Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 10/4, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 143/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển".
Hội nghị nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 143/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ tập vào phổ biến, giới thiệu các nội dung cơ bản tại Đề án; Bộ Tư pháp định hướng, hướng dẫn các bộ, ngành triển khai hiệu quả các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển; các đại biểu tại Hội nghị trao đổi, thảo luận về cách thức phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc triển khai thực hiện Đề án, đề xuất giải pháp, sáng kiến để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án cũng như định hướng hoàn thiện, phát huy giá trị Bộ pháp điển trong thời gian tới, nâng cao hiệu quả công tác cập nhật, duy trì Bộ pháp điển tại các bộ, ngành.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL) và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Để triển khai xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước Việt Nam, ngày 29/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1267/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển, xác lập lộ trình xây dựng Bộ pháp điển diễn ra và hoàn thành trong thời hạn 10 năm (từ năm 2014 đến năm 2023).
Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã tổ chức triển khai toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1267/QĐ-TTg. Theo đó, với nhiều chỉ đạo cụ thể như: phân công các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp điển; kịp thời bố trí nhân sự, kinh phí phù hợp cho đơn vị đầu mối cũng như đơn vị làm công tác pháp điển; xây dựng các văn bản chỉ đạo, quy định nội bộ nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai công tác này được thuận lợi, hiệu quả; thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản sử dụng để pháp điển ít, đơn giản, có tính ổn định và các đề mục có liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp... đã bảo đảm kết quả pháp điển đạt chất lượng, hiệu quả, vượt tiến độ.
Đến nay, Chính phủ đã thông qua 9 Nghị quyết phê duyệt kết quả pháp điển đối với 267 đề mục. Bộ pháp điển Việt Nam đã cơ bản hoàn thành (267/271 đề mục, đạt 98,5% khối lượng Bộ pháp điển) và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn).
Như vậy, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã quyết tâm, nỗ lực tổ chức triển khai xây dựng thành công Bộ pháp điển trên cơ sở Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL năm 2012 và Quyết định số 1267/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo cơ quan chủ trì, Bộ pháp điển giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong việc tìm kiếm, tra cứu các quy định của pháp luật, qua đó giảm chi phí tuân thủ pháp luật hiện hành. Với hệ thống văn bản pháp luật cồng kềnh và các quy định pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội phân tán tại nhiều văn bản như nước ta hiện nay, việc tra cứu quy định pháp luật có tính hệ thống tại Bộ pháp điển còn giúp cá nhân, tổ chức tra cứu một cách đầy đủ và toàn diện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác pháp điển còn một số hạn chế, khó khăn trong việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, cụ thể như: Bộ pháp điển chưa bảo đảm đầy đủ các QPPL đang còn hiệu lực; vị trí một số quy phạm pháp luật được sắp xếp chưa phù hợp, việc chỉ dẫn chưa đầy đủ; số lượng truy cập Bộ pháp điển hiện nay còn khiêm tốn so với nhu cầu tra cứu tìm kiếm các quy định của pháp luật trong đời sống xã hội hiện nay; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào duy trì, quản lý và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển còn bất cập, chưa phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới; các điều kiện về nhân lực, kinh phí và điều kiện khác phục vụ công tác pháp điển chưa được bảo đảm…
Chính những hạn chế, khó khăn nêu trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển thời gian qua, đồng thời đặt ra yêu cầu tiếp tục có các giải pháp thiết thực, cụ thể trong giai đoạn tới.
Do đó, ngày 02/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển", trong đó xác định các nhiệm vụ và giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế đang còn tồn tại của Bộ pháp điển và phát huy giá trị của Bộ pháp điển trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cơ bản nhất trí với nội dung hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án do Cục Kiểm tra văn bản QPPL chuẩn bị và đánh giá cao các ý kiến phát biểu đầy trách nhiệm, tâm huyết, trăn trở của đại diện cho các cơ quan tham dự Hội nghị. Những ý kiến đóng góp và những kiến nghị, đề xuất về cách thức triển khai công việc, công tác pháp điển hệ thống QPPL trong thời gian tới là rất quan trọng và cần thiết.
Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển", Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị các bộ, ngành tập trung tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, đề nghị các bộ, ngành cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác pháp điển hệ thống QPPL. Cần phải xác định pháp điển hệ thống QPPL, cập nhật QPPL mới vào Bộ pháp điển là nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình công tác của cơ quan mình, do đó, cần bảo đảm các nguồn lực, củng cố tổ chức pháp chế và các điều kiện cần thiết khác nhằm triển khai được kịp thời, hiệu quả công tác này;
Thứ hai, khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 143/QĐ-TTg của Chính phủ tại cơ quan mình, trong đó, xác định các rõ công việc cụ thể, thời hạn hoàn thành nhằm bảo đảm kết quả triển khai thực hiện Đề án chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ.
Thứ ba, việc đăng tải văn bản QPPL trên Cơ sở quốc gia về văn bản pháp luật theo Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ để thực hiện pháp điển, cập nhật QPPL mới cần phải được Thủ trưởng các bộ, ngành quán triệt tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, bảo đảm nhanh chóng và đầy đủ. Hiện nay, các cơ quan chúng ta chưa làm tốt điều này, ảnh hưởng đến tiến độ cập nhật QPPL mới vào Bộ pháp điển.
Các tổ chức pháp chế của các bộ, ngành cần chủ động thông tin, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa với Cục Kiểm tra văn bản QPPL để nắm bắt đầy đủ thông tin và có các phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp nhất các văn bản QPPL.
Thứ tư, để việc thực hiện pháp điển bảo đảm chất lượng và thời gian quy định, các bộ, ngành cần quán triệt các công chức trực tiếp thực hiện công tác này nắm được quy trình, kỹ thuật thực hiện pháp điển trên Phần pháp điển; tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp thống kê đầy đủ, kịp thời về kết quả công tác pháp điển của cơ quan mình khi có yêu cầu báo cáo.
Thứ năm, nhằm đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống, đề nghị các bộ, ngành quan tâm, tăng cường phổ biến, giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển đến công chức, viên chức và người lao động tại bộ, ngành mình để Bộ pháp điển được biết đến nhiều hơn để Bộ pháp điển sẽ trở thành địa chỉ tra cứu pháp luật tin cậy, đầy đủ, chính xác, phát huy giá trị, góp phần xứng đáng vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
"Năm 2024, sau 10 năm triển khai xây dựng Bộ pháp điển, Bộ Tư pháp dự kiến sẽ báo cáo Lãnh đạo Chính phủ chủ trì Lễ công bố Bộ pháp điển Việt Nam - sản phẩm chính thức của Nhà nước do các bộ, ngành ở Trung ương xây dựng. Lễ Công bố Bộ pháp điển Việt Nam là một trong các hoạt động truyền thông, giới thiệu Bộ pháp điển và tiếp tục lan tỏa hiệu ứng tích cực trong xã hội về tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật", Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho hay.
Lê Sơn