Nhà ở và trang phục truyền thống của người Rơ Mâm
Dân tộc Rơ Mâm hiện có khoảng 418 nhân khẩu, tập trung chủ yếu ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy), là 1 trong 2 dân tộc ít người nhất của tỉnh ta. Trong phong tục, tập quán truyền thống của người Rơ Mâm có nhiều nét khá độc đáo và một số nét vẫn còn được người Rơ Mâm lưu giữ đến ngày nay.
Ông A Dói – nguyên bí thư chi bộ làng Le và là một trong những người am hiểu sâu sắc về phong tục, tập quán của dân tộc mình kể cho chúng tôi nghe: Trước đây, người Rơ Mâm chỉ sống ở trên núi cao, nhưng mấy chục năm lại đây để tiện cho việc sản xuất, đi lại, người Rơ Mâm đã xuống núi lập làng. Theo quan niệm truyền thống của người Rơ Mâm làng phải được xây dựng theo một trật tự cố định, nhà Rông là nơi sinh hoạt văn hóa của cả làng, nơi người dân trong làng tụ tập mỗi khi có việc, do đó nhà Rông phải được xây dựng ở giữa làng, các gia đình ở vòng tròn xung quanh. Nhà Rông cổ của người Rơ Mâm có mái thấp, lợp bằng cỏ tranh, sàn nhà và vách được làm bằng lồ ô. Nhưng hiện nay, do sự giao thoa văn hóa nên nhà Rông của người Rơ Mâm cũng được cách tân theo kiểu nhà Rông của người Ja Rai có mái cao. Nhà ở của các gia đình là loại nhà sàn dài, cửa chính phải quay về hướng nhà Rông. Trong một gia đình, nhiều thế hệ sống tập trung dưới một mái nhà, mỗi gia đình nhỏ được phân chia một gian, có một bếp riêng, kinh tế riêng, chỉ những cặp vợ chồng trẻ mới ở chung với bố mẹ. Nhưng bây giờ thì khắc rồi, người Rơ Mâm cũng đã biết tách hộ, lập vườn để con cái có điều kiện phát triển kinh tế. Các cặp vợ chồng trẻ cũng không phải đi ở luân phiên theo phong tục 5 năm ở nhà gái, 5 năm ở nhà trai như trước nữa mà được tách ra ở riêng ngay khi mới cưới nhau xong.
Người Rơ Mâm sinh sống chủ yếu bằng nghề phát rẫy, chọc tỉa và săn bắn, thức ăn chủ yếu theo mùa. Khi trồng trọt, người đàn ông đi trước hai tay cầm hai gậy để chọc lỗ, người phụ nữ theo sau để tra hạt. Lúa nếp là loại cây trồng chính và đây cũng là lương thực chủ yếu của người Rơ Mâm, mì, bắp chỉ được trồng trong các khe suối để ăn những lúc giáp hạt khi chưa thu hoạch lúa. Ngày nay, cùng với lúa rẫy thì người Rơ Mâm đã biết trồng lúa nước, nhưng trong các bữa cơm của các gia đình thì cơm nếp nấu trong ống tre, nứa vẫn là một món không thể thiếu được ăn cùng với canh, muối ớt. Những khi rảnh rỗi hoặc ở trên rẫy hoặc ở nhà, người Rơ Mâm vẫn thích nấu các loại thức ăn trong ống tre, nứa bởi theo quan niệm như vậy thức ăn sẽ có vị đậm đà, thơm của núi rừng. Nếu như ngày xưa, cồng chiêng và lúa được coi là tài sản thể hiện sự giàu có của các gia đình thì ngày nay người Rơ Mâm đã có quan niệm khác, nhà nào có nhiều trâu bò, nhiều ruộng lúa nước, nhiều rẫy cao su, bời lời… mới là giàu có.
