Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Trịnh Dình Dũng yêu cầu tập trung mọi lực lượng, phương tiện tìm kiếm thuyền viên mất tích. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đã tìm thấy 3 thuyền viên
Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TCKN) Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, bão số 2 đã làm tàu vận tải VTB26 cùng 13 thuyền viên bị chìm. Tàu chở 4.700 tấn than, neo đậu tại khu vực biển Hòn Ngư, Cửa Lò, Nghệ An. Bộ tham mưu chỉ đạo Biên phòng Nghệ An phối hợp với cảng vụ Nghệ An xác minh thông tin, thông báo cho 3 tàu vận tải đang neo ở khu vực trên hỗ trợ tìm kiếm cứu vớt người bị nạn.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An báo cáo thêm, tàu VTB26 phát tín hiệu cấp cứu lúc 2h10 phút sáng nay, sau đó mất tín hiệu. Hiện đã thành lập Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tiền phương và các lực lượng đang tích cực tổ chức tìm kiếm, tiếp cận để cứu nạn nhân trên tàu.
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Văn phòng Ủy ban quốc gia Ban Chỉ đạo Trung ương TKCN cho biết, hiện đã điều động các tàu của biên phòng, cảnh sát biển đến hiện trường; lệnh cho các lực lượng ven bờ sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ nạn nhân.
Qua điện thoại, Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa cho biết, đã vớt được 1 thuyền viên tàu VTB26 còn sống. 5 phút sau, thông tin báo về là đã tìm được 3 người. Cho đến thời điểm kết thúc cuộc họp (9h30) vẫn chỉ có 3 người được tìm thấy.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, tính đến 5h ngày 17/7 bão đã làm 1 người chết (Nguyễn Thị Mai sinh năm 1969 ở khối 8 phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai do mái tôn đè chết), 2.751 nhà, quán (kiosk) bị tốc mái, trong đó có 1 trụ sở UBND 1 trạm y tế và 1 trường học; trên 2.000 ha vừng bị đổ, 300 ha dưa hấu bị ngập, 350 ha keo và hàng nghìn cây xanh bị đổ.
Khoảng 1h ngày 17/7, bão số 2 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh gây gió mạnh cấp 9-10, các đảo ven biển gió giật cấp 11-12. Hồi 4h ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc, 105,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào. |
Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, một số nơi có mưa lớn từ 132 đến 160 mm. Lượng nước trên các sông hiện ở mức thấp, chưa quá lo ngại. Các hồ chứa hiện vẫn trong ngưỡng an toàn. Tỉnh đang chuẩn bị sẵn sàng máy bơm tiêu úng cục bộ nếu tình trạng ngập úng xảy ra.
Về thiệt hại, diện tích bị ngập úng khoảng 590 ha lúa, 743 ha ngô, mía và các loại cây trồng khác khoảng 100 ha, hiện đang tập trung bơm chống úng. Đường giao thông, đê quai… bị sạt lở nhẹ, không có sự cố lớn.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, các hồ chứa nước được vận hành cấp nước theo đúng quy trình điều tiết, hiện nay chưa có hồ chứa nào báo cáo về nguy cơ mất an toàn. Tình hình tích nước đến thời điểm hiện tại không có thay đổi đáng kể, một số hồ điều tiết nước bằng cửa van đã vận hành xả nước bảo đảm an toàn cho hồ. Cụ thể: Mực nước trung bình các hồ ở khu vực Bắc Bộ đạt 45-55% dung tích thiết kế. Các hồ chứa của các tỉnh Bắc Trung Bộ trung bình đạt từ 55-65% dung tích thiết kế. Tại Thanh Hóa, các hồ mới đạt trung bình 35% dung tích thiết kế.
Hiện có 82 hồ chứa tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, là trọng điểm về an toàn đập, các địa phương đã triển khai phương án và sẵn sàng vật tư, phương tiện để bảo đảm an toàn.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tập trung cứu người, sớm rút kinh nghiệp
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực, khẩn trương, nghiêm túc của các bộ, ngành, địa phương để ứng phó với cơn bão di chuyển với tốc độ rất nhanh, từ đó góp phần giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản cho người dân.
Theo Phó Thủ tướng, bão số 2 không phải cơn bão lớn, nhưng lại có diễn biến rất nhanh, do đó đã gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản.
Để chủ động đối phó với diễn biến mưa lũ, khắc phục nhanh hậu quả bão số 2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tập trung mọi lực lượng, phương tiện của biên phòng, hải quân, tìm kiếm cứu nạn, huy động cả tàu, thuyền trong khu vực để trong thời gian ngắn nhất tìm bằng được những thuyền viên bị nạn trên tàu VTB26.
UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, đánh giá thiệt hại do bão số 2; kịp thời hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, trong đó tập trung cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, hỗ trợ lương thực, thực phẩm (trong trường hợp cần thiết), không để người dân bị thiếu đói. Huy động lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ người dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh sau bão, lũ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để bảo đảm an toàn tính mạng; chỉ đạo các ngành giao thông vận tải, công thương, thông tin và truyền thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn… tập trung khắc phục các sự cố, nhất là bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc, điện.
Cùng với đó, phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho đê điều, hồ đập.
Yêu cầu các Bộ NN&PTNT, GTVT, Công Thương, TT&TT theo chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ địa phương khẩn trương triển khai các phương án khắc phục hậu quả bão số 2.
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tổ chức thường trực theo dõi, tổng hợp diễn biến mưa lũ, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể đối phó với mưa lũ; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khi vượt thẩm quyền.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban quốc gia TKCN, Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT phải nhanh chóng rút kinh nghiệm, kể cả những mặt được, mặt còn hạn chế trong tổ chức chỉ đạo, ứng phó kịp thời với mọi diễn biến về thiên tai.
Xuân Tuyến