• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Mưa, lũ đặc biệt lớn; phải tính đến kịch bản xấu nhất để ứng phó hiểm họa

(Chinhphu.vn) - Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương liên tục phát đi các bản cảnh báo tin lũ khẩn cấp (đặc biệt lớn); Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện chỉ đạo ứng phó khẩn cấp với mưa lũ;..

06/11/2017 08:30

Diễn biến lũ: Hiện nay, mực nước hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn (Quảng Nam) đang dao động ở mức đỉnh; sông Kôn (Bình Định) đang lên; sông Đắkbla (Kon Tum) đang dao động ở mức cao; các sông khác từ Quảng Trị đến Khánh Hòa đang xuống. Mực nước lúc 4h/06/11 trên một số sông như sau:

- Sông Thạch Hãn (Quảng Trị) tại Thạch Hãn 5,43m, xấp xỉ BĐ3;

- Sông Bồ (Thừa Thiên Huế) tại Phú Ốc 4,41m, xấp xỉ BĐ3;

- Sông Hương (Thừa Thiên Huế) tại Kim Long 3,64m, trên BĐ3 0,14m;

- Sông Vu Gia (Quảng Nam) tại Ái Nghĩa 9,96m, trên BĐ3 0,96m;

- Sông Thu Bồn tại Câu Lâu 5,12m, trên BĐ3 1,12m; tại Hội An 3,15m, trên  BĐ3 1,15m;

- Sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) tại trạm Trà Khúc 7,64m, trên BĐ3 1,14m;

- Sông Vệ (Quảng Ngãi) tại trạm Sông Vệ 5,69m, trên BĐ3 1,19m;

- Sông Lại Giang (Bình Định) tại Bồng Sơn 8,39m, trên BĐ3 0,39m;

- Sông Kôn (Bình Định) tại Thạnh Hòa 7,8m, dưới BĐ3 0,2m;

- Sông Dinh (Khánh Hòa) tại Ninh Hòa (lúc 1h) 5,28m, dưới BĐ3 0,22m;

- Sông ĐắkBla (Kon Tum) tại Kon Plong 594,05m ở mức BĐ3.

Dự báo: Trong 3-6 giờ tới, lũ hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn sẽ đạt đỉnh, tại Câu Lâu lên mức 5,2m, trên BĐ3 1,2m; tại Hội An lên mức 3,3m, trên BĐ3 1,3m (tương đương mực nước lũ lịch sử năm 2007), sau xuống chậm;

Trong 12 giờ tiếp theo, lũ hạ lưu sông Kôn tiếp tục lên; các sông khác từ Quảng Bình đến Bình Định tiếp tục xuống. Mực nước trên các sông có khả năng như sau:

- Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn xuống mức 4,5m, trên BĐ2 0,5m;

- Sông Bồ tại Phú Ốc xuống mức 3,4m, trên BĐ2 0,4m;

- Sông Hương tại Kim Long xuống mức 2,6m, trên BĐ2 0,6m;

- Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa xuống mức 9,2m, trên BĐ3 0,2m;

- Sông Thu Bồn tại Câu Lâu xuống mức 4,8m, trên BĐ3 0,8m; tại Hội An xuống mức 2,7m, trên BĐ3 0,7m;

- Sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc xuống mức 6,1m, dưới BĐ3 0,4m;

- Sông Vệ tại trạm Sông Vệ xuống mức 4,5m ở mức BĐ3;

- Sông Lại Giang tại Bồng Sơn xuống mức 7,5m, trên BĐ2 0,5m;

- Sông Kôn tại Thạnh Hòa lên mức 8,5m, trên BĐ3 0,5m (dự kiến Qxả hồ Định Bình 2000m3/s);

- Sông Đắkbla tại KonPlong dao động ở mức 594,0m, ở mức BĐ3;

- Các sông khác dao động ở mức BĐ1-BĐ2

Cảnh báo: Ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng ở vùng trũng thấp tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định, bắc Khánh Hòa. Đặc biệt là các huyện:

Thừa Thiên Huế: Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà, Thành phố Huế;

Quảng Nam: Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Nông Sơn, Hội An, Thành phố Tam Kỳ;

Quảng Ngãi: Nghĩa Hành, Mộ Đức, Thị trấn Châu Ổ, Thành phố Quảng Ngãi;

Bình Định: Vân Canh, Hoài Nhơn, thành phố Quy Nhơn;

Kon Tum: Đắk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông.

