• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo ứng phó mưa lũ

(Chinhphu.vn) - Trong tuần vừa qua, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt tại nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ, thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Sáng 2/8 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện gửi các bộ, ngành, địa phương về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ ở Bắc Bộ.

02/08/2015 15:46
Trận mưa lớn đêm ngày 1 và sáng 2/8 đã khiến nhiều nơi trên địa bàn TP Uông Bí bị ngập sâu trong nước.
Trong công điện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào, chính quyền các địa phương.

Đồng thời, để chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, Thủ tướng yêu cầu: các địa phương, bộ, ngành, có quan liên quan tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người mất tích, mai táng người bị thiệt mạng, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị thiếu đói, hộ còn bị cô lập, chia cắt, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách, không để người dân bị đói, khát.

Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư bảo đảm an toàn. Tăng cường thông tin truyền thông, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn.

Chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường ngay sau khi lũ rút.

Thủ tướng giao Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn chủ động tham gia hỗ trợ nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, vận hành bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, kể cả các hồ đập do người dân tự đắp để bảo đảm an toàn công trình và tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du; chỉ đạo chủ động tiêu thoát nước chống ngập úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp....

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam có phương án phòng chống sạt lở, nhất là các bãi xỉ thải; phối hợp với Bộ LĐTBXH và các Bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam khẩn trương có phương án hỗ trợ người lao động ổn định đời sống, nhanh chóng khôi phục sản xuất, bảo đảm kế hoạch cung ứng than.

Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi, tổng hợp diễn biến mưa lũ, đôn đốc, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể ứng phó với mưa lũ; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền.

Tạo điều kiện tối đa để TKV sớm khôi phục sản xuất

Ngày 1/8, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đến thăm và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại các khu vục mỏ trọng điểm như Quang Hanh, Hòn Gai và Mông Dương…

Sau khi nghe báo cáo những thiệt hại về vật chất của các đơn vị cùng những giải pháp khắc phục, ông Nguyễn Đức Long chỉ đạo các sở ban, ngành của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Tập đoàn TKV và các Công ty khai thác than, đặc biệt là những khu vực bị tổn thất nặng như mỏ Quang Hanh, Mông Dương và Hòn Gai nhanh chóng khôi phục hầm lò, ổn định sản xuất; bố trí và sử dụng lao động hợp lý, không để người lao động bị thất nghiệp; có chính sách điều động, hỗ trợ người lao động, thợ mỏ trong quá trình khắc phục các hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Long đã nhấn mạnh: Ngành Than luôn gắn bó mật thiết với tỉnh và đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh. Tỉnh cũng luôn xác định khó khăn của ngành Than là khó khăn của tỉnh để cùng nhau tháo gỡ vướng mắc. Tỉnh sẽ ủng hộ và tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ ngành Than sớm phục hồi sản xuất, đảm bảo việc làm, điều kiện sinh hoạt cho thợ mỏ.

Đập chắn 790. Ảnh Báo Quảng Ninh
Dồn sức bảo vệ đập 790

Đập chắn 790 hiện là một điểm xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao nhất tại TP Cẩm Phả hiện nay. Do lượng nước từ đầu nguồn đổ về quá lớn gây sạt lở ta luy, dịch chuyển bề mặt và có nguy cơ bị vỡ.

Nếu để xảy ra vỡ đập chắn 790 thì thiệt hại xảy ra sẽ rất nặng nề đối với TP Cẩm Phả và cả tỉnh Quảng Ninh bởi khi đập vỡ, ngoài việc kéo theo đất đá san bằng các khu dân cư lân cận thì còn làm tê liệt toàn bộ hoạt động của trạm điện 110 KV và trạm 35KV, tại phường Mông Dương.

Trạm điện dừng hoạt động sẽ đồng nghĩa với việc toàn bộ các hoạt động sinh hoạt, sản xuất tại khu vực Mông Dương sẽ tê liệt hoàn toàn và một phần TP Móng Cái cũng bị ảnh hưởng do mất điện. Mỏ than Mông Dương sẽ có nguy cơ bị xóa sổ. Hàng ngàn người dân và thợ mỏ sẽ lâm vào cảnh mất nhà, mất việc làm.

Chính vì vậy, những ngày này, tỉnh Quảng Ninh, TP Cẩm Phả và ngành Than, cùng các lực lượng cứu hộ đang dồn sức bảo vệ đập chắn. Đến 18h chiều 30/7, việc gia cố đập chắn 790 ở mức 9,8 vẫn đang được các lực lượng khẩn trương thực hiện và đã cơ bản kiểm soát được tình hình tại khu vực này.

Chủ tịch HĐTV Lê Minh Chuẩn cùng lãnh đạo TKV bàn cách cứu mỏ.

