• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân thế nào để không lạc hậu?

(Chinhphu.vn) - Qua gần 16 năm thực hiện (1/1/2029-12/2024), chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã thể hiện và phát huy được vai trò là công cụ quan trọng trong việc thực hiện chính sách điều tiết, phân phối lại thu nhập của các tầng lớp dân cư, từng bước quản lý thu nhập của các cá nhân đồng thời đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước.

02/01/2025 11:20
Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân thế nào để không lạc hậu?
- Ảnh 1.

Thuế TNCN đã góp phần đáng kể vào tiến trình xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội trong thời gian qua.

Cùng với mức tăng trưởng của nền kinh tế, nhiều nghề mới phát sinh thông qua nền tảng kinh tế số, thu nhập của người lao động cũng tăng theo nên số thu về thuế TNCN tăng tưởng đáng kể. Từ 63 tỷ đồng số thu về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao năm 2008, năm 2024 thuế TNCN ước tính thu được 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 12% tổng số thu nội địa…

Thuế TNCN đã góp phần đáng kể vào tiến trình xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội trong thời gian qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện, Luật Thuế TNCN đã bộc lộ các tồn tại kể cả về cơ sở thuế, đối tượng chịu thuế, thu nhập chịu thuế, tính thuế, thu nhập miễn thuế; phương pháp tính thuế và thuế suất.

Riêng đối với thu nhập từ tiền lương tiền công còn liên quan đến mức giảm trừ gia cảnh, các khoản giảm trừ khác làm cơ sở xác định thu nhập tính thuế, biểu thuế lũy tiến từng phần.

Những tồn tại đó gây nên sự thiếu minh bạch, thiếu bình đẳng về điều tiết thu nhập của cá nhân cũng như mức, tỷ lệ điều tiết tương ứng với các Luật thuế khác, đồng thời gây khó khăn trong quản lý thuế TNCN.

Triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021 – 2030, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 các Nghị quyết của Quốc hội, định hướng cải cách thuế: "mở rộng cơ sở thuế… áp dụng mức thuế suất hợp lý, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần thiết lập môi trường cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế".

Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã cụ thể hóa các giải pháp về chính sách điều tiết đối với thuế TNCN: "Rà soát bổ sung đối tượng chịu thuế; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng điều chỉnh số lượng và các mức thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế phù hợp với bản chất của từng loại thu nhập, tạo điều kiện đơn giản trong quyết toán thuế TNCN cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, ngăn chặn các hành vi trốn, tránh thuế; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về miễn, giảm thuế phù hợp với bối cảnh KT-XH của đất nước trong từng giai đoạn và thông lệ quốc tế".

Theo đó, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế TNCN hiện hành để khắc phục những tồn tại hiện hành và bảo đảm các yêu cầu mục tiêu nên trên.

Trong phạm vi bài viết này tác giả muốn tập trung vào một số khoản thu nhập chịu thuế đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực thi, như thu nhập về tiền lương tiền công; từ quà biếu, quà tặng…

Cần bao quát hết các khoản thu nhập từ tiền lương tiền công

Theo quy định của Luật hiện hành và Nghị định hướng dẫn thực hiện thì thu nhập từ tiền lương, tiền công là khoản thu nhập mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công nhận được dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền. Tiền thưởng dưới các hình thức…

Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật không phải chịu thuế;

Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng môi giới, tiền tham gia đề tài, dự án, tiền nhuận bút và các khoản tiền hoa hồng, thù lao khác;

Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp, và các tổ chức khác…

Các khoản lợi ích khác theo quy định của pháp luật…

Quy định này chưa bình đẳng, minh bạch. Đơn cử, khoản tiền thưởng bằng tiền, hiện vật do doanh nghiệp, tổ chức chi trả cho người lao động thuộc đơn vị quản lý thì chịu thuế thu nhập từ tiền lương tiền công, nhưng thưởng cho cá nhân ngoài doanh nghiệp, ngoài đơn vị chi trả lại không chịu thuế. Cũng như thu nhập từ tham gia giảng dạy, tiền nhuận bút thì chịu thuế, nhưng thưởng bằng tiền cho người ngoài doanh nghiệp, tổ chức chi trả lại miễn thuế.

