Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Ngô Văn Nguyễn, công tác tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phản ánh, hiện nay Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có một số công ty cổ phần đang nợ tiền và không chịu trả mặc dù Tổng công ty có rất nhiều văn bản yêu cầu và đang làm các thủ tục để khởi kiện các công ty ra Tòa án để giải quyết.
Căn cứ Điểm c, Khoản 1, Điều 5 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư quy định như sau: “Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật”. Như vậy khi lập hồ sơ mời thầu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có thể ghi rõ nội dung không cho phép các công ty đang nợ nêu trên tham gia gói thầu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không?
Việc không cho phép các công ty đang nợ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tham gia các gói thầu của Tổng công ty có vi phạm pháp luật về hành vi gây cản trở các nhà thầu tham gia dự thầu, ảnh hưởng đến cạnh tranh trong đấu thầu không?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Điểm c, Khoản 1, Điều 5 Luật Đấu thầu quy định một trong các điều kiện đánh giá tư cách hợp lệ của nhà thầu là không đang trong quá trình giải thể, không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật.
Theo đó, pháp luật về đấu thầu chỉ có quy định nhà thầu bị kết luận đang lâm vào tình trạng nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật thì được coi là không đáp ứng tư cách hợp lệ để tham gia dự thầu.
Việc nhà thầu đang nợ tiền chủ đầu tư được xem xét, đánh giá trong bước đánh giá về năng lực và kinh nghiệm (tiêu chí đánh giá về giá trị tài sản ròng) mà không thuộc nội dung đánh giá tư cách hợp lệ của nhà thầu.
Chinhphu.vn