Khác với nhiều dân tộc, trang phục truyền thống của người Rơ Mâm thường dùng màu trắng của vải mộc, có phong cách triêng trong cách tạo dáng và trang trí, nhất là trên trang phục của người phụ nữ. Đàn ông, con trai thì đóng khố, còn đàn bà, phụ nữ mặc váy và áo, có trang trí các đường viền màu hoặc đỏ làm nổi bật lên trang phục và nét duyên dáng của người phụ nữ Rơ Mâm. Cùng với váy, áo; trước đây, phụ nữ Rơ Mâm còn đeo nhiều đồ trang sức như hoa tai, vòng tay…
Theo già làng A Blong thì lễ, hội được coi là một trong những nét văn hóa đặc sắc nhất vẫn còn được người Rơ Mâm duy trì đến ngày nay, trong đó 3 lễ hội quan trọng nhất là: trọc tỉa, cúng mừng lên đòng và cúng lúa mới. Những lễ hội này gắn liền với đời sống sản xuất nông nghiệp của người Rơ Mâm. Lễ hội trọc tỉa (theo tiếng Rơ Mâm là Et Choi) được diễn ra khi các gia đình chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của các gia đình mà mở lễ to hay nhỏ, nhà nào có điều kiện kinh tế khá giả thì đập 1 trâu, nếu không có thì thịt một con heo, vài con gà để cùng Yàng để cầu mong Yàng phù hộ cho một mùa lúa, mùa rẫy được mưa thuận gió hòa, cây cối phát triển, năng xuất cao rồi mời cả làng đến ăn để chứng kiến và mừng cho gia đình. Đến khi lúa chuẩn bị trổ bông thì các gia đình làm một cái lễ đơn giản (còn được gọi là Et Arah) để cúng Yàng, cảm ơn về quãng thời gian qua Yàng đã phù hộ để cây lúa, cây bắp lên tốt và cầu mong Yàng tiếp tục phù hộ để có một mùa rẫy bội thu. Lễ cúng mừng lúa mới (hay còn gọi là Et Nhu) là lễ to nhất được diễn ra khi việc thu hoạch của người dân đã diễn ra xong xuôi và chuẩn bị đưa lúa xuống kho, đây cũng là tết của người Rơ Mâm. Mỗi gia đình thường đập 1 con trâu hoặc mổ 1 con heo rồi mời cả dân làng đến nhà Rông để làm lễ để tạ ơn Yàng đã cho một vụ mùa bội thu, các gia đình cùng ngồi lại ăn, uống rượu, nối vòng xoang cùng ca hát, nhảy múa mừng cho chủ nhà có lúa đầy gùi, có bắp đầy kho.
Cùng với lễ hội thì tục lệ ma chay cũng được người Rơ Mâm lưu giữ. Khi có người chết, thì gia đình sẽ đánh chiêng để thông báo với dân làng rồi mổ 1 con trâu, con bò để cúng người chết và dân làng đến ăn, sau 1-2 ngày thì đưa đi chôn. Nghĩa địa của người Rơ Mâm luôn nằm về phía Tây của làng bởi theo quan niệm nếu đặt về hướng Đông thì khi mặt trời mọc và đi qua làng, linh hồn người chết cũng sẽ đi theo sẽ không tốt, các ngôi mộ được sắp xếp có trật tự, khi chôn, tránh để người dưới mộ "nhìn" về phía làng. Sự khác biệt là ngày nay, người Rơ Mâm không còn tục lệ chôn chung người chết trong một gia đình như trước đây.
Người Rơ Mâm trước đây còn rất nhiều nét văn hóa độc đáo, nhưng cùng với thời gian, sự tác động của thế giới bên ngoài, nhiều nét văn hóa đang dần bị mai một. Điều mà nhiều người già trăn trở nhất là thế hệ trẻ ngày càng xa rời và lãng quên dần những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: dệt vải, may quần áo của dân tộc, đánh chiêng, múa xoang…
Thùy Hương