Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong số 128 ca mắc mới có 56 ca phát hiện ở khu cách ly, 10 ca phát hiện ở khu phong tỏa, 1 ca phát hiện khi sàng lọc cộng đồng, 61 ca phát hiện cơ sở y tế.
Các ca này liên quan đến ổ dịch tại: Công ty Hansol (17 ca); Công ty Premier Global (11 ca); An Tây, TX.Bến Cát (2 ca); Công ty House Wares (1 ca); Công ty Lywayway (23 ca); Công ty Spartronic (1 ca); Công ty Kingmarker (5 ca); Lây nhiễm từ TP.Hồ Chí Minh (14 ca), trong đó chợ Bình Điền (3 ca), chợ đầu mối Thủ Đức (7 ca), đang điều tra (4 ca); Hòa Lợi, Bến Cát (1 ca); Khai báo y tế (51 ca); và ghi nhận cộng đồng (2 ca).
Đánh giá tình hình dịch tại Bình Dương, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại Bình Dương cho biết: Trong khoảng 12 ngày tới là thời gian vàng để Bình Dương thực hiện quyết liệt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để làm chậm lại các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là các chuỗi, ổ dịch chưa phát hiện được.
Vì vậy tỉnh Bình Dương phải thực hiện các biện pháp quyết liệt mới sớm kiểm soát dịch, hoàn thành mục tiêu kép đã đề ra, như: Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16; Kiểm soát chặt ổ dịch tại khu phong tỏa; Đẩy mạnh điều tra, truy vết, xử lý ổ dịch; Tăng cường xét nghiệm, tổ chức lấy mẫu với mục tiêu cần phải phát hiện được toàn bộ F0, nếu không kiểm soát được toàn bộ F0 thì dịch bệnh sẽ kéo dài trên địa bàn tỉnh; Quản lý các Khu cách lý tập trung; Thí điểm cách ly F1 tại nhà; đẩy mạnh công tác thu dụng điều trị; Phòng, chống dịch cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.
Hiện đã có 7/9 huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh Bình Dương (Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát, Dầu Tiếng, Thuận An, Thủ Dầu Một, Bàu Bàng) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn.
Siết chặt giãn cách, tận dụng "thời gian vàng" để dập dịch
Ngày 12/7, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, thời gian TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các địa phương trong tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là khoảng "thời gian vàng" để tỉnh kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Bình Dương có đầy đủ nguồn lực, việc cần làm lúc này là nhanh chóng "gỡ khó" về cơ chế mua sắm để đáp ứng trang thiết bị, sinh phẩm cho công tác phòng, chống dịch.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ hơn nữa Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Lực lượng Công an, Quân đội phải tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử phạt trường hợp vi phạm. Phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ COVID-19 cộng đồng, Tổ An toàn COVID-19 trong doanh nghiệp để tổ chức điều tra, truy vết, cách ly, xét nghiệm các khu vực nguy cơ cao giúp phát hiện F0 trong cộng đồng, phong tỏa gọn.
Với mục tiêu đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, con người cho công tác phòng, chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương lưu ý, cần thành lập các tổ chuyên môn để tư vấn cho ngành y tế mua sắm ngay trang thiết bị, sinh phẩm.
Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ"; tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệm đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch; đối với doanh nghiệp không đảm bảo phải tạm ngưng sản xuất.
Song song đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu UBND tỉnh triển khai ngay chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh theo đúng quy định để đảm bảo đời sống nhân dân.
“Thần tốc, thần tốc hơn nữa”
Ngày 12/7, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã có buổi làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Bình Dương) để kiểm tra, nắm tình hình công tác điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
Sau khi nghe lãnh đạo CDC Bình Dương báo cáo và các ý kiến phát biểu, ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu ngành y tế, CDC tỉnh cần tập trung nguồn lực cho công tác điều tra, lấy mẫu xét nghiệm “thần tốc và thần tốc hơn nữa”, có như vậy mới nhanh chóng khoanh vùng, xử lý dập dịch có hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị ngành y tế, CDC Bình Dương chú ý công tác phối hợp điều tra, truy vết đối với các trường hợp F1, khi truy vết cần lấy mẫu ngay; đồng thời có biện pháp cách ly các trường hợp F1 sớm để phòng, tránh nguy cơ các lây nhiễm trong cộng đồng; CDC tỉnh cần tập trung trong công tác điều tra, truy vết trên diện rộng, xét nghiệm nhanh để tiến hành giãn cách rộng nhưng phong tỏa rộng.
Đặc biệt, cần triển khai tổ chức các đội xe, đội hình cơ động có thể thường trực triển khai việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh theo hướng chuyên nghiệp, giảm bớt phiền hà cho người dân như việc tập trung để lấy mẫu tại một điểm đông người tiềm ẩn nhiều vấn để phát sinh xảy ra, đưa công tác triển khai nghiệp vụ phòng, chống dịch trở lại bình thường, không để gây tâm lý hoang mang, dao động trong nhân dân.
Tăng cường năng lực xét nghiệm và năng lực lấy mẫu; nhanh chóng thành lập thêm các tổ lấy mẫu xét nghiệm cơ động để hỗ trợ các đơn vị trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; đảm bảo điều tra lấy mẫu xét nghiệm nhanh các trường hợp nghi nhiễm, qua đó nhằm phát hiện, khoanh vùng nhanh, truy vết nhanh, triệt để; tăng cường giám sát phát hiện sớm để truy vết thần tốc tránh bỏ sót các trường hợp liên quan.
Riêng đối với các trang thiết bị y tế, máy xét nghiệm RT-PCR và 500.000 test nhanh, tỉnh sẽ kêu gọi vận động các nguồn lực xã hội cùng chung tay, chung sức hỗ trợ nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch./.