Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là thông tin tại lễ công bố Báo cáo thường niên "Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh" (PCI) 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 11/4 tại Hà Nội.
Ngoài Quảng Ninh duy trì vị trí Quán quân năm thứ 6 liên tiếp, PCI năm nay ghi nhận Bắc Giang đã có tiến bộ vượt bậc để xếp ở vị trí thứ 2. Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Tháp vẫn duy trì hoạt động cải cách hiệu quả. Trong khi đó, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Long An đã có những nỗ lực đáng kể để nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố thuộc nhóm dẫn đầu.
Điều tra PCI 2022 cho thấy nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh, thành phố trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục có trải nghiệm tích cực về sự thay đổi trong cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí không chính thức của các chính quyền các địa phương Việt Nam.
Bối cảnh kinh tế khó khăn cũng được phản ánh rõ trong điều tra PCI 2022 khi mức độ lạc quan của doanh nghiệp vẫn còn thấp; cảm nhận về sự cải cách trên nhiều lĩnh vực có phần chững lại; bản thân các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ vốn, nhân lực, hạ tầng cho đến chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền cấp cơ sở.
Khảo sát PCI 2022 được tiến hành trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức và cả những cơ hội đan xen. Khi nhiều doanh nghiệp vừa gắng gượng vượt qua những thời điểm đen tối của đại dịch COVID-19 và bắt đầu quá trình phục hồi thì những cú sốc mới của kinh tế - địa chính trị toàn cầu lại ập đến như chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, bất ổn tài chính- ngân hàng, lạm phát tăng cao và sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu.
Triển vọng tăng trưởng ảm đạm của các nền kinh tế lớn đi cùng nỗi lo lạm phát trên thế giới đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Trong điều kiện bất lợi ấy, vai trò của các chính quyền địa phương sẽ được chú ý nhiều hơn với những kỳ vọng lớn hơn về tạo thuận lợi môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức, phục hồi và phát triển ổn định.
Với mục tiêu truyền tải tiếng nói và nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố, khảo sát PCI 2022 đã nhận được phản hồi của tổng cộng của gần 12.000 doanh nghiệp.
Điểm tích cực ghi nhận được từ kết quả PCI 2022 đó là chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian. Điểm trung vị PCI 2022 đạt 65,22 điểm, tiếp tục tăng năm thứ 6 liên tiếp.
Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung có chuyển biến tích cực khi giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tuân thủ quy định pháp luật. Gánh nặng thanh tra, kiểm tra đã giảm đáng kể trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay.
Tình trạng trả chi phí không chính thức vẫn duy trì xu hướng giảm bắt đầu từ năm 2016. Trong đó, tỉ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức trong PCI 2022 là 3,8%, giảm mạnh từ mức 9,1% của PCI 2016.
Việc cải thiện tính minh bạch có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là với các loại tài liệu quy hoạch. Dù vẫn chưa đạt đến mức độ "dễ dàng" tiếp cận với số đông doanh nghiệp nhưng xu hướng theo thời gian cho thấy những trở ngại đang dần được gỡ bỏ với doanh nghiệp khi tiếp cận các loại thông tin, tài liệu này.
Ở chiều ngược lại, các điểm chưa được như kỳ vọng là tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến với một số lĩnh vực thủ tục hành chính. Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế/phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy và xây dựng.
Chất lượng thực thi chính sách ở cấp chính quyền cơ sở vẫn một hạn chế đáng chú ý và cần thêm nhiều cố gắng hơn nữa ở các địa phương để kết quả cải thiện chất lượng điều hành có kết quả đồng bộ.
Bên cạnh đó, như từng được chỉ ra trong các báo cáo PCI trước đây, tiếp cận đất đai vẫn đang là điểm nghẽn lớn với nhiều doanh nghiệp và là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn. Vấn đề các doanh nghiệp cần tiếp tục tháo gỡ là tình trạng ách tắc, thời gian giải quyết hồ sơ về đất đai thường xuyên kéo dài hơn so với quy định.
"Dù còn những điểm chưa được như kỳ vọng nhưng nhìn nhận cả một quá trình dài hạn thì cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự là một trong những ưu tiên chính sách quan trọng và nhất quán của 3 nhiệm kỳ Chính phủ gần đây.
Định hướng của Chính phủ hiện nay là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ các rào cản về quy định pháp luật để khơi thông các nguồn lực phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp.
Chính phủ, các bộ ngành và địa phương ngày càng quan tâm đến việc rà soát, loại bỏ các chồng chéo của hệ thống pháp luật, tháo gỡ các rào cản về điều kiện kinh doanh, hài hòa hóa các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế", Chủ tịch VCCI nhận định.
Đáng chú ý, trong Báo cáo PCI 2022 được công bố hôm nay, lần đầu tiên VCCI, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).
Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Kết quả năm đầu tiên cho thấy 3 tỉnh đứng đầu Chỉ số PGI là Trà Vinh, Lạng Sơn và Bắc Ninh.
"Gần 20 năm qua, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thành công của VCCI đã và đang góp phần thúc đẩy các đối thoại, thảo luận và các hành động hiệu quả về các vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh.
Chỉ số Xanh cấp tỉnh mới được xây dựng dựa trên nền tảng thành công của PCI và việc này là dấu hiệu cho thấy khu vực tư nhân ngày càng nhận thức rõ rằng các vấn đề môi trường cũng quan trọng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế", Giám đốc Quốc gia USAID Việt Nam Aler Grubbs phát biểu.
Theo cơ quan khảo sát, bằng việc xây dựng và công bố Chỉ số Xanh cùng với Chỉ số PCI, VCCI và USAID mong muốn cổ vũ chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách thu hút đầu tư gắn với phát triển bền vững, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường, thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn tại Việt Nam.
Chỉ số PCI do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố, qua đó thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Báo cáo PCI năm nay được công bố trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập VCCI (1963-2023) và cũng là dịp kỷ niêm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ (2013-2023).
Báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.
Kể từ khi bắt đầu tiến hành vào năm 2005 tới nay, đã có 176.496 lượt doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI, phản ánh các khía cạnh đa dạng của môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Triển khai xây dựng và công bố từ năm 2005, PCI là một bộ chỉ số hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Anh Minh