Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, lãnh đạo Agribank cho biết đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong toàn hệ thống triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện kể từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ và đáp ứng các quy định như: Dư nợ gốc phát sinh trước ngày 24/4/2023 từ hoạt động cho vay; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024; số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận; Agribank nơi cho vay đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận…
Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn và khả năng trả nợ của của khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Trong thời gian qua, Agribank khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu của NHTM Nhà nước nghiêm túc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với những nội dung triển khai như: Tếp tục triển khai hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31.
Ngân hàng này cũng tích cực triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD dành cho khách hàng doanh nghiệp; chương trình cho vay tiêu dùng quy mô 10.000 tỷ đồng ưu đãi đối với cán bộ, công nhân viên ngành y tế; chương trình cho vay nhà ở xã hội quy mô 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ.
Năm 2022, Agribank đã chủ động tiết giảm 2.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cùng với việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất quy mô 160.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02 do NHNN tổ chức vừa qua,đại diện Agribank cho biết: Tăng trưởng tín dụng hầu hết các khu vực giảm so với đầu năm (chỉ có Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ tăng). Nguyên nhân giảm không phải do chính sách mà do sức hấp thụ của nền kinh tế. Ngân hàng này đã tổ chức hội nghị tín dụng và đưa ra các giải pháp tín dụng để hỗ trợ khách hàng, dù khách hàng của ngân hàng có tỷ trọng khá cao là khu vực nông thôn... Bên cạnh đó, Agribank cũng đã tích cực tham gia các chương trình tín dụng, ví như triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho bất động sản, thực hiện cơ cấu nợ...
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi chính sách, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đã đề nghị lãnh đạo các ngân hàng thương mại và lãnh đạo các chi nhánh NHNN cần tích cực triển khai cũng như có các giải pháp để Thông tư 02 đi vào cuộc sống ngay từ đầu, không để doanh nghiệp than phiền về vấn đề thực thi chính sách.
Anh Minh