Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A là công chức đang hưởng lương ngạch chuyên viên, bậc 4, hệ số 3,33. Thời điểm tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày 1/12/2015.
Do vi phạm kỷ luật, ông A bị kỷ luật hình thức hạ bậc lương. Kể từ ngày quyết định kỷ luật hạ bậc lương có hiệu lực (ngày 1/10/2018) ông A bị hạ xuống bậc 3, hệ số 3,00. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau tính từ ngày 01/10/2018.
Ông A được bảo lưu thời gian tính nâng bậc lương trước khi bị kỷ luật là 34 tháng (từ tháng 12/2015 đến tháng 9/2018).
Như vậy có phải là 34 tháng bảo lưu thời gian tính nâng bậc lương trước khi bị kỷ luật được cộng dồn vào thời gian hưởng lương bậc 3, hệ 3,00 để nâng trở lại bậc lương cũ là bậc 4, hệ số 3,33 vào ngày 01/12/2018 không? Hay là, ông A phải giữ bậc lương 3 đủ 36 tháng mới được nâng lên bậc 4 vào ngày 1/10/2021? Thời gian 34 tháng bảo lưu được cộng dồn vào thời gian hưởng lương bậc 4, để được nâng lên bậc 5, hệ số 3,66 vào ngày 1/12/2021.
Ông Bắc hỏi, trong hai cách thực hiện nêu trên thì cách nào mới đúng?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Bắc hỏi như sau:
Ngày 17/5/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức (tình trạng còn hiệu lực). Một trong các hình thức kỷ luật là hạ bậc lương.
Hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
Không thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao mà không có lý do chính đáng, gây ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
Lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi;
Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
Khoản 1, Điều 23 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức hạ bậc lương, nếu đang hưởng lương từ bậc 2 trở lên của ngạch hoặc chức danh thì xếp vào bậc lương thấp hơn liền kề của bậc lương đang hưởng.
Thời gian hưởng bậc lương mới kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
Thời gian xét nâng bậc lương lần sau để trở lại bậc lương cũ trước khi bị kỷ luật được tính kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
Thời gian giữ bậc lương trước khi bị kỷ luật hạ bậc lương được bảo lưu để tính vào thời gian xét nâng bậc lương lần kế tiếp.
Trường hợp công chức đang hưởng lương bậc 1 hoặc đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung của ngạch hoặc chức danh thì không áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương; tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật người có thẩm quyền xem xét áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp.
Vấn đề ông Võ Việt Bắc hỏi liên quan đến việc thi hành quyết định kỷ luật hạ bậc lương đối với công chức quy định tại Khoản 1, Điều 23 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP. Đối với trường hợp ví dụ cụ thể ông Bắc nêu, giải quyết như sau:
Ông Nguyễn Văn A là công chức đang hưởng lương ngạch chuyên viên, bậc 4, hệ số 3,33. Thời điểm tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày 1/12/2015.
Ông A bị kỷ luật với hình thức hạ bậc lương. Thời gian hưởng bậc lương mới (bậc 3, hệ số 3,00) kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực (ngày 1/10/2018).
Thời gian xét nâng bậc lương lần sau để nâng trở lại bậc lương cũ trước khi bị kỷ luật (bậc 4) được tính kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực (ngày 1/10/2018). Đến ngày 1/10/2021, đủ thời gian 36 tháng giữ bậc 3, ông A sẽ được xét nâng trở lại bậc cũ (bậc 4).
Thời gian giữ lương bậc 4 trước khi bị kỷ luật hạ bậc lương từ ngày 1/12/2015 đến ngày 30/9/2018 bằng 34 tháng được bảo lưu và cộng dồn với thời gian 2 tháng sau khi trở lại hưởng lương bậc 4 (từ 1/10/2021), để tính thời gian xét nâng bậc lương lần kế tiếp là bậc 5, hệ số 3,66 vào ngày 1/12/2021.
Theo luật sư, trong hai cách thức thi hành quyết định kỷ luật hạ bậc lương mà ông Võ Việt Bắc nêu, thực hiện theo cách thứ hai mới đúng quy định.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.