Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Trong thời gian này, các đồng chí được quyền thông báo gửi các địa phương, doanh nghiệp không đưa hàng hóa đến. Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến ngày 25/12/2021, Quảng Ninh còn 1.555 xe, Lạng Sơn 4.204 xe bị ùn tắc tại cửa khẩu, gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là mặt hàng nông sản (chiếm đến 80% các mặt hàng đặc tính dễ hư hỏng)...
“Thủ tục giao nhận thực hiện chặt chẽ hơn, lái xe Việt Nam không được vào nội địa Trung Quốc. Quy trình kiểm dịch cũng phức tạp hơn”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết về nguyên nhân khách quan của tình trạng ùn ứ.
Về nguyên nhân chủ quan, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, đây là những điểm yếu cố hữu của sản xuất và xuất khẩu nông sản của ta trong thời gian qua. Đó là sản xuất nông nghiệp không theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), không xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc…
Mặc dù, các bộ, địa phương biên giới liên tục có các khuyến cáo về tình hình ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu nhưng các thương nhân vẫn tiếp tục đưa hàng lên cửa khẩu dẫn đến tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, các doanh nghiệp chưa chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân. Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, các doanh nghiệp chưa chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân. Mặc dù biết được tình trạng hàng hóa ùn ứ, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đưa hàng hóa lên biên giới. Bộ đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tăng cường năng lực tiêu thụ ở thị trường nội địa qua các kênh truyền thông như chợ, siêu thị và bằng cả thương mại điện tử. Các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, nông dân phải khẩn trương chuyển đổi phương thức sản xuất, phải theo quy hoạch, kế hoạch và bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. “Sản xuất cái gì phải tính bán cho ai, ở đâu, tuân thủ tín hiệu thị trường”.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong 1 ngày chỉ thông quan được 88 xe hàng hóa qua cả 2 cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma, trong khi cửa khẩu Tân Thanh thì chưa mở trở lại. Trung bình 1 giờ chỉ thông quan được khoảng 8 xe. Do đó, 1 tháng nay gây áp lực rất lớn về bố trí chỗ đỗ phương tiện, ăn ở, sinh hoạt cho hàng vạn người vô cùng khó khăn; bên cạnh đó là các vấn đề an ninh trật tự; rác thải, vệ sinh môi trường,...
“Trong 1 tháng qua, hội đàm 50 cuộc các cấp từ huyện, ngành, bản thân tôi đã viết thư trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Tây để đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh trong thông quan hàng hóa”, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu nói.
Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero COVID”, nên siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch. Về thời gian thông quan, phía Trung Quốc vẫn triển khai trong giờ hành chính, không có chính sách cắt giảm, tuy nhiên do triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch, khử khuẩn xe và hàng, phải trung chuyển lái xe ở cửa khẩu... khiến tốn nhiều thời gian, gây ùn ứ. "Trung bình 1 giờ chỉ thông quan được 8 xe. 1 cửa khẩu 1 ngày chỉ thông quan được 88 xe".
Lạng Sơn đã thông tin trên trang điện tử từng ngày về thời gian, lượng xe thông quan; nhắn tin zalo với các doanh nghiệp, chủ hàng thường xuyên xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn về tình trạng hằng ngày. Nhưng mỗi ngày vẫn 60-70 xe vẫn từ các địa phương lên Lạng Sơn.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng như các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, trước mắt các doanh nghiệp cần điều tiết, hạn chế đưa hàng hóa xuất khẩu lên biên giới; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh như khử khuẩn xe chở hàng, thường xuyên xét nghiệm cho tài xế, thiết lập vùng an toàn dịch bệnh…
Cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc. Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Thiết lập vùng xanh
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, thời gian qua, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và các quy định của phía Trung Quốc liên quan đến vấn đề lưu thông và quản lý xuất nhập khẩu, Chính phủ đã có nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương và có những chỉ đạo kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phục hồi sản xuất. Gần đây nhất, lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo tại văn bản số 9249/VPCP-KTTH ngày 18/12/2021.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đặc biệt từ tháng 12/2021 trở lại đây, các biện pháp kiểm soát nhập khẩu gắn với yêu cầu, điều kiện trong phòng, chống dịch COVID-19 của Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc, dẫn tới tình trạng ùn ứ xe container. Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã kịp thời có nhiều chỉ đạo nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện và giải quyết triệt để.
“Các đồng chí đã thảo luận kỹ, các địa phương cũng chỉ rõ nếu tiếp tục đưa hàng hóa lên cửa khẩu thì càng thiệt hại, vì vậy, cần có giải pháp, cả trước mắt và dài hơi”, Phó Thủ tướng nói.
Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, các cơ quan và địa phương biên giới làm việc, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương của Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thông quan hàng hóa của cả hai nước đang ùn tắc tại cửa khẩu, trong đó ưu tiên cho các hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước và các xe hàng, container hiện đang ùn ứ. “Ví dụ, cũng cửa khẩu đó trong một ngày thông quan 8 tiếng thì bây giờ có thể thông quan 12 tiếng được không”.
Phó Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các địa phương có hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu thông báo rộng rãi cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân biết về tình hình thông quan, xác định rõ số lượng phương tiện có thể được vận tải hàng hóa lên cửa khẩu mỗi ngày và kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không ùn tắc tại cửa khẩu.
Phó Thủ tướng nêu rõ, phấn đấu để giải phóng sớm nhất lượng xe ùn ứ ở các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn. “Trong thời gian này, các đồng chí được quyền thông báo gửi các địa phương, doanh nghiệp không đưa hàng hóa đến”.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến ngày 25/12/2021, Quảng Ninh còn 1.555 xe, Lạng Sơn 4.204 xe, gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là mặt hàng nông sản (chiếm đến 80% các mặt hàng đặc tính dễ hư hỏng)...Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Về lâu dài, Bộ Y tế, Hải quan, UBND các tỉnh, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để bàn bạc, hình thành các “vùng xanh”, “luồng xanh” an toàn dịch bệnh tại khu vực biên giới. Bộ Y tế nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình để hình thành vùng xanh, luồng xanh, góp phần đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hoá qua cửa khẩu một cách an toàn.
Các địa phương tổ chức các hội nghị với các doanh nghiệp để thông tin kịp thời cho doanh nghiệp, người dân biết để chủ động trong sản xuất, kinh doanh, như tổ chức tiêu thụ hàng hóa tại chỗ, có phương thức bảo quản, đóng gói tại chỗ cho tốt...
Đặc biệt, các địa phương cần hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Tập trung mở rộng thị trường, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Hạn chế tiến tới chấm dứt hoạt động thương mại đường mòn, lối mở. Đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng logistics để bảo quản, quản lý hàng hóa. Các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng cần tích cực thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh phân phối và tiêu thụ trong nước, khai thác triệt để các dư địa của thị trường nội địa rộng lớn với gần 100 triệu dân,...
Đức Tuân