Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó các tình huống dịch bệnh
Văn bản cho biết, trong thời gian gần đây số ca mắc mới trên địa bàn thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đều có xu hướng tăng, nhất là tại thành phố Thủ Đức, Quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn.
UBND TPHCM yêu cầu UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện bảo đảm sự thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương, không cục bộ, “cát cứ” hoặc ban hành quy định vượt quá mức cần thiết; đồng thời, nhanh chóng truy vết, xét nghiệm là khâu then chốt để sớm kiểm soát hiệu quả dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt theo diễn biến dịch, chuyển dần các vùng cấp độ 2, 3, 4 về cấp độ 1.
Chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và lấy cơ quan, đơn vị, địa phương là nền tảng trong phòng chống dịch;
Rà soát, đôn đốc, đẩy mạnh việc tiêm vaccine, nhất là việc tiêm mũi 2, tích cực tổ chức tiêm lưu động, đặc biệt để tiếp cận các đối tượng nguy cơ cao (người lớn tuổi, có bệnh nền), khó di chuyển, bảo đảm về thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vi hẹp nhất có thể; tiếp tục thông điệp 5K và đề cao ý thức phòng, chống dịch của người dân.
Thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, mở cửa lại nền kinh tế có lộ trình và ở những nơi an toàn, có đủ điều kiện.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. |
Kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, nắm chắc tình hình người dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp (như lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh; người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoài tỉnh về địa phương làm việc...) để có biện pháp quản lý phù hợp, khai báo y tế thường xuyên.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để những người dân tại các địa bàn có trường hợp mắc COVID-19, địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.
Sẵn sàng thiết lập các Trạm Y tế lưu động
UBND TPHCM giao Sở Y tế hướng dẫn và tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng (SVP), giám sát trọng điểm COVID-19, giám sát dựa vào sự kiện (EBS), giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc COVID-19 tại cộng đồng;
Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19, kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở để ứng phó thường xuyên, kịp thời.
Chuẩn bị sẵn sàng thiết lập các Trạm Y tế lưu động ngay tại phường, xã, thị trấn, ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở;
Tăng cường và bổ sung nhân lực cho các Trạm Y tế tại phường, xã, thị trấn khi có số ca mắc COVID-19 tăng cao; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa.
Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh phải nghiêm túc thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu người đến khám bệnh thực hiện các quy định phòng chống COVID-19;
Bảo đảm đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất; tổ chức tốt việc điều phối và công tác phân tầng điều trị, ưu tiên điều trị tầng 1, 2, hạn chế bệnh nhân chuyển nặng, đảm bảo người bệnh được thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời.
Hoàn chỉnh kế hoạch sẵn sàng thiết lập hệ thống điều trị bao gồm các trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến. Chịu trách nhiệm chỉ đạo Trung tâm Y tế các địa phương kiểm soát các điểm tiêm trên địa bàn, đảm bảo mời gọi người dân ra tiêm mũi 2 theo thời gian quy định; ưu tiên tiêm sớm cho nhóm đối tượng nguy cơ cao chưa tiêm và đến hẹn nhắc tiêm mũi 2.
Bảo đảm an toàn phòng chống dịch tại các doanh nghiệp, trường học,…
Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp có đông công nhân, trường học, UBND TPHCM yêu cầu các cơ sở duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn".
Tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe, yêu cầu thực hiện nghiêm việc thường xuyên cập nhật trạng thái trên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19;
Đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện 5K, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan; xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch.
Thành lập 19 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch và phục hồi phát triển KT-XH
Trong một diễn biến liên quan, TPHCM vừa ban hành kế hoạch kiểm tra công tác kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, TPHCM sẽ thành lập 19 đoàn kiểm tra tại thành phố Thủ Đức và các quận huyện về việc thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tại; nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp đối với công tác phòng chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, các đoàn cũng đánh giá những việc đã làm được và chưa được, nhất là liên quan đến việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các quận huyện; trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá kết quả kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, mặt được, mặt còn hạn chế, các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai.
Thời gian kiểm tra từ ngày 25/11 đến ngày 30/11 tại UBND thành phố Thủ Đức và các quận huyện. Thành phần Đoàn kiểm tra gồm các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM làm Trưởng đoàn.
Theo kế hoạch trên, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM sẽ làm trưởng đoàn kiểm tra, đánh giá tại thành phố Thủ Đức;
Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM sẽ làm trưởng đoàn kiểm tra, đánh giá tại Quận 8...
Hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà
Ngày 23/11, Sở Y tế TPHCM đã ban hành hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà (phiên bản 1.6).
Theo hướng dẫn, sau khi khai báo thông tin với Trạm Y tế, người F0 cách ly tại nhà sẽ được cấp phát gói thuốc A (gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng).
Nếu có triệu chứng nhẹ, người F0 sẽ được nhân viên y tế đánh giá tình trạng sức khỏe, được ký cam kết và cấp phát thuốc kháng virus (gói C) khi có chỉ định dùng thuốc.
Khi cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi > 20 lần/phút hoặc đo SpO2 < 96%), người F0 phải liên hệ ngay với Cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà để được tư vấn, hỗ trợ.
Nếu có chỉ định nhập viện, sẽ được cho sử dụng 01 liều duy nhất (gói B gồm thuốc kháng viêm và thuốc chống đông) trước khi chuyển viện.
Người dân khi tự xét nghiệm và phát hiện dương tính nên gọi điện đến trạm y tế phường, xã, thị trấn hoặc trạm y tế lưu động để được tiếp cận, đánh giá tình trạng bệnh, điều kiện cách ly để có hướng dẫn điều trị, chăm sóc phù hợp, cấp phát thuốc. và can thiệp kịp thời khi có triệu chứng trở nặng, chuyển viện sớm.
Bên cạnh đó, F1 trong gia đình cũng được theo dõi, quản lý và bảo vệ, đặc biệt với gia đình có người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền,...
Về tình hình dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, tính từ 16g ngày 22/11 đến 16g ngày 23/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.204 trường hợp nhiễm mới tại TPHCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 455.706 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố. |