Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Việc chi khoán tiền phòng nghỉ theo số lượng ngày công tác hay số lượng đêm nghỉ tại nơi đến công tác? Ông Hà dẫn chứng, Thủ trưởng đơn vị cử ông đi công tác tại TPHCM từ ngày 2/8/2019 đến ngày 5/8/2019 (4 ngày 3 đêm). Ông Hà đăng ký khoán tiền phòng nghỉ trong suốt đợt công tác.
Vậy ông Hà được thanh toán tiền khoán phòng nghỉ như thế nào, theo ngày hay đêm nghỉ tại nơi đến công tác: 4 ngày x 450.000 đ/người = 1.800.000 đồng hay 3 đêm x 450.000 đ/người = 1.350.000 đồng.
Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:
- Tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định nguyên tắc thanh toán tiền thuê phòng nghỉ nơi đến công tác như sau:
"b) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được cơ quan, đơn vị cử đi công tác khi phát sinh việc thuê phòng nghỉ nơi đến công tác thì được thanh toán tiền thuê phòng nghỉ theo một trong hai hình thức: Thanh toán theo hình thức khoán hoặc thanh toán theo hóa đơn thực tế".
- Tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 40/2017/TT-BTC quy định mức thanh toán tiền thuê phòng nghỉ theo hình thức khoán. Tại Khoản 4 Điều 7 Thông tư số 40/2017/TT-BTC quy định: “Trường hợp người đi công tác do phải hoàn thành công việc đến cuối ngày, hoặc do chỉ đăng ký được phương tiện đi lại (vé máy bay, tàu hỏa, ô tô) từ 18h đến 24 cùng ngày, thì được thanh toán tiền nghỉ của nửa ngày nghỉ thêm (bao gồm cả hình thức thanh toán khoán và thanh toán theo hóa đơn thực tế) tối đa bằng 50% mức thanh toán khoán tiền thuê phòng nghỉ tương ứng của từng đối tượng; không thanh toán tiền khoán thuê phòng nghỉ cho thời gian đi qua đêm trên tàu hỏa, thuyền, tàu thủy, máy bay, ô tô và các phương tiện đi lại khác”.
Theo ví dụ của ông Hà thì tiền khoán phòng nghỉ được thanh toán theo số đêm thực tế nghỉ.
Đề nghị ông Hà nghiên cứu các quy định nêu trên để thực hiện chế độ thanh toán tiền thuê phòng nghỉ đúng quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính.
Chinhphu.vn