TKV thiệt hại hơn 1000 tỉ đồng

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) Tập đoàn Công nghiệp Than–Khoáng sản Việt Nam, mưa lớn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của tất cả các đơn vị thuộc Tập đoàn....

Mưa lũ làm ngập lò mức -175 mỏ than Ngã Hai - Công ty than Quang Hanh; ngập lò mức -250 khu Đông Bắc Mông Dương - Công ty CP than Mông Dương; bồi lấp trạm xử lý nước thải 25 Núi Nhện - Công ty TNHH MTV Môi trường; kho than tại Công ty Tuyển than Hòn Gai, Kho vận Hòn Gai, Kho vận & Cảng Cẩm Phả bị vỡ đê bao, sạt lở, ngập úng; các tuyến đường chuyên dụng, tuyến đường sắt vận chuyển than của Công ty Tuyển than Cửa Ông, Tuyển than Hòn Gai bị hư hỏng nặng, giao thông bị chia cắt… Mặc dù tổng thiệt hại các đơn vị chưa xác định hết nhưng con số đã lên tới 1.000 tỉ đồng.

Do ảnh hưởng của mưa lớn và các sự cố trên, TKV đã dừng mọi hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh, tập trung vào phòng chống mưa lũ.

Khẩn trương lắp đặt bơm thoát nước tại moong Công ty than Dương Huy. Ảnh TKV

Tập trung cứu mỏ

Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn yêu cầu các đơn vị TKV trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tập trung mọi nguồn lực, thiết bị, xe máy... hiện có với tinh thần trách nhiệm cao nhất để cùng chính quyền địa phương và các đơn vị khác trên địa bàn khắc phục các sự cố và hậu quả do mưa lũ gây ra, giúp nhân dân trên địa bàn vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Trực tiếp chỉ huy cứu mỏ tại hiện trường, ông Chuẩn cho biết, đối với công tác ổn định đời sống, việc làm cho thợ mỏ, Tập đoàn sẽ trích từ quỹ lương dự phòng và sẽ họp bàn và đưa ra những giải pháp cụ thể cho từng đơn vị.

Đối với những hộ tiêu thụ than lớn như Nhiệt điện Vũng Áng, Vĩnh Tân, Duyên Hải 1 ... Tập đoàn sẽ đề nghị các đơn vị này cân đối lại sản xuất và điều chỉnh lại nhịp độ cung cấp than.

Đặc biệt, để có thể khắc phục sự cố, khôi phục được sản xuất trong thời gian sớm nhất, ông Chuẩn yêu cầu các đơn vị phải tranh thủ thời tiết, chạy đua với thời tiết để kiểm soát ngay những khu lò cũ, than lộ vỉa có nguy cơ ngập nước; những chỗ nào là điểm nóng, điểm nguy cơ cao sẽ giải quyết trước.
Đặc biệt, hạn chế tối đa thiệt hại phát sinh do ý thức chủ quan gây ra và phải lấy thợ mỏ, người dân làm trung tâm, ưu tiên hàng đầu...


Mưa lũ cuốn trôi hàng ngàn tấn than. Ảnh TKV

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW cho biết trong đêm qua và sáng sớm nay (31/7) ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa, riêng khu vực các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang đã có mưa to đến rất to, Lục Yên (Yên Bái) 96mm; Tuyên Quang 96mm; Bắc Mê (Hà Giang) 101mm…

Dự báo từ hôm nay (31/7) đến ngày 03/8, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to diện rộng, có nơi mưa rất to (phổ biến 100-300mm cả đợt, cục bộ có nơi lớn hơn 400mm). Khu vực mưa lớn tập trung ở các tỉnh Đông Bắc và từ đêm nay vùng mưa lớn sẽ mở rộng thêm ra khu vực Việt Bắc và Tây Bắc. Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật 7-8, sóng biển cao từ 1.5-2.5m, biển động.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc (đặc biệt là: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ) và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối, ngập lụt đô thị ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.

Bố trí sẵn sàng lực lượng

Trong công điện hỏa tốc số 12/CĐ-TW Ban chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, sớm ổn định đời sống nhân dân; đưa khách du lịch về bờ an toàn; tìm kiếm người mất tích trên biển.

Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn các khu vực hầm, mỏ khai thác khoáng sản, cử chuyên gia hỗ trợ Quảng Ninh đánh giá nguy cơ vỡ đập xỉ than 790 của công ty Cọc 6 và những khu vực chứa xỉ than, chất thải hầm lò có nguy cơ khác.

Các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng thường trực, theo dõi vận hành các hồ chứa; tăng cường kiểm tra các hệ thống đê điều; đồng thời chuẩn bị, bố trí sẵn sàng lực lượng và phương tiện cứu hộ...

Xử lý nghiêm lãnh đạo để dân trong vùng nguy hiểm

Tại cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết: Trong tối qua và sáng nay (30/7), tỉnh đã khẩn trương di rời hoàn toàn 229 hộ dân bị nguy hiểm.