Khoản tiền hoa hồng môi giới lại có chính sách điều tiết rất khác biệt: cá nhân không đăng ký kinh doanh thì nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ 5% đến 35%; cá nhân đang kinh doanh nộp thuế theo hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế 7%, nhưng cá nhân trực tiếp ký hợp động làm đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, bán hàng đa cấp thì thuế suất thuế TNCN chỉ 5% trên hoa hồng nhận được…

Các khoản lợi ích khác theo quy định của pháp luật, cũng gặp rất nhiều khó khăn trong xác định thu nhập không chịu thuế, hay chịu thuế: tiền nhà, điện nước; ăn trưa, trang phục, công tác phí, các khoản chi phúc lợi, mang tính chất phúc lợi; chi phí y tế, văn hóa, thể thao; chi phí khác chưa rõ ràng: chi phúc lợi cho tập thể người lao động thì không chịu thuế, nhưng chi cho từng cá nhân cụ thể sẽ chịu thuế TNCN, dẫn đến tình trạng né tránh thu nhập chịu thuế.

Lý giải rõ hơn về mức giảm trừ gia cảnh để có điều chỉnh phù hợp

Điều mà mọi người thường quan tâm nhiều nhất đến thu nhập tính thuế TNCN từ tiền lương tiền công là mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế lũy tiến từng phần trên thu nhập tính thuế (thu nhập đã trừ mức giảm trừ gia cảnh, khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc của người lao động, đóng góp từ thiện) với 7 bậc, thuế suất từ 5% đến 35%.

Trước hết nói về mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng.

Luật Thuế TNCN số 04/2007/QH12 áp dụng từ 1/1/2009 quy định mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

Luật Thuế TNCN số 26/2012/QH13 sửa đổi, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế được nâng lên là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng; đồng thời bổ sung nội dung trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm ngày 1/7/2012 hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 đã điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, đến nay đã qua 4 năm.

Việc sửa đổi lần này có nhiều ý kiến điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh để bảo đảm mức sống cho người nộp thuế và người phụ thuộc sau đó mới nộp thuế TNCN. Theo đó, nên lý giải rõ hơn về mức giảm trừ gia cảnh, để có mức điều chỉnh phù hợp.

Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chỉ số giá cả trong từng giai đoạn cụ thể cũng như xu hướng phát triển tương lai, nhằm giảm mức điều tiết thuế cho người nộp thuế; mà đặc biệt là người nộp thuế có mức thu nhập không cao là cần thiết.

Tuy nhiên, cần hiểu rõ, mức giảm trừ gia cảnh không phải là mức nhằm bảo đảm đời sống thực tế cho người nộp thuế, mà thông thường được tính trên yếu tố thu nhập GDP bình quân đầu người, mức lương tối thiểu, nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống… phù hợp với điều kiện cụ thể trong từng giai đoạn lịch sử và đặc điểm của các quốc gia vùng lãnh thổ.

Mức giảm trừ gia cảnh là để xác định mức thu nhập tính thuế cùng với các khoản giảm trừ đóng BHXH bắt buộc, từ thiện, nhân đạo. Sau khi giảm trừ, phần thu nhập còn lại mới nộp thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Khoản thu nhập còn lại sau khi nộp thuế TNCN cộng với mức giảm trừ gia cảnh mới là phần chi tiêu của người lao động.

Ví dụ, theo Luật Thuế TNCN hiện hành, người lao động có thu nhập 25 triệu đồng, nuôi dưỡng hai người phụ thuộc thì xác định thuế TNCN như sau:

Nộp BHXH bắt buộc trên lương: 1,5 triệu đồng; giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và 2 người phụ thuộc: 19,8 triệu đồng; thu nhập tính thuế: 25 triệu đồng - 1,5 triệu đồng - 19,8 triệu đồng = 3,7 triệu đồng; thuế TNCN 3,7 triệu đồng x 5% = 0,185 triệu đồng; thu nhập thực tế chi tiêu của người nộp thuế: 19,8 triệu đồng + (3,7 triệu đồng - 0,185 triệu đồng) = 23,315 triệu đồng.

Như vậy một người có thu nhập 25 triệu đồng/tháng. Thuế TNCN phải nộp từ tiền lương tiền công 0,185 triệu đồng, chiếm tỷ trọng dưới 1% (0,74%) trên thu nhập chịu thuế.

Cùng ví dụ tương tự, người có thu nhập 30 triệu đồng/tháng thì nộp thuế TNCN là 0,620 triệu đồng/tháng.

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân thế nào để không lạc hậu?
- Ảnh 2.

Cần nghiên cứu kết hợp nâng mức giảm trừ gia cảnh với giãn khoảng cách giữa các bậc thuế.

Nghiên cứu đồng bộ các chỉ tiêu để đưa ra mức giảm trừ gia cảnh phù hợp

Ở một số nước tiên tiến, mức giảm trừ gia cảnh được tính giảm trừ trên số chi phí thực chi có hóa đơn chứng từ về y tế, giáo dục… trong trường hợp này thì thu nhập chịu thuế được tính cho đồng thu nhập đầu tiên không quy định ngưỡng giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc.

