều gia đình, nên việc thu hồi đất cần theo căn cứ thực tế và thỏa đáng để có thể bù đắp những thiệt hại của họ khi mất sinh kế.

Chính quyền huyện Thanh Oai, xã Thanh Thùy cần có lời giải thích rõ ràng và một phương án giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Cổng TTĐT Chính phủ tiếp tục theo dõi và sẽ cung cấp thông tin đầy đủ tới bạn đọc khi có kết quả.

Chinhphu.vn