Để ứng phó trước đợt mưa lũ sắp tới, tỉnh tập trung chỉ đạo thường trực 24/24h tại các địa phương, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt qua và địa phương có nguy cơ xảy ra sạt lở. Đồng thời, tỉnh kiên quyết di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở; tuyệt đối không để hộ dân trở lại khu vực nguy hiểm khi chưa kết thúc đợt mưa.

Tỉnh sẽ xử lý nghiêm khắc đối với người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng các hộ dân vẫn nằm trong khu vực nguy hiểm...
Bùn đất, nước tràn ngập mặt bằng công nghiệp mỏ Mông Dương. Ảnh TKV
Cứu mỏ Mông Dương

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn; Phó Tổng Giám đốc Ngô Hoàng Ngân, lực lượng của Trung tâm cấp cứu mỏ đang cùng đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề của Công ty nỗ lực triển khai phương án khắc phục sự cố ở mỏ Mông Dương. Với phương châm kiểm soát đến đâu, xử lý đến đó, TKV đang nỗ lực lắp đặt hệ thống bơm nước để tiếp cận các đường lò và nhanh chóng sửa chữa các đường lò, thiết bị để sớm khôi phục sản xuất.

Theo TKV, ngày 26/7 do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, bãi thải Đông Cao Sơn bị sạt lở bất ngờ và trôi lấp cửa lò 50 K8 CT, gây ngập từ 2,3-1,5m mặt bằng công nghiệp Công ty Than Mông Dương... Công ty đã dừng sản xuất và tổ chức rút hết người ra khỏi hầm lò và triển khai thực hiện các phần việc theo phương án tác chiến và điều hành các tình huống PCTT và TKCN. Toàn bộ các đường lò khu Trung tâm và bắc Mông Dương đã bị ngập hoàn toàn, làm tê liệt toàn bộ hoạt động của hệ thống hầm bơm, trạm điện.

Tàu hải quân cập cảng đón khách. Ảnh Vnexpress.net

Điều tàu hải quân ra Cô Tô đón 1500 du khách về bờ

TTXVN dẫn lời Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Hoàng Bá Nam cho biết: Trưa ngày 30/7, Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với tỉnh Quảng Ninh đã điều động một tàu hải quân ra đảo Cô Tô để chuyển toàn bộ 1.500 khách du lịch đang mắc kẹt từ đầu tuần do mưa bão vào đất liền.

Do điều kiện thời tiết xấu, sóng to, biển động nên kế hoạch đưa toàn bộ khách du lịch từ đảo Cô Tô về đất liền không diễn ra như dự kiến. Chiều 30/7, chỉ có 280/1.500 khách du lịch được đưa từ Cô Tô về cảng Cái Rồng (Vân Đồn).

Dự kiến vào ngày 31/7, nếu thời tiết thuận lợi, tàu quân sự này tiếp tục làm nhiệm vụ vận chuyển hơn 1.200 khách du lịch còn lại về đất liền. Ông Nam công bố, toàn bộ khách du lịch nghỉ lại đảo Cô Tô đêm 30/7 được miễn phí thuê phòng và tiền ăn bữa tối.

Kiên quyết không để dân quay lại vùng nguy hiểm

Để chủ động ứng phó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc yêu cầu các địa phương kiên quyết không để người dân quay lại vùng không an toàn; đảm bảo không để người dân vùng bị cô lập, di tản đói rét, bệnh tật. Các lực lượng tiếp tục duy trì chế độ thường trực 24/24h; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhu yếu phẩm cần thiết.

Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành chức năng, địa phương quan tâm hỗ trợ đối tượng khách du lịch còn đang bị kẹt lại Cô Tô, Vân Đồn; tập trung đảm bảo giao thông thông suốt, tìm nguyên nhân và xử lý dứt điểm việc úng ngập, sạt lở ở các tuyến đường huyết mạch; phân luồng, điều phối giao thông kịp thời, không để ách tắc; có phương án xử lý nhanh sự cố gãy ống dẫn nước, đảm bảo cung cấp nước, điện an toàn cho nhân dân...

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 242 (Quân khu 3) giúp dân phường Mông Dương sơ tán. Ảnh Qdnd.vn

Cứu dân là trên hết

Nhằm khẩn trương khắc phục hậu quả và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ tiếp tục gây ra tại tỉnh Quảng Ninh, trong ngày 29/7, hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị thuộc Quân khu 3, Quân chủng Hải quân… tiếp tục băng mình vào những khu vực nguy hiểm nhất, giúp hàng nghìn người dân sơ tán đến nơi an toàn.

