Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kỳ vọng và lợi thế của Việt Nam
Những ngày đầu tiên của năm 2025 đánh dấu một bước tiến đáng mừng khác của mục tiêu thành lập các trung tâm tài chính tại Việt Nam. Ngày 4/1/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết 259/NQ-CP của Chính phủ: Ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Tiếp đó, Quyết định số 1718/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam cũng được công bố. Theo Nghị quyết 259/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan lập Dự thảo hồ sơ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam gồm Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết, Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Đề cương dự thảo Nghị quyết.
Có thể thấy, các văn bản đã cũng như sắp được ban hành đã quy định những người phải gánh vác trách nhiệm tổ chức xây dựng các trung tâm tài chính, các nhiệm vụ, lộ trình và các chính sách cụ thể để thực hiện mục tiêu này. Đó là lời tuyên bố với thế giới rằng chúng ta đã hành động, chúng ta hiểu những việc cần làm và với nguồn lực, trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam trong nước, ngoài nước và Việt Nam sẽ đạt được điều mình muốn. Hơn thế nữa, quyết tâm chính trị, cam kết và lộ trình rõ ràng sẽ tạo niềm tin cho các định chế tài chính, nhà đầu tư nước ngoài, tạo động lực để họ tham gia đóng góp ý kiến, chung sức với chúng ta trong việc xây dựng, đầu tư hạ tầng công nghệ và cùng đóng góp trong sự vận hành hiệu quả của các trung tâm tài chính tại Việt Nam trong tương lai.
Trao đổi với báo Điện tử Chính phủ, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM nhận định, việc xác định chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu của các trung tâm tài chính có thể coi như đề bài để dựa vào đó, các kiến trúc sư, dưới sự lãnh đạo của kiến trúc sư trưởng dựng lên bản vẽ thiết kế chi tiết bao gồm hạ tầng đất đai, hạ tầng công nghệ, các chính sách đặc thù giới hạn cho khu vực hoạt động của trung tâm tài chính, các chính sách phục vụ cho sự vận hành của trung tâm tài chính và các chính sách thu hút nhân lực và nhà đầu tư... Tất cả các chính sách đó được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, trên cơ sở chúc năng, nhiệm vụ và mục tiêu của trung tâm tài chính.
"Ngoài các lợi thế về địa chính trị như được nhiều lần đề cập, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có các chi phí liên quan tới hoạt động tài chính thuộc hàng thấp so với khu vực và thế giới. Là quốc gia đi sau trong phát triển trung tâm tài chính, chúng ta có thể rút kinh nghiệm, lựa chọn giải pháp khắc phục nhược điểm của các trung tâm tài chính hiện tại thông qua giải pháp công nghệ tiên tiến nhất, vì vậy, nếu đưa ra được bản thiết kế khả thi, con đường tới đích sẽ bằng phẳng hơn", PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nói thêm.
Từ góc nhìn này, Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam sẽ là một mảnh ghép thiết yếu trong bức tranh toàn cảnh về các trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Theo dự kiến, Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội vào kỳ họp tháng 2/2025. Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết này tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV vào tháng 5/2025. Hiện dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam đang được đăng tải nhận đóng góp từ người dân, chuyên gia trong nước, ngoài nước… và sẽ chỉ còn vài tháng để hoàn thiện văn bản rất quan trọng này.
Tận dụng công nghệ mới
Dự thảo Đề cương Nghị quyết về việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam đưa ra một số chính sách dự kiến áp dụng tại các trung tâm tài chính. Chẳng hạn, Điều 12 trong Dự thảo Đề cương Nghị quyết về Chính sách tiền tệ, ngân hàng và quản lý ngoại hối quy định, việc mua bán, thanh toán, chuyển nhượng vác các giao dịch khác giữa các tổ chức, cá nhân trong trung tâm tài chính quốc tế được phép thực hiện bằng đồng Việt Nam hoặc các ngoại tệ tự do chuyển đổi.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, tại các trung tâm tài chính lớn của châu Á như Hong Kong (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản) hay Singapore, giao dịch chủ yếu thực hiện bằng các ngoại tệ mạnh, chủ yếu là đồng USD. Đồng tiền của các quốc gia vẫn được tự do giao dịch nhưng theo mong muốn và lựa chọn của các tổ chức tài chính, ngân hàng, nhà đầu tư… trong trung tâm tài chính quốc tế.
"Việt Nam nên lập một trung tâm tài chính tự do, nơi chấp nhận giao dịch bằng các đồng tiền mạnh và cho phép dòng vốn lưu chuyển một cách tự do tương tự mô hình của Hong Kong (Trung Quốc). Trung Quốc chấp nhận tự do hoá trong lựa chọn loại tiền tệ giao dịch trong trung tâm tài chính quốc tế Hong Kong. Tuy nhiên, dòng vốn từ Trung Quốc muốn đưa vào đây thì phải chịu sự kiểm soát tương tự như dòng vốn đầu tư ra nước ngoài. Được độc lập tương đối như vậy, trung tâm tài chính Hong Kong trở thành kênh huy động vốn chủ yếu, cung cấp tới 70% nguồn đầu tư cho sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc", vị chuyên gia gợi ý.
Hay theo Điều 14 về chính sách tài chính và phát triển thị trường vốn, việc đăng ký, lưu ký, giao dịch và thanh toán bù trừ chuyên biệt cho chứng khoán niêm yết trên thị trường chứng khoán của trung tâm tài chính quốc tế được thực hiện theo thông lệ của các trung tâm tài chính lớn, dù vậy, có thể vẫn sẽ phải làm rõ đó là thông lệ nào, của trung tâm tài chính nào cho phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân đặc biệt lưu ý vấn đề niêm yết chéo cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán của trung tâm tài chính mới. Nghĩa là, sàn giao dịch chứng khoán này sẽ niêm yết cổ phiểu của các doanh nghiệp đã niêm yết sàn giao dịch gốc của một quốc gia và được niêm yết trên các sàn giao dịch của các trung tâm tài chính quốc tế khác. Theo vị chuyên gia, cùng với quy định về tự do giao dịch bằng đồng ngoại tệ mạnh, việc niêm yết chéo là điều kiện cần thiết để xây dựng một thị trường tài chính tự do.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh, các trung tâm tài chính mới phải là trung tâm tài chính công nghệ fintech. Các ông lớn công nghệ như NVIDIA và Google đã nhìn thấy tiềm năng ở thị trường Việt Nam và nếu có cơ chế thu hút hấp dẫn, có thể mời họ tham gia tạo dựng hạ tầng công nghệ cho các trung tâm tài chính sắp hình thành.
"Trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam phải tạo dựng những mô hình hoàn toàn mới, chưa từng có, giải quyết các vướng mắc hiện có của các định chế tài chính trên thế giới, của các nhà đầu tư, từ tốc độ và chi phí trung gian cho các giao dịch đến việc thích ứng với các hình thức và phương tiện đầu tư, thanh toán mới như tài sản mã hoá hay tiền mã hoá… Khi đó, các trung tâm tài chính mới của Việt Nam sẽ thu hút được những định chế tài chính danh tiếng, các nhà đầu tư chiến lược và đi sau họ là hệ thống tập đoàn, doanh nghiệp cùng những nhân lực xuất sắc trong mọi lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư… Làm được như vậy, chúng ta mới có thêm nhiều cơ hội thành công", vị chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định.
Hoàng Hạnh