Cảnh báo: Trong 6-12 giờ tới, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa, mưa to.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng thấp các tỉnh trên. Đặc biệt ở các huyện:

- Tỉnh Quảng Trị: Hướng Hóa, Đăkrông

- Tỉnh Thừa Thiên Huế: Phong Điền, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy, Nam Đông, A Lưới

- Tỉnh Quảng Nam: Hiên, Nam Giang, Quế Sơn, Phước Sơn, Trà My

- Tỉnh Quảng Ngãi: Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long

- Tỉnh Bình Định: Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân,  Phù Cát, Hoài Nhơn, Tuy Phước

- Tỉnh Kon Tum: Đắk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông.

- Tỉnh Gia Lai: K'Bang, Đắk Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Mang Yang, Krông Chro, Chư Prông, Chư Sê, Đak Pơ, Ia Pa, Chư Pưh, Krông Pa và Phú Thiện

-Tỉnh Đăk Lăk: Ea H'leo, Krông Năng và Ea Kar

Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả bão, ứng phó khẩn cấp mưa lũ

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tập trung khắc phục hậu quả bão số 12 và ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại miền Trung và Tây Nguyên.

Công điện nêu rõ:

Bão số 12 đổ bộ vào bờ với gió giật đo được cấp 12-13 đã gây thiệt hại lớn tại tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhất là các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Trong 3 ngày qua, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên liên tiếp có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa đo được tại một số trạm ở các tỉnh Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên và tỉnh Gia Lai từ 500-600 mm, đặc biệt ở các tỉnh Quảng Nam và Bình Định trên 700 mm, gây ngập lụt các vùng trũng, thấp, ven sông suối. Lũ các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam và khu vực nam Tây Nguyên đang lên nhanh; trên sông Bồ (Thừa Thiên-Huế) có thể xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 1999; sông Thu Bồn tương đương lũ lịch sử năm 2007.

Thêm vào đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực này có thể sẽ tiếp tục có mưa rất to trong những ngày tới, nguy cơ cao xảy ra lũ lớn và đặc biệt lớn, nhất là tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi và sạt lở đất, lũ quét tại miền núi; ngập lụt sâu trên diện rộng, chia cắt cục bộ tại các vùng thấp trũng, ven sông suối.

Để chủ động ứng phó mưa lũ, hạn chế thiệt hại và khắc phục nhanh hậu quả bão số 12, sớm ổn định đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, nhất là các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ, tập trung một số nhiệm vụ sau:

a) Rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ không bảo đảm an toàn phải kiên quyết di dời, trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo vệ tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân. Chủ động cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực bị ngập sâu, khuyến cáo người dân trong các hoạt động khi có mưa lũ; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ.

b) Tiếp tục chỉ đạo, triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao cần có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để bảo đảm an toàn, rà soát để bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố.

c) Chỉ đạo, tổ chức giám sát việc vận hành các hồ chứa nước trên địa bàn theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt, đồng thời chủ động xử lý mọi tình huống trong quá trình vận hành. Chủ các hồ đập chịu trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến vận hành hồ chứa nước về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương có liên quan phục vụ chỉ đạo phối hợp vận hành các hồ.

d) Tiếp tục rà soát cập nhật, triển khai các phương án phòng chống ngập úng các đô thị, đặc biệt là tại các khu vực diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC.

2. Các địa phương chịu ảnh hưởng của bão, đặc biệt là các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa chỉ đạo, huy động lực lượng quân đội, công an, các lực lượng tại chỗ, các tổ chức đoàn thể khắc phục hậu quả bão số 12, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chính sau:

- Tiếp tục tổ chức tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với người, phương tiện còn mất tích, chưa liên lạc được, nhất là những người bị nạn trên các tàu vận tải bị sự cố tại vùng biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

- Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại, nhất là đối với những hộ có người bị chết, mất tích; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm và có phương án tái định cư đối với những hộ bị mất nhà cửa (nhất là hộ nghèo, gia đình chính sách), không để người dân thiếu đói, không có nơi trú ngụ, đặc biệt là khu vực bị thiệt hại nặng ven biển.