Thiếu tướng Trần Mạnh Kha, Phó Tham mưu trưởng quân khu, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy tiền phương của Quân khu 3 tại Quảng Ninh cho biết: Để giúp nhân dân đối phó với mưa lũ và khắc phục hậu quả, trong ngày 29/7, tổng số cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị thuộc LLVT Quân khu 3 và các đơn vị đứng chân trên địa bàn tiếp tục được huy động lên đến hơn 5.000 người. Trong ngày 29/7, cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị đã tham gia khai thông được hơn 120 điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; nạo vét được hơn 2.000 m3 bùn đất tại đường nội bộ các khu dân cư; giúp hơn 2.700 hộ dân ở các địa phương sửa chữa, khắc phục nhà ở để sớm ổn định cuộc sống.

Trên các vùng đảo xa như Bản Sen, Quan Lạn, Cô Tô và tại các diểm ngập úng có nguy cơ cao, hàng ngàn cán bộ chiến sỹ Công an Quảng Ninh vẫn đang ngày đêm đội mưa, bám sát địa bàn cùng các cấp chính quyền và các ban ngành chức năng ngăn chặn và giải quyết kịp thời  mọi hậu quả từ cơn đại hồng thuỷ.

Kêu gọi hỗ trợ

Trong thông báo mới nhất phát đi chiều tối 29/7, Tỉnh Quảng Ninh cho biết, trận mưa lũ lịch sử đã làm trên 3.700 hộ dân, trường học, bệnh xá bị ngập lụt, hàng trăm ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn; làm thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản của người dân; hạ tầng kinh tế, giao thông bị tổn thất nặng nề, giao thông ách tắc, tê liệt nhiều giờ; nhiều khu vực người dân bị chia cắt, cô lập hoàn toàn.

Ước thiệt hại lên tới 1.500 tỉ đồng (ngành Than khoảng 500 tỉ). Nhiều gia đình trong cảnh màn trời, chiếu đất, thiếu lương ăn, nước uống, thiếu các vật dụng hàng ngày, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn; phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh và tiềm ẩn những bất ổn mới trong tình trạng thời tiết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tha thiết kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm; cán bộ, công chức, viên chức, các lực lượng vũ trang trong và ngoài tỉnh quan tâm chia sẻ, hỗ trợ thiết thực về tinh thần và vật chất để kịp thời động viên, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, từng bước ổn định cuộc sống.

Mọi sự đóng góp ủng hộ xin gửi về Ban Cứu trợ tỉnh Quảng Ninh, số TK 3761 - MQHNS 9060953, Mã quỹ Tài chính: 91049.

Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh chia sẻ với người dân Bản Sen. Ảnh Báo Quảng Ninh

Tin cảnh báo đặc biệt về sạt lở đất ở vùng núi Đông Bắc

Bản tin cảnh báo đặc biệt của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn TW phát chiều tối 29/7 cho hay, do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục đi qua Bắc Bộ nối với vùng xoáy thấp trên khu vực ven bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng, nên từ ngày 28/7 đến ngày 29/7 ở Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to diện rộng, riêng ở Quảng Ninh tiếp tục có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa từ ngày 25 đến chiều ngày 29/7 ở Quảng Ninh có lượng mưa từ 500-800mm, một số nơi có mưa đặc biệt lớn như Cửa Ông: 982 mm, Cô Tô: 890 mm, Móng Cái: 890 mm.

Dự báo từ ngày 29/7 đến 03/8, ở các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to diện rộng, có nơi mưa rất to (đặc biệt là khu vực ven biển Bắc Bộ và vùng núi phía Đông Bắc).

Hiện nay, mưa lớn đã kéo dài nhiều ngày làm lớp đất đá đã bão hòa nước. Sạt lở đất có nguy rất cơ cao xảy ra ở các khu vực có độ dốc lớn, thảm thực vật mỏng, các nơi bị cắt xẻ taluy, các bãi bồi cửa sông, suối tại tỉnh các phía Đông Bắc đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2.

Tiếp tục tìm kiếm 6 người mất tích

Báo cáo mới nhất ngày 29/7 của UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện toàn bộ thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả bị tê liệt hoàn toàn về giao thông. Các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hà Khánh, Hồng Hà, Hồng Hải, Yết Kiêu (TP Hạ Long), phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả), đảo Bản Sen huyện Vân Đồn đang bị ngập lụt và chia cắt hoàn toàn, nhiều khu dân cư nhà ngập đến mái.

Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị ngập lụt diện rộng, hàng loạt khu vực bị cô lập vì ngập sâu, có nhiều khu vực ngập sâu từ 1,5–2,0m, thậm chí lên tới hơn 10m ở đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn.

Tính đến 12 giờ ngày 29/7, tổng số hộ dân bị ảnh hướng do ngập lụt trên địa bàn tỉnh là khoảng trên 3.700 hộ dân, trường học, bệnh xