Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Quỹ Đầu tư phát triển địa phương được thành lập theo Nghị định 138/2007/NĐ-CP có cơ chế tài chính, trả lương như quy định đối với Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Thực hiện Nghị định số 153/2016/NĐ-CP, ngày 14/11/2016 của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng năm 2017, cơ quan BHXH tỉnh đã thông báo mức nộp BHXH bắt buộc từ ngày 1/1/2017 theo lương tối thiểu vùng.
Quỹ Đầu tư phát triển Hà Giang đã đóng BHXH cho người lao động và người quản lý theo mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho thành phố Hà Giang là 2.900.000 đồng từ tháng 1/2017. Tuy nhiên, đến tháng 6/2017, BHXH Việt Nam có công văn số 2159/BHXH-BT ngày 1/6/2017 hướng dẫn mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) và thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN theo mức lương cơ sở mới.
Theo đó, người quản lý chuyên trách tại các Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thuộc đối tượng nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc theo mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng theo hệ số quy định tại phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ quy định tiền lương thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý tại các Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
Đến tháng 10/20017, trong quá trình đối chiếu số thu nộp BHXH với cơ quan BHXH tỉnh thì được cơ quan BHXH hướng dẫn điểu chỉnh lại mức nộp BHXH bắt buộc của người quản lý theo công văn số 2159/BHXH-BT của BHXH Việt Nam. Điều bất cập là mức nộp BHXH của người quản lý công ty thời điểm 1/1/2017 (mức lương tối thiểu vùng 2.900.000 đồng) cao gấp 2,23 lần mức nộp tháng 7/2017 (mức lương cơ sở 1.300.000 đồng).
Theo hệ số nộp và mức nộp BHXH như vậy thì người quản lý tại công ty (Giám đốc) chỉ có mức nộp bằng lương bậc II của người lao động có trình độ đại học, chưa bằng mức nộp BHXH bậc I của phó trưởng phòng nghiệp vụ trực thuộc Công ty. Điều này dẫn đến bất cập trong việc tính toán Quỹ lương làm cơ sở đóng BHXH của Công ty, Quỹ BHXH do người sử dụng lao động chi trả cũng như quyền lợi của người quản lý Công ty sau khi nghỉ hưu hoặc hưởng các chế độ phúc lợi khác theo mức đóng BHXH.
Từ thực tiễn trên, qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Quỹ đầu tư phát triển Hà Giang đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải đáp, việc cơ quan BHXH tỉnh hướng dẫn Công ty điều chỉnh mức nộp BHXH đối với người quản lý như vậy có đúng không? Nếu đúng theo tinh thần chỉ đạo của BHXH Việt Nam thì đề nghị BHXH Việt Nam nghiên cứu, xem xét và hướng dẫn cụ thể mức nộp BHXH bắt buộc đối với người lao động và người quản lý tại Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ để giảm bớt sự bất cập, khập khiễng trong áp dụng cơ chế chính sách cho các đối tượng trên cùng một đơn vị.
Ngày 12/12/2017, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 13251/VPCP-ĐMDN chuyển kiến nghị trên đến BHXH Việt Nam để xem xét, xử lý và trả lời doanh nghiệp theo thẩm quyền, gửi Văn phòng Chính phủ để công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trước ngày 27/12/2017.
Chinhphu.vn