Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động (NSDLĐ) khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật với người lao động (NLĐ) như sau:
“1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo HĐLĐ giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc”.
Hiện Khoản 1 Điều 42 đang gây tranh cãi trong cách hiểu và vận dụng, đó là:
- NLĐ và NSDLĐ ký HĐLĐ xác định thời hạn thì khi sa thải NLĐ trái pháp luật, NSDLĐ chỉ phải trả tiền lương, BHXH, BHYT trong những ngày NLĐ không được làm việc từ khi bị sa thải trái pháp luật đến khi hết thời hạn của HĐLĐ đã giao kết, có đúng hay không?
- Tiền lương làm căn cứ buộc NSDLĐ phải trả cho NLĐ là tiền lương theo HĐLĐ đã giao kết có đúng hay không?
- Tiền lương không bao gồm tiền thưởng phát sinh từ chính sách phúc lợi của Công ty?
- NSDLĐ phải truy đóng BHXH, BHYT hay thanh toán bằng tiền tương ứng cho NLĐ?
- Tổng thời gian NLĐ phải trả BHXH, BHYT cho NLĐ là tổng thời gian NLĐ không được đóng BHXH, BHYT từ khi bị sa thải theo pháp luật đến khi tham gia bảo hiểm tại đơn vị sử dụng lao động khác có đúng hay không?
Theo quan điểm của Công ty, trong bất cứ tình huống nào, việc sa thải NLĐ khi HĐLĐ đang có hiệu lực đều là NSDLĐ đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn. Do đó, NSDLĐ phải chi trả, bồi thường các chế độ cho NLĐ trong khoảng thời gian từ khi bị sa thải trái pháp luật đến khi hết thời hạn HĐLĐ. Việc yêu cầu NSDLĐ chi trả, bồi thường các chế độ cho NLĐ ngoài khoảng thời gian này là không có căn cứ, đi ngược lại mục đích và ý chí khi giao kết HĐLĐ của các bên.
Nhằm vận dụng thống nhất các quy định pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp lao động, Công ty để nghị cơ quan chức năng hướng dẫn giải thích vướng mắc nêu trên.
Về vấn đề này, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 của Bộ luật Lao động thì trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, BHXH, BHYT trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Hiện nay, pháp luật lao động chưa có quy định chi tiết, hướng dẫn về “những ngày người lao động không được làm việc”. Vì vậy, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương xin ghi nhận ý kiến của Công ty để nghiên cứu, đề nghị Quốc hội sửa đổi Bộ luật Lao động trong thời gian tới.
Chinhphu.vn