Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại mục 2, Chương II Luật Hòa giải ở cơ sở quy định về tổ hòa giải, theo đó: tổ hòa giải là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở thôn, xóm, làng bản, ấp, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố) để hoạt động hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.
Cơ cấu, thành phần, thẩm quyền quyết định số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên trong mỗi tổ hòa giải:
Tổ hòa giải có tổ trưởng và các hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 3 hòa giải viên trở lên. Tuy nhiên, để phù hợp yêu cầu của thực tiễn và đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, thành phần tổ hòa giải phải có hòa giải viên nữ; đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải cần có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên trong một tổ hòa giải căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
- Tổ chức thực hiện hòa giải.
- Tổ chức trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp để tiến hành hòa giải vụ, việc phức tạp.
- Phối hợp với Ban công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Chi hội cựu chiến binh, Chi hội nông dân, Chi hội người cao tuổi, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Kiến nghị với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp xã về hoạt động hòa giải ở cơ sở, các điều kiện cần thiết cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Đề nghị khen thưởng tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải.
Quy định này đã khẳng định vị trí, vai trò, đồng thời cũng đề cao trách nhiệm của tổ hòa giải trong việc phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở, đoàn thể nhân dân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Tổ trưởng tổ hòa giải là người do hòa giải viên bầu trong số các hòa giải viên để phụ trách tổ hòa giải. Việc bầu tổ trưởng tổ hòa giải được thực hiện dưới sự chủ trì của Trưởng ban Công tác Mặt trận bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. Kết quả bầu tổ trưởng tổ hòa giải được lập thành văn bản và gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để ra quyết định công nhận.
Theo Luật Hòa giải ở cơ sở, tổ trưởng tổ hòa giải có các quyền và nghĩa vụ như: phân công, phối hợp hoạt động của các hòa giải viên; đại diện cho tổ hòa giải trong quan hệ với Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong thực hiện trách nhiệm của tổ hòa giải; đề nghị cho thôi làm hòa giải viên; báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan có thẩm quyền về các vụ, việc nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng; hoặc các vụ, việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự; báo cáo hằng năm và báo cáo đột xuất về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải với Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải khác để trao đổi kinh nghiệm hoặc tiến hành hòa giải những vụ, việc liên quan đến các thôn, tổ dân phố khác nhau; có các quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên.
Thu Hằng