- Bố trí lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa; tổ chức sửa chữa, dọn dẹp vệ sinh trường học, cơ sở y tế, hệ thống điện, đường giao thông để sớm ổn định các hoạt động và sinh hoạt của người dân.

- Chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở triển khai các biện pháp cần thiết bảo đảm vệ sinh môi trường sau bão, lũ, không để nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo kiểm tra, triển khai phương án bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi, nhất là các hồ thủy lợi xung yếu; phối hợp vận hành an toàn các hồ chứa thuỷ lợi, góp phần giảm lũ cho hạ du, không để gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả lũ nhân tạo. Chỉ đạo chuẩn bị các phương án khôi phục sản xuất sau bão, lũ phù hợp với diễn biến thời tiết, thiên tai thời gian tới.

4. Bộ Công Thương: Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp, hỗ trợ các địa phương khôi phục nhanh hệ thống điện, nhất là tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng do bão, mưa lũ vừa qua, bảo đảm nguồn điện phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo vận hành an toàn hệ thống điện; phối hợp vận hành các hồ chứa thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả lũ nhân tạo.

5. Bộ Giao thông vận tải: Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tìm kiếm, cứu nạn thuyền viên của các tàu vận tải bị sự cố tại Quy Nhơn; phối hợp với các cơ quan và địa phương có liên quan tổ chức trục vớt phương tiện bị chìm đắm, thanh thải luồng lạch bảo đảm giao thông. Chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với tàu, phương tiện vận tải hoạt động, neo đậu trên sông và vùng cửa sông; triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt tại các khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ. Phối hợp với lực lượng công an chủ động chỉ đạo kiểm soát, phân luồng chống ách tắc, bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục hậu quả, khôi phục giao thông trên các trục chính, nhất là tuyến Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, các nhà mạng khẩn trương khôi phục thông tin liên lạc sau bão, lũ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai và sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân.

7. Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và chủ động hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng của bão, mưa lũ cơ số thuốc và các hóa chất cần thiết để bảo đảm khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.

8. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 5 bố trí tăng cường quân số hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng nặng do bão số 12, trong đó có các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa khắc phục hậu quả sau bão, tập trung hỗ trợ Nhân dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa, sửa chữa trường lớp, cơ sở y tế, vệ sinh đường phố,...; chỉ đạo các quân khu, lực lượng quân sự địa phương và các đơn vị đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương sơ tán, di dời dân cư, ứng phó với mưa lũ khi được yêu cầu.

9. Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, không để tình hình phức tạp xảy ra sau bão, lũ; sẵn sàng lực lượng hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả bão số 12 và ứng phó với mưa lũ theo đề nghị của địa phương; chủ động hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ, bảo đảm an toàn.

10. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:

- Huy động lực lượng hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả bão số 12. Tiếp tục phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan chỉ đạo tìm kiếm, cứu nạn đối với người và phương tiện còn mất tích, chưa liên lạc được.

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, bảo vệ môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu từ các tàu vận tải bị chìm đắm tại vùng biển Quy Nhơn.

- Rà soát phương án, chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán nhân dân ở khu vực nguy hiểm do mưa lũ và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, không để bị động, bất ngờ.

11. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tổ chức dự báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão.

12. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng tăng tần suất, thời lượng phát sóng để cập nhật, đưa tin kịp thời về các hoạt động hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả sau bão; diễn biến và dự báo mưa lũ, chỉ đạo ứng phó của các cơ quan ở trung ương và địa phương để các cơ quan và người dân biết, chủ động ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.s

13. Các bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ theo quy định.

14. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi, cập nhật, báo cáo kịp thời về tình hình thiệt hại, kết quả khắc phục hậu quả bão số 12 của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai ứng phó cụ thể; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Chúng ta đang phải đổi mặt với hiểm họa; lên kịch bản xấu nhất

Chiều 5/11, Ban chỉ đạo trung ương về PCTT đã tổ chức họp ứng phó mưa lũ các tỉnh miền Trung sau bão 12 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, ông Nguyễn Xuân Cường chủ trì.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng – Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh “Chúng ta đang phải đối mặt với hiểm hoạ: hồ đầy nước, sông đầy nước, vùng trũng đầy nước trên toàn lưu vực, …bão số 12 gây thiệt hại nặng nề, giờ các tỉnh tiếp tục phải đối mặt với những đợt mưa đặc biệt lớn và lũ đặc biệt lớn, không ngoại trừ, phải tính đến cả kịch bản xấu nhất

 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ hiện nay tình hình mưa lũ ở cả khu vực Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đều trong trạng thái nguy hiểm. “Điểm chung năm nay là mưa lớn, mưa nhiều ở cả nước, đặc biệt là các khu vực nêu trên khiến các hồ lớn nhỏ thuỷ điện, thuỷ lợi đều tích đầy nước”-ông Cường chỉ rõ.

