Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đang được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và các tổ chức chính trị-xã hội
Bà Hoàng Giang Yên Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng cho biết, nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 8/120 điều của Hiến pháp 2013. Đây là những nội dung cốt lõi, mang tính quyết định trong việc triển khai chủ trương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ thực thi công vụ; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
"Trong đó, nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Nội dung này đã được đề cập trong Cương lĩnh chính trị của Đảng trước đây, bây giờ được đưa vào trong Hiến pháp là hoàn toàn hợp lý. Đồng thời các quy định về việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, được thể hiện rõ nét trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 là phù hợp với bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân", bà Hoàng Giang Yên Thủy nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu cho biết, điểm nổi bật trong việc sửa đổi lần này là về quy định các tổ chức chính trị - xã hội (gồm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Công đoàn và Hội Nông dân) trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất dưới sự chủ trì của Mặt trận. Điều này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng, giúp Mặt trận và các tổ chức thành viên gần dân hơn, sát dân hơn,
Tuy nhiên, theo bà Hoàng Giang Yên Thủy, có một số từ ngữ trong nội dung sửa đổi Hiến pháp vẫn còn chưa thống nhất. Đơn cử như vẫn còn dùng cụm từ "tổ chức xã hội", "tổ chức xã hội khác", nhưng lại không thấy cụm từ "các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ", theo đó đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, bổ sung.
"Chúng tôi, cũng như qua nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư của người dân trong đợt sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 lần này kỳ vọng rất nhiều vào cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy nói chung và MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ nói riêng, để có sự chuyển biến thực sự về chất trong cấu trúc tổ chức và phương thức hoạt động.
Như vậy, các cơ quan chức năng cần chú trọng đặc biệt trong việc hướng dẫn tổ chức bộ máy sau sắp xếp phải tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất để MTTQ Việt Nam mở rộng đối tượng nhằm tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc toàn diện hơn. Cần lựa chọn cán bộ làm công tác mặt trận bảo đảm thực hiện được vai trò, nhiệm vụ, đó phải là đội ngũ cán bộ có trình độ, am hiểu sâu sắc về công tác mặt trận, đoàn thể, có năng lực giải quyết, tham gia giải quyết các vấn đề mới, cấp bách của thực tiễn; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, gần dân, trọng dân, vì dân", bà Hoàng Giang Yên Thủy bày tỏ.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Chủ tịch Hội Luật gia TP. Đà Nẵng đóng góp ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 - Ảnh: VGP/Nhật Anh
Tán thành các nội dung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, ông Nguyễn Bá Sơn, Chủ tịch Hội Luật gia TP. Đà Nẵng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 lần này tập trung vào 3 nhóm nội dung chính, với mục đích thể chế hóa chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy chính trị, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình quản trị hiện đại.
Thứ nhất, sửa đổi về vai trò, tổ chức của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 9, 10) nhằm khẳng định vị trí trung tâm của Mặt trận trong hệ thống chính trị, thống nhất đầu mối đại diện quần chúng, và nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua nguyên tắc hiệp thương dân chủ.
Thứ hai, điều chỉnh quyền trình luật theo hướng tập trung cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, phù hợp với mô hình tổ chức sau khi tinh gọn (Điều 84).
Thứ ba, sửa đổi hệ thống tổ chức chính quyền địa phương, đặc biệt là xóa bỏ cấp hành chính huyện, hướng đến mô hình chính quyền hai cấp (tỉnh và xã, các Điều 110-115) nhằm giảm tầng nấc trung gian, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nâng cao hiệu quả quản lý. Các sửa đổi này có tính chiến lược, đồng bộ với các chủ trương lớn của Đảng và tạo tiền đề pháp lý cho các cải cách tiếp theo trong hệ thống chính trị - hành chính của Việt Nam.
Ông Nguyễn Bá Sơn cho rằng, việc xóa bỏ cấp hành chính huyện và tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã) như quy định trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013 là một bước cải cách thể chế hành chính sâu rộng, thể hiện quyết tâm chính trị lớn trong việc tinh gọn bộ máy Nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý và phù hợp với xu thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quản trị quốc gia.
Tuy nhiên, cần đánh giá toàn diện và thận trọng các tác động thực tiễn và có kế hoạch chuyển tiếp rõ ràng, lộ trình cụ thể và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất cũng như hệ thống thông tin quản lý… nhằm bảo đảm không làm gián đoạn hoạt động của bộ máy Nhà nước và quyền lợi của người dân. Cải cách lớn về tổ chức hành chính cần đi kèm với cải cách thể chế, đổi mới phương thức quản trị, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ và phải đặt mục tiêu phục vụ người dân lên hàng đầu.
"Từ góc độ pháp lý, xóa cấp huyện không chỉ là điều chỉnh hành chính đơn thuần, mà kéo theo hàng loạt luật chuyên ngành cần được sửa đổi đồng bộ, bao gồm các luật về tổ chức chính quyền, ngân sách, tài nguyên, y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng… bảo đảm không gây ra khoảng trống quản lý hoặc mâu thuẫn pháp lý trên thực tế", ông Nguyễn Bá Sơn trao đổi.
Chủ tịch Hội Luật gia TP. Đà Nẵng đề nghị Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp cần đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường cơ chế phản biện độc lập của các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp nhằm bảo đảm tính đa dạng, khách quan và khoa học trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Trong bối cảnh các tổ chức chính trị – xã hội được tổ chức thống nhất dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam, vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, như Hội Luật gia, Hội Khoa học - Kỹ thuật, Hội Nhà báo… cần được phát huy như những chủ thể phản biện độc lập, có chuyên môn sâu, đại diện cho lợi ích nghề nghiệp và cộng đồng chuyên biệt. Việc thể chế hóa cơ chế lấy ý kiến rộng rãi, công khai và định kỳ từ các tổ chức này sẽ góp phần nâng cao chất lượng phản biện chính sách và tăng cường tính dân chủ trong quản trị Nhà nước.
Đồng thời, đối với quá trình sắp xếp đơn vị hành chính và cơ cấu lại bộ máy chính quyền, việc chỉ định cán bộ tại các địa phương mới hình thành sau sáp nhập cần được thực hiện trên cơ sở minh bạch, khách quan và có giám sát xã hội, nhằm tạo sự đồng thuận và duy trì niềm tin của nhân dân đối với bộ máy chính quyền mới.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Công ty Luật ATG
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Công ty Luật ATG nhấn mạnh, việc sửa đổi Hiến pháp lần này hể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc cải cách, đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình.
Theo nội dung Nghị quyết số 195/2025/QH15 ngày 5/5/2025 về tổ chức xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: Quốc hội đã quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với phạm vi sửa đổi tập trung vào các quy định của Hiến pháp năm 2013 về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Đồng thời có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.
"Tôi thấy rằng, những nội dung sửa đổi này là rất cần thiết và là cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung các bộ luật, luật liên quan khác để phù với quá trình sắp xếp, sáp nhập các địa phương cũng như việc tổ chức lại hệ thống tòa án, viện kiểm sát trong thời gian tới", luật sư Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Nhật Anh