Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Vũ Hoàng Khôi (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn về quy định bảo hành nhà chung cư theo Luật Nhà ở, cụ thể làm rõ phần kết cấu sẽ dựa vào văn bản, bản vẽ nào để xác định, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống MEP căn cứ nào để xác định để bảo hành, tường chịu lực và tường không chịu lực thì có phải thuộc phần kết cấu phải bảo hành hết hay không?
Theo ông Khôi, quy định về nội dung khái quát về bảo hành tại Điều 85 trong Luật Nhà ở khá chung chung. Luật cần quy định rõ các hạng mục và các hạng mục này sẽ căn cứ trên hồ sơ nào khi cấp phép xây dựng để làm cơ sở xác định thì các bên khi yêu cầu bảo hành sẽ có cơ sở chính xác để xác định nội dung được bảo hành hay không bảo hành.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:
Khoản 1 Điều 85 Luật Nhà ở 2014 quy định:“Tổ chức, cá nhân thi công xây dựng nhà ở phải bảo hành nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng; tổ chức, cá nhân cung ứng thiết bị nhà ở phải bảo hành thiết bị theo thời hạn do nhà sản xuất quy định. Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có trách nhiệm bảo hành nhà ở theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thi công xây dựng, cung ứng thiết bị thực hiện trách nhiệm bảo hành theo quy định của pháp luật”.
Khoản 1 Điều 125 Luật Xây dựng 2014 đã quy định: “Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo hành công trình do mình thi công”.
Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng đã quy định yêu cầu về bảo hành công trình xây dựng (Điều 35) và thực hiện bảo hành công trình xây dựng (Điều 36).
Do vậy, về nội dung này, Bộ Xây dựng đề nghị ông Vũ Hoàng Khôi đối chiếu trường hợp cụ thể của mình với các quy định của pháp luật liên quan đến bảo hành nhà công trình xây dựng nói chung, nhà chung cư nói riêng.
Chinhphu.vn