Theo ông Cường, dưới tác động của cơn bão số 12, cả bốn khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đã có mưa lớn khiến hồ đầy nước càng đầy nước hơn. Các sông trong lưu vực Có sông lên trên báo động 3, cận mốc lịch sử 1997, hết sức chú ý trong chỉ đạo. Vùng trũng hạ du, đặc biệt Nam Trung Bộ đã bị ngập.

“Hiện nay vẫn đang mưa, còn dự báo tới ngày 7-11 còn mưa, cục bộ có nơi vẫn mưa to. Vì vậy, có thực tế mối đe doạ an toàn đã rộng ra toàn tuyến từ Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Hệ thống sông trên lưu vực nước lên nhanh, ẩn chứ thảm hoạ. Vùng trũng hiện nay đã ngập trong điều kiện việc vận hành buộc phải xả, vì thế diện tích ngập sẽ tăng lên. Nếu không chủ động các biện pháp ứng phó tại chỗ thì thiệt hại sẽ rất lớn. Do vậy, công tác quản lý, giám sát, vận hành, điều hành hồ chứa, công tác chỉ huy của các tỉnh phải quyết liệt hơn, cụ thể hơn” - ông Cường nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, việc hiện nay là phải hành động ngay lập tức. “Thứ nhất, Trung tâm dự báo liên tục cập nhật các số liệu, đưa ra các dự báo sát thực tiễn hơn. Thứ hai, các cơ quan quản lý, chủ hồ liên tục có số liệu quan trắc, vận hành đúng theo quy trình liên hồ chứa. Với các hồ nhỏ phải thường xuyên cập nhật số liệu. Chủ tịch UBND tỉnh khi đưa ra các quyết đáp vận hành phải có căn cứ vào tình hình thực tiễn, dựa trên các số liệu dự báo và phải dự báo được lượng mưa trên lưu vực hồ mình quản lý”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu phải xây dựng kịch bản cụ thể trong đó có cả kịch bản xấu nhất nếu tiếp tục có mưa lớn. “Nếu không có những kịch bản như hiện nay, kịch bản mưa tiếp, kịch bản cực đoan nhất chứ không phải để nước đến chân mới nhảy. Phải có kế hoạch huy động tổng huy động động lực lượng để khi cần có thể xử lý ngay”.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng, trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo chặt chẽ việc vận hành các hồ chứa. Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng yêu cầu thành lập 3 đoàn vào ngay các tỉnh Thừa Thiên Huế-Quảng Nam để trực tiếp chỉ đạo ứng phó với mưa lũ.


Tin bão số 12

Chiều 4/11, bão số 12 đã suy yếu thành ATNĐ, hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 12,4 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Campuchia.

Gió mạnh và sóng lớn trên biển: Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 12 kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động mạnh.

Gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, các tỉnh Nam Tây Nguyên có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Khu vực ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Dự báo mưa lớn: Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận tiếp tục có mưa rất to đến đặc biệt to. Các tỉnh Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to.

Cảnh báo lũ, lũ quét và sạt lở đất: Từ nay đến 8/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai sẽ xảy ra một  đợt lũ.

Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên và lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp thuộc các khu vực nêu trên.

Cần theo dõi chi tiết trong các bản tin cảnh báo lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu diện rộng tiếp theo.

Công điện của Bộ Công an

Ngày 3/11, Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an có Công điện số 15 gửi Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng; các tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận và các tỉnh khu vực Tây Nguyên; Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN: Tổng cục VIII, K20; Cục C66, C67.

Để chủ động ứng phó với các tình huống của Bão và mưa, lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu Bão gây ra, Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an yêu cầu Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc Công điện số 1659/CĐ-TW ngày 01/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia TKCN và chỉ đạo của chính quyền địa phương về công tác ứng phó với bão, mưa, lũ.

Thứ hai, đối với Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận: Theo dõi chặt diễn biến của bão, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tại nơi neo đậu, tránh trú của tàu thuyền; sơ tán người dân tại các khu vực lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu, nhà không đảm bảo an toàn. Thực hiện nghiêm túc lệnh cấm biển của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.

Thứ ba, đối với Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và khu vực Tây Nguyên: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chủ động phối hợp cùng cơ quan chức năng triển khai phương án sơ tán nhân dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản.

Thứ tư, bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Nghiêm cấm người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.

Thứ năm, đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng; các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ. Chủ động triển khai phương án bảo vệ an toàn hồ sơ, tài liệu, phương tiện, trang thiết bị làm việc của Công an các đơn vị, địa phương để tránh thiệt hại do mưa, lũ gây ra.

Thứ sáu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.

Thứ bẩy, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thực hiện chế độ thông tin báo cáo hàng ngày về Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an (qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo: SĐT 069.23.201.52, Fax 069.23.201.60).

Khẩn cấp ứng phó bão số 12

Trước tình hình mưa lũ phức tạp và cơn bão số 12 (bão Damrey) sắp đổ bộ vào bờ, sáng nay (3/11), Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai – Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp nhanh về việc ứng phó cơn bão số 12.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 12.

Theo Bộ trưởng, các hồ hiện tại đã rất đầy nước, khi bão đổ bộ sẽ kèm theo mưa lớn nên cần chú trọng bảo vệ các công trình này. Bên cạnh đó, hoàn lưu bão cũng sẽ gây mưa lớn ở những vùng chịu tổn thương trong thời gian mưa lũ liên tục vừa qua. Do đó nếu không chuẩn bị kỹ sẽ gây hậu quả khôn lường. Đồng thời phải vận hành các hồ thủy lợi phải đúng quy trình, các hồ thiết yếu, xuống cấp phải quản lý, kiểm tra chặt chẽ 24/24h, bảo đảm không có sự cố.

Với 40 tàu thuyền chưa vào bờ của 2 tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Bộ đội Biên phòng cần kêu gọi vào bờ ngay, bảo đảm an toàn cho ngư dân. Sau đó sẽ ra thông báo cấm biển tuyệt đối ở những vùng bị ảnh hưởng cả kể tàu nhỏ.

Các địa phương và vùng bị ảnh hưởng thực tốt phương châm 4 tại chỗ, người dân ở những vùng trũng, nguy hiểm, ven biển phải được di dời ngay lập tức. Khi bão vào bờ phải bảo đảm không còn người dân ở vùng nguy hiểm. Lồng bè nuôi cá, chuồng trại chăn nuôi phải có phương pháp di dời, chằng chống, tránh để tình trạng như đợt áp thấp vừa qua gây thiệt hại về kinh tế của người dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Về công tác ứng phó tại chỗ, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN của tỉnh, thành phố khu vực Trung bộ và Tây Nguyên đã triển khai thực hiện nội dung các công điện số từ Ban chỉ đạo TW PCTT. Trong đó, các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh đã có công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó.

Tỉnh Khánh Hoà chỉ đạo cấm biển vào 18h ngày 2/11, di dời ngư dân, các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên lồng bè vào bờ trước 16h ngày 3/11, chỉ đạo cho học sinh nghỉ học vào 12h ngày 3/11.

Tỉnh Ninh Thuận tổ chức cấm biển vào 15h ngày 2/11, di dời ngư dân, các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên lồng bè vào bờ trước trước 13h ngày 3/11.

Tỉnh Bình Thuận tổ chức cấm biển vào 9h ngày 2/11, hoàn thành công tác ứng phó với bão trước 10h ngày 3/11

Thời điểm hiện tại, theo báo cáo nhanh của Bộ Tư lệnh BĐBP, Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh thông báo hướng dẫn, kiểm đếm cho : 79,182 tàu/385,911 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Phú Yên đã triển khai sơ tán người dân tại các vùng bị ngập, chia cắt, vùng trũng thấp đến nơi an toàn. Cùng với đó các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận cũng di dời sơ tán 75,467 hộ/386,143 người ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tính đến 6h ngày 3/11 trong 162 hồ cập nhật thông tin, có 18 hồ đang phải xả quá tràn. 

BCĐ Trung ương họp khẩn

Sáng 2/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp khẩn ứng phó với cơn bão số 12 có tên Damrey (Con Voi).

Uỷ viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ông Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp.

Chỉ đạo cuộc họp, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão Damrey cần sẵn sàng các phương án phòng chống, thông báo cho tàu thuyền hướng đi của bão.

Rút kinh nghiệm bài học từ cơn bão số 11, các địa phương cần tránh tình trạng cây đổ, thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân, tập trung lực lượng tại các điểm dễ ngập úng để chủ động xử lý khi nhập lụt.

Ông Trần Quang Hoài cũng yêu cầu đảm bảo an toàn cho người dân, giám sát bảo vệ các công trình đê biển đang xây dựng và theo sát các công trình hồ thủy điện, thủy lợi.

Các địa phương cần xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các công trình hồ thủy điện, thủy lợi. 

Lực lượng công an phối hợp địa phương tuần tra canh gác đảm bảo an toàn khu vực di dân cũng như khu vực dân đến; chủ động cho học sinh nghỉ học.

Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai sẽ báo cáo tình hình cơn bão số 12 tới Chính phủ để có điều hành sát sao.

Dự báo vị trí, đường đi của bão số 12 của Hải quân Mỹ.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1659 ngày 1/11/2017 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.

Công điện nêu rõ, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đang di chuyển về phía vùng biển Nam Cà Mau; tối và đêm nay, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Bến Tre đến Cà Mau và Kiên Giang với sức gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8, kèm theo lốc xoáy, vòi rồng, mưa lớn, sóng biển và nước dâng cao.

Tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên đã có mưa rất to, nguy cơ lũ lớn trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt cục bộ ở vùng trũng. Đồng thời, một áp thấp nhiệt đới khác đang di chuyển vào Biển Đông, có khả năng mạnh lên thành bão, dự báo sẽ đổ bộ vào nước ta, kết hợp với không khí lạnh gây mưa, lũ lớn, nguy cơ ngập lụt cục bộ tại các vùng trũng, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên trong những ngày tới.

Các hình thế thời tiết nguy hiểm trên xảy ra trong thời gian chuẩn bị diễn ra sự kiện quốc tế đặc biệt quan trọng là Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do thiên tai, không để ảnh hưởng đến các hoạt động của Hội nghị cấp cao APEC, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các tỉnh ven biển từ Bến Tre đến Kiên Giang, nhất là các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang cần rút kinh nghiệm từ trận bão LINDA (xảy ra ngày 02 tháng 11 năm 1997), huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương tập trung chỉ đạo, quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với áp thấp nhiệt đới, nhất là chủ động bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, phương tiện, tàu, thuyền và các hoạt động trên biển, trên sông, kênh rạch, đặc biệt lưu ý tránh tư tưởng chủ quan trong lãnh đạo, cũng như người dân.

Yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ, ngành có liên quan trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với các địa phương chỉ đạo triển khai các biện pháp cụ thể để hạn chế thiệt hại.

2. Các địa phương khu vực ảnh hưởng mưa lũ (từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên) và khu vực dự báo chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ trong những ngày tới (từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên) rút kinh nghiệm từ các trận lũ lịch sử năm 1999 và năm 2016, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và áp thấp nhiệt đới, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển (rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện; thông báo, hướng dẫn tránh trú an toàn, tổ chức sắp xếp, neo đậu để hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu, căn cứ diễn biến của bão và thực tế tại địa phương quyết định việc cấm tàu thuyền ra khơi).

- Rà soát, triển khai các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình xây dựng đang thi công dở dang, nhất là các tuyến đê biển, cửa sông, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn.

- Chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu, nhà không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Triển khai phương án phòng chống ngập úng các đô thị, đặc biệt là tại các khu vực diễn ra Hội nghị cấp cao APEC và bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thủy sản. Bảo vệ nhà cửa, kho tàng, trụ sở, công trình. Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết.

- Rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thu hoạch lúa, hoa màu, chủ động triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương kiểm tra, có phương án vận hành an toàn các hồ chứa thuỷ lợi, chủ động hạ mực nước đón lũ, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để gây lũ nhân tạo do xả lũ hồ chứa, triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập và công trình thủy lợi.