Điều kiện ở Việt Nam, thu nhập và chi phí giáo dục, y tế rất chênh lệch: học phí trường công lập, dân lập, trường quốc tế, du học nước ngoài; khám chữa bệnh cũng tương tự… Theo đó vấn đề giảm trừ gia cảnh theo thực chi cũng gặp khó khăn, nên nghiêng về phương án giảm trừ gia cảnh theo cơ chế tính cho cá nhân có thu nhập và người phụ thuộc, không phân biệt vùng miền, ngành nghề của cá nhân tạo nên thu nhập.

Để phù hợp với thực tiễn của nước ta, cần nghiên cứu điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế, người phụ thuộc. Mức điều chỉnh từ 11 triệu đồng; 4,8 triệu đồng lên bao nhiêu là phù hợp, cần nghiên cứu đồng bộ các chỉ tiêu về thu nhập GDP bình quân, mức thu nhập vùng, nhu cầu chi tiêu thiết yếu cho đời sống, chỉ số biến động giá để đưa ra mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với tiêu chí thuế TNCN trên cơ sở mở rộng thuế và giảm mức điều tiết thuế phù hợp.

Điều chỉnh giãn khoảng cách giữa các bậc thuế

Hiện nay Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.

Việc áp dụng thuế suất lũy tiến từng phần đối với TNCN nhằm bảo đảm tính hợp lý, công bằng trong điều tiết thu nhập, người có thu nhập cao hơn thì mức điều tiết sẽ ở tỷ lệ cao hơn.

Tuy nhiên, biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là chưa hợp lý do khoảng cách giữa các bậc quá hẹp, nên dẫn đến những người có mức thu nhập cao bị điều tiết thuế khá cao.

Thuế TNDN, thuế TNCN thường có mức điều tiết không quá cách biệt, nhưng theo luật hiện hành, thuế TNDN có mức thuế suất cơ bản là 20, ngoài ra còn có thuế suất ưu đãi, miễn giảm thuế. Nhưng thuế TNCN thuế suất cao nhất 35% dẫn đến có cá nhân có tổng mức nộp thuế trên 30% thu nhập chịu thuế. Bên cạnh đó không có chính sách ưu đãi thuế đối với người làm việc trong các ngành nghề cần khuyến khích tương tự như ưu đãi về địa bàn đầu tư, lĩnh vực đầu tư của thuế TNDN.

Ví dụ, Luật hiện hành, thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng/tháng thuế suất 5%; nhưng trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng thuế suất 10%... trên 80 triệu đồng thuế suất 35%. Chỉ cần thay đổi thu nhập đến 10 triệu đồng hay 15 triệu đồng nộp thuế 5% thì đối tượng này đã giảm mức điều tiết thuế TNCN hơn 50% so với hiện hành.

Theo đó, cần nghiên cứu kết hợp nâng mức giảm trừ gia cảnh với giãn khoảng cách giữa các bậc thuế, nghiên cứu bỏ thuế suất 35%; nghiên cứu giảm thuế đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao để bảo đảm những người có thu nhập khác nhau đều được giảm điều tiết về thuế, bảo đảm bình đẳng cả về chiều ngang, chiều dọc của thuế TNCN.

Cùng với điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến từng phần, chính sách ưu đãi... cần chi tiết thu nhập chịu thuế từ tiền lương tiền công bảo đảm rõ ràng, minh bạch, đặc biệt là thu nhập bằng hiện vật, các khoản lợi ích được hưởng, tương đồng giữa thu nhập từ tiền lương tiền công với thu nhập khác, giữa thuế TNCN với sắc thuế khác.

Đồng thời quy định phương thức thu thuế, tránh tình trạng như hiện hành, thuế TNCN được tạm thu theo tháng, quyết toán năm; những tháng đầu năm mức thu nhập cao từ lương tháng 13, thưởng, tết… phải nộp thuế ngay nhưng đến hết quý 1 năm sau (12 tháng) khi quyết toán thuế mới được bù trừ tiền thuế cả năm, gây thiệt thòi cho người nộp thuế.

Bên cạnh thuế TNCN từ tiền lương, tiền công, cần nghiên cứu đồng bộ các khoản thu nhập chịu thuế khác theo quy định của Luật thuế hiện hành; trong đó có mở rộng thu nhập chịu thuế quà biếu quà tặng, thừa kế thêm các khoản thu nhập khác, bao gồm thu nhập bằng tiền, các tài sản có giá trị cao khác để bảo đảm mục tiêu điều tiết của thuế TNCN.

Nguyễn Thị Cúc

Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế