• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân, DN vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra

(Chinhphu.vn) - Huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế cho phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là các chính sách, biện pháp phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

08/07/2021 17:10

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đề cập đến nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xem xét các vấn đề một cách khách quan, khoa học, Hội nghị đã thống nhất đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020 và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021. Đồng thời, cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia và đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 để trình Quốc hội khoá XV xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ nhất dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 7 này.

Kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”

Ban Chấp hành Trung ương trân trọng ghi nhận và nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương những nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, đặc biệt là trong phòng, chống đại dịch COVID-9 - đợt bùng phát lần thứ tư, đang diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm ở nước ta hiện nay. Nhờ đó, kết quả thực tế đạt được trong nhiệm kỳ khóa XII cao hơn so với số liệu đã trình Đại hội XIII của Đảng và báo cáo Quốc hội khóa XIV.

Trong 6 tháng đầu năm, chúng ta đã tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đạt được nhiều kết quả tích cực: Kinh tế tăng trưởng 5,64%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước; kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách nhà nước đạt trên 58,2% so với dự toán, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2020; hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển.

Đời sống của nhân dân, nhất là của người lao động ở vùng xảy ra dịch bệnh, vùng có khó khăn tiếp tục được chăm lo. Bản chất tốt đẹp của chế độ ta và tinh thần yêu nước, đoàn kết, "thương người như thể thương thân" của dân tộc ta tiếp tục được phát huy. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh phù hợp với tình hình dịch bệnh trên thế giới, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam...

Tuy nhiên, Trung ương cũng thẳng thắn lưu ý và chỉ rõ, trong 6 tháng đầu năm vừa qua, kinh tế - xã hội vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta vẫn đang đứng trước không ít những khó khăn, thách thức mới và lớn, thậm chí gay gắt hơn. Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm hơn trước, có thể còn tiếp tục lan rộng, kéo dài, tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội. Thị trường tài chính - tiền tệ, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng, địa bàn và những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa, quán triệt đầy đủ, sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt các kế hoạch mới có thể hoàn thành thắng lợi được mục tiêu tổng quát đã đề ra cho cả nhiệm kỳ là: Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020, để đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện có hiệu quả các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi tăng trưởng kinh tế. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam. Từng bước xây dựng xã hội có trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống của nhân dân yên bình và hạnh phúc. Bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chú trọng bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.


Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Có những giải pháp mang tính đột phá, khả thi cao

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu, ngay sau Hội nghị này, Ban Cán sự đảng Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trung ương để hoàn thiện thêm một bước các dự thảo kế hoạch trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trong quá trình này, cần tiếp tục bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các chủ trương chính sách, biện pháp mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra để rà soát thật kỹ, chuẩn xác hóa nội dung Tờ trình và Dự thảo các kế hoạch, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với Kế hoạch tài chính quốc gia và Kế hoạch đầu tư công trung hạn; có những giải pháp mang tính đột phá, khả thi cao và sát hợp với thực tế tình hình: vừa phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa phải chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh có thể còn tiếp tục kéo dài, thậm chí nguy hiểm, lan rộng nhanh hơn. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần tiếp tục được bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về các vấn đề lớn, hết sức quan trọng như: Sự đúng đắn, phù hợp của mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn của nền kinh tế và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra. Các cơ chế, chính sách, biện pháp để thực hiện thắng lợi sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng xác định để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định ngày càng vững chắc hơn kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế cho phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là các chính sách, biện pháp phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Tập trung nghiên cứu, đề xuất và triển khai xử lý nhanh, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại, điểm nghẽn trong quá trình phát triển.

Việc xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia cần thấy hết những thuận lợi, thời cơ cũng như những khó khăn, thách thức để xác định một cách đúng đắn, khoa học và có cơ sở thực tế mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể về tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động rất tiêu cực đến phát triển  kinh tế - xã hội; chú ý bảo đảm tỉ lệ chi hợp lý cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên gắn với tinh giản bộ máy, biên chế, cải cách tiền lương, bảo đảm an sinh xã hội...

Trong chỉ đạo quản lý, điều hành, cần coi trọng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; gắn kết chặt chẽ kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công; tôn trọng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; chi ngân sách nhà nước trong khả năng của nền kinh tế và vay trong khả năng trả nợ, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia; coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cần nhìn thẳng vào sự thật để tìm cho được các nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu để đề ra các chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao, tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong việc khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; giải ngân chậm, nhiều dự án, công trình chậm tiến độ, thua lỗ, thất thoát, lãng phí...

Đặt kế hoạch đầu tư công trong tổng thể kế hoạch đầu tư chung của toàn xã hội; gắn đầu tư công với đầu tư xã hội; đầu tư công phải thực sự có trọng tâm, trọng điểm, dẫn dắt và kích hoạt đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Tập trung rà soát, loại bỏ những dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách để ưu tiên nguồn vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách của quốc gia và các ngành, lĩnh vực, các địa phương, nhất là các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có ý nghĩa chiến lược, liên vùng, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững. Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xóa bỏ cơ chế "xin - cho"; chống tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong đầu tư công.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; linh hoạt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng để đẩy mạnh việc giải ngân thực hiện dự án đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình...

Nguyễn Hoàng