4. Bộ Công Thương: Chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với các hoạt động khai thác dầu khí trên biển, các cơ sở công nghiệp lớn; chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện, chủ động hạ mực nước đón lũ, phối hợp điều tiết liên hồ chứa góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để gây lũ nhân tạo do xả lũ hồ chứa; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống truyền tải điện và lưới điện; sẵn sàng khắc phục nhanh nhất sự cố, đảm bảo cấp điện trở lại, chủ động có phương án bảo đảm nguồn điện phục vụ các hoạt động của Hội nghị cấp cao APEC trong mọi tình huống.

5. Bộ Giao thông vận tải: Chỉ đạo các Đài thông tin Duyên hải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để phối hợp với các lực lượng có liên quan thông báo cho tàu thuyền hoạt động trên biển (kể cả các tàu vận tải lớn, tàu vận tải hoạt động ven bờ); tổ chức hướng dẫn di chuyển, neo đậu an toàn cho các tàu vận tải tránh đứt neo, va đập khi xảy ra thiên tai. Chỉ đạo triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường hàng không; phối hợp với lực lượng công an chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp kiểm soát, phân luồng chống ách tắc, bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải hoạt động trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông trên các trục chính.

6. Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn bảo đảm an toàn về người và tài sản đối với các công trình xây dựng, nhất là công trình nhà cửa, tháp cao, công trình đang thi công dở dang.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình, phương tiện bảo đảm thông tin.

8. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng biên phòng tuyến biển, Cảnh sát biển phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển, thông báo, hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh trú; triển khai ngay các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, cơ sở vật chất trên các đảo, nhà giàn,...; chỉ đạo các quân khu, lực lượng quân sự địa phương và các đơn vị đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương ứng phó với thiên tai khi được yêu cầu.

9. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các địa phương đảm bảo an ninh trật tự tại vùng thiên tai, nhất là đối với các khu vực sơ tán dân đi và đến; chủ động hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt động trên đường khi xảy ra thiên tai trong trường hợp cần thiết; sẵn sàng lực lượng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, phối hợp thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

10. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn rà soát phương án, chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, không để bị động, bất ngờ.

11. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổ chức dự báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão.

12. Bộ Ngoại giao theo dõi chặt chẽ, phối hợp với các cơ quan có liên quan nắm thông tin về tàu thuyền hoạt động trên biển, chủ động liên hệ với các nước, vùng lãnh thổ hỗ trợ ngư dân tránh trú bão khi có yêu cầu.

13. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tăng tần suất, thời lượng phát sóng; cập nhật, đưa tin kịp thời về diễn biến thiên tai, dự báo, chỉ đạo ứng phó của các cơ quan ở trung ương và địa phương để các cơ quan và người dân biết, chủ động ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.

14. Các Bộ ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại đối với người, phương tiện, cơ sở vật chất thuộc phạm vi quản lý, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ địa phương triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ theo quy định.

15. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, công bố vùng nguy hiểm, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai ứng phó cụ thể; chỉ đạo vận hành hạ mực nước các hồ chứa để chủ động đón lũ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối, an toàn vùng hạ du; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.


Khẩn trương ứng phó

Tại phiên họp sáng nay, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quang Hoài lưu ý việc thực hiện nghiêm Công điện số 83, 84 ngày 31/10 của Văn phòng thường trực; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng; Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Tiếp tục kiểm đếm, hướng dẫn theo dõi chặt chẽ tàu thuyền trên biển và nơi neo đậu, đặc biệt hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, thông tin cho các phương tiện để hướng dẫn, chủ động đối phó; theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa, lũ tại khu vực Nam Bộ và áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông.

Kiểm tra việc sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân nào trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ;

Kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn; chủ động tiêu nước đệm hạn chế ngập úng.

Triển khai các đoàn công tác đến các địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó nhất là việc huy động lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm để sẵn sàng triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”.  

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6h ngày 1/11, Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho: 51.366 tàu/259.370 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Tuy nhiên, hiện còn 31 phương tiện của Bạc Liêu, 112 phương tiện (897 lao động) tại Cà Mau chưa liên lạc được.

Đây là các phương tiện có công suất nhỏ khai thác thủy sản gần bờ, đi về trong ngày. Hiện các địa phương đang tích cực tìm cách liên lạc.

Đảm bảo APEC diễn ra an toàn

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng quyết định "Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai  sẽ cử Đoàn công tác làm việc với Ban Chỉ đạo APEC và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam để bàn các biện pháp chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ. Đảm bảo tuần lễ APEC được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng diễn ra an toàn, hiệu quả".

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị, do tính chất của 2 đợt ATNĐ đang tồn tại song song và ảnh hưởng đến nước ta, từ thực tế đó Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan để chủ động phòng tránh.

"Cần thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập và các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thực hiện tốt việc này", Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.   

Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão và mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.

Công điện số 85

Ban Chỉ đạo Trung ương vừa ban hành Công điện hỏa tốc số 85 điện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên – Huế đến Ninh Thuận và Tây Nguyên và các bộ ngành liên quan...

Công điện yêu cầu, các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và Tây Nguyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh.

Kiểm tra, rà soát phương án ứng phó, bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ đã đầy nước, chủ động nắm bắt và xử lý thông tin kịp thời để đảm bảo an toàn công trình và hạ du khi hồ xả lũ hoặc có sự cố công trình; chủ động tiêu thoát nước đệm để bảo đảm an toàn chống úng cho các diện tích lúa và hoa màu.

Kiểm tra, rà soát khu vực trũng thấp, có nguy cơ ngập lụt, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và các địa bàn thường xuyên bị lũ chia cắt, chủ động phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.

Khẩn trương thu hoạch các diện tích lúa đã đến thời gian thu hoạch, nhất là vùng có nguy cơ bị ngập lũ, úng theo phương châm xanh nhà hơn già đồng.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó mưa lũ; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Công điện số 84

Chiều 31/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai-Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 84 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang và Đông Nam Bộ; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hệ thống Đài Thông tin duyên hải.

Theo đó, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ và áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành chỉ đạo thực hiện một số nội dung.

Các tỉnh thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; tổ chức kiểm đếm, nắm thông tin quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu, tránh trú ven biển, trong sông và nhất là quanh các đảo; tuyệt đối không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh, tàu thuyền. Khẩn trương rà soát, đánh giá các công trình xung yếu ven biển, cửa sông, ven sông, kênh rạch và khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở như: cơ sở dịch vụ du lịch, các lồng bè nuôi trồng thủy sản, kho tàng, nhà cửa không đảm bảo an toàn để triển khai ngay các phương án sơ tán, di dời và tổ chức chằng chống đảm bảo an toàn. Chủ động tiêu nước đệm trên các kênh, rạch, hạn chế ngập lụt; kiểm tra phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê biển, đặc biệt là những đoạn đê, kè xung yếu. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Các tỉnh Đông Nam Bộ tranh thủ thu hoạch các diện tích lúa đã đến thời gian thu hoạch, nhất là vùng có nguy cơ bị ngập lũ, úng khi có mưa lớn theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”. Kiểm tra, rà soát phương án ứng phó, bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ đã đầy nước, chủ động nắm bắt và xử lý thông tin kịp thời  để đảm bảo an toàn công trình và hạ du khi hồ xả lũ hoặc có sự cố công trình; chủ động tiêu thoát nước đệm để đảm bảo an toàn chống úng cho các diện tích lúa và hoa màu.

Các thành viên Ban Chỉ Trung ương về phòng chống thiên tai căn cứ nhiệm vụ được giao, chủ động rà soát kế hoạch, phương án để đảm bảo an toàn cho người, cơ sở hạ tầng và sản xuất, môi trường, sức khỏe, của người dân, cộng đồng trong khu vực bj ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ. Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ sau áp thấp nhiệt đới; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Đối với áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông, đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố  tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn, diễn biến tình hình thời tiết, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện tàu, thuyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai-Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Công điện số 83

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TWPCTT - Văn phòng UBQG TKCN đã có công điện số 83/CĐ-TW ngày 31/10/2017 gửi Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và PTNT; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hệ thống Đài Thông tin duyên hải để chủ động đối phó với Áp thấp nhiệt đới, với một số nội dung sau:

Thứ nhất, thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm sẽ được xác định tại các bản tin của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn.

Thứ hai, theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo.

Thứ ba, Ban chỉ huy PCTT và TKCN các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó với ATNĐ.

Thứ tư, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của ATNĐ đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Thứ năm, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TWPCTT và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.