Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Về số ca mắc mới, CDC Khánh Hòa cho biết, tính từ 16 giờ ngày 24/6 đến 7 giờ sáng ngày 25/7, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận thêm 63 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, TP. Nha Trang 19 ca, thị xã Ninh Hòa 38 ca, huyện Diên Khánh 1 ca và huyện Cam Lâm 5 ca. Trong số các ca dương tính, có 13 ca ghi nhận tại cộng đồng (TP. Nha Trang có 9 ca).
Các trường hợp dương tính được chuyển đến cách ly, điều trị tại bệnh viện dã chiến; điều tra, xác định các yếu tố dịch tễ và xử lý môi trường các địa điểm nguy cơ, khu vực bệnh nhân đi qua.
Trong thời gian trên, toàn tỉnh đã truy vết được 12 F1 và 23 F2; có 2 bệnh nhân mắc COVID-19 đã tử vong.
Tính từ ngày 23/6 đến 7 giờ ngày 25/7, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 1.097 ca mắc COVID-19. Có 6/9 huyện, thị, thành phố ghi nhận có ca mắc. Trong đó, thị xã Ninh Hòa nhiều nhất với 778 ca, TP. Nha Trang 251 ca, huyện Vạn Ninh 32 ca, huyện Cam Lâm 23 ca, TP. Cam Ranh 7 ca, huyện Diên Khánh 6 ca.
Toàn tỉnh Khánh Hòa đã truy vết được 3.913 F1 và 10.149 F2. Đồng thời, lấy 234.532 mẫu xét nghiệm RT-PCR và 213.966 test nhanh kháng nguyên, phong tỏa tạm thời 119 địa điểm.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân trao hỗ trợ cho một số thành viên Nghiệp đoàn xe ôm thị xã Ninh Hòa. |
Chung tay, đồng lòng vượt đại dịch
Ngày 24/7, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa có Thư kêu gọi gửi đến toàn thể Nhân dân, cán bộ và chiến sĩ trong tỉnh; bà con nhân dân, các cháu học sinh sinh viên đang làm việc, lao động và học tập ở thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam; các tổ chức và doanh nghiệp về việc chung tay, đồng lòng thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.
Trong thư Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa bày tỏ: Hiện nay, nhiều huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Khánh Hòa đang phải thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn cho mỗi người dân. Tôi thấu hiểu rằng sự thay đổi này đã làm đảo lộn những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người, chúng ta phải hạn chế di chuyển, phải tạm gác lại những kế hoạch, dự định của bản thân, công chuyện làm ăn bị gián đoạn, rất nhiều người chưa thể về nhà trong thời gian qua… Đây thật sự là những khó khăn mà những người dân Khánh Hòa vốn hiền hòa, hiếu khách, nghĩa tình đang phải trải qua”.
Ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh: "Khánh Hòa đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, hơn lúc nào hết, đây là lúc chúng ta cần sát cánh, nêu cao tinh thần vì cộng đồng, chung sức chung lòng thực hiện trách nhiệm phòng chống dịch bệnh. Chỉ cần mỗi người trong chúng ta nâng cao ý thức, tự giác tuân thủ các quy định, hướng dẫn của cơ quan y tế để virus không có cơ hội xâm nhập và lây nhiễm cho người khác thì tôi tin chắc rằng, mọi khó khăn trên sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” này, chúng ta biết rằng hiện có rất nhiều cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế, các lực lượng công an, quân đội, cán bộ phục vụ các cơ sở y tế xét nghiệm điều trị, khu vực cách ly tập trung tại tuyến đầu đang phải làm việc hết sức mình và đã rất nhiều tuần không được nghỉ ngơi, nhiều tuần chưa được về nhà, chưa được gặp người thân, tất cả là để bảo vệ sức khỏe và sự bình an của nhân dân. Chúng ta cũng biết rằng hệ thống cơ sở vật chất y tế của các địa phương trên địa bàn tỉnh là có giới hạn và có thể sẽ quá tải đối với việc phải chăm sóc số lượng người bệnh mỗi ngày một tăng cao. Chính vì vậy, mỗi cá nhân hãy đóng góp vào công cuộc phòng chống dịch bệnh bằng những hành động nhỏ nhất, chỉ cần ở tại nhà là đã góp phần cho cả cộng đồng an toàn, rồi sau đó chúng ta sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường".
Trong những ngày này, người lao động, các gia đình neo đơn, hộ nghèo, các gia đình chính sách, người dân nơi vùng sâu vùng xa gặp rất nhiều khó khăn; lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thành lập các Trung tâm cứu trợ, cung cấp các mặt hàng thiết yếu, các đội cấp cứu sẵn sàng cứu chữa người bệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn, thôn ấp, bản làng và các Tổ COVID cộng đồng tiếp tục chỉ đạo, quan tâm sâu sát đến mọi người dân; tuyệt đối không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thực phẩm, thuốc men chữa bệnh.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân: Tỉnh Khánh Hòa đang gặp phải những thách thức vô cùng to lớn và rất cần sự chung tay chia sẻ, ủng hộ, giúp đỡ của toàn thể nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Kêu gọi toàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng chung tay chia sẻ, nâng cao ý thức, tự giác thực hiện và tuân thủ các chỉ thị, công điện, hướng dẫn, quy định về phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, của tỉnh và của mỗi địa phương, đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, trong khả năng của mình, tích cực hưởng ứng, tham gia quyên góp, ủng hộ vật chất và tinh thần, tạo thêm nguồn lực để cùng Đảng và Nhà nước tập trung phòng chống dịch bệnh, để chúng ta có thể nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường trong thời gian sớm nhất.
Nhân đây, ông Nguyễn Tấn Tuân gửi lời thăm hỏi chia sẻ những khó khăn của người dân Khánh Hòa đang làm việc, lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, các cháu học sinh, sinh viên Khánh Hòa học tập ở các địa phương chưa về được nhà, mong rằng chúng ta cũng sẽ thực hiện nghiêm quy định của các địa phương sở tại.
Trường hợp cần thiết, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa sẽ phối hợp tổ chức các chuyến xe đưa đón bà con, các cháu học sinh, sinh viên tỉnh nhà đang làm việc, lao động, học tập về quê nhưng phải đảm bảo nghiêm các quy định, yêu cầu về phòng chống dịch.
Hiện nay, Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế đang tiếp tục chỉ đạo, cung ứng nguồn vaccine cho các tỉnh. Tỉnh Khánh Hòa cũng đang nỗ lực tổ chức tiêm vaccine cho các đối tượng ưu tiên tuyến đầu, người cao tuổi có bệnh nền, một số người lao động tại các doanh nghiệp… theo đúng quy định; hướng tới mục tiêu tất cả người dân đều được tiêm vaccine theo kế hoạch. Tôi mong mọi người hãy thật sự đồng cảm, chia sẻ với cộng đồng để vượt qua khó khăn hiện tại.
Cuộc chiến với đại dịch COVID-19 của tỉnh Khánh Hòa sẽ vẫn còn tiếp diễn, khó khăn còn nhiều. Chỉ có kiểm soát được dịch, chúng ta mới có điều kiện để duy trì sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trước mắt.
Cùng với sự đồng lòng, nhất trí của cả xã hội và quan điểm chỉ đạo nhất quán, đúng đắn của Đảng, Nhà nước của Tỉnh ủy trong phòng, chống dịch; với niềm tin vào sự quyết tâm của các cấp chính quyền, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng công an và quân đội, các cán bộ tham gia phòng chống dịch và đặc biệt là niềm tin, sự kỳ vọng đối với mỗi người dân tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa tin tưởng rằng quê hương Khánh Hòa sẽ trở lại những ngày bình thường, vượt qua dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, ổn định và phát triển.
Tăng cường các biện pháp cấp bách
Trong một diễn biến liên quan, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có công điện khẩn về việc bổ sung một số biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định, các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và TP. Nha Trang) thực hiện các nội dung: Từ 0 giờ ngày 26/7, tạm dừng hoạt động toàn bộ chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn để kiểm tra, đánh giá, xây dựng kế hoạch việc triển khai các phương án phòng, chống dịch; các chợ chỉ hoạt động trở lại khi đã đảm bảo an toàn theo đúng quy định.
Đối với các chốt, trạm kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch trên Quốc lộ 1, chỉ giải quyết cho xe công vụ, các loại phương tiện vận tải hàng hóa có mã nhận diện được phép vận chuyển, vận tải đi vào hoặc lưu thông qua tỉnh; các xe cá nhân của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang phục vụ phòng, chống dịch và các mục đích công vụ.
Tạm dừng hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách (do chính quyền cấp huyện quyết định); trường hợp hoạt động phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, nhất là nguyên tắc “3 tại chỗ”.
Cho phép hoạt động các doanh nghiệp sau: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; ngân hàng, chứng khoán, kho bạc nhà nước, tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác (do UBND cấp huyện quy định cụ thể theo tình hình, mức độ dịch) nhưng phải bảo đảm giãn cách và các quy định khác.
Trong các khu phong tỏa cần thực hiện triệt để “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế, mua thực phẩm thiết yếu; các khu vực khác có nguy cơ rất cao thì người dân chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà; các khu nhà trong các hẻm nhỏ, đông người, mật độ dân số cao, thực hiện triệt để yêu cầu giãn cách giữa người với người.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp chỉ được phép hoạt động khi bảo đảm an toàn theo quy định, tuân thủ nghiêm nguyên tắc “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”; kiên quyết dừng ngay lập tức và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp hoạt động không bảo đảm các yêu cầu công tác phòng, chống dịch.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg (Cam Ranh, Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh) cần tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, tích cực về các hoạt động phòng, chống dịch, hạn chế tối đa đưa tin một chiều, thiếu kiểm chứng, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết (mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu).
Siết chặt quản lý người và phương tiện từ các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg; hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân, việc di chuyển của người dân từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết…