Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sau khi nghỉ việc, ông Chính học Đại học Sư phạm và trở lại làm công tác giảng dạy tại Trường cấp II-III Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang từ năm 1996 đến nay.
Ông Chính hỏi, theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo thì ông có được cộng dồn phụ cấp thâm niên 5 năm trước đây không? Nếu được thì ông phải bổ sung những hồ sơ nào (do thời gian quá lâu, ông chỉ còn giữ quyết định điều động năm 1985, quyết định thôi việc năm 1990 và giấy xác nhận thời gian giảng dạy 5 năm lúc đầu)?
Về vấn đề này, Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang có ý kiến như sau:
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, thì tính thời gian công tác trước ngày 1/1/1995 để hưởng BHXH là:
“1. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà được tính là thời gian công tác liên tục nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, BHXH một lần thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH”.
Đối chiếu Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT- BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, quy định thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên là “a) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập”.
Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ thì trường hợp ông Nguyễn Văn Chính đã được giải quyết trợ cấp thôi việc một lần (2,5 tháng lương) theo Quyết định số 1338/QĐ-UB ngày 9/10/1990 của UBND huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Do đó, thời gian công tác từ năm 1985 đến năm 1990 không tính là thời gian có đóng BHXH (do đã giải quyết trợ cấp thôi việc một lần) nên khoảng thời gian này không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo là đúng theo quy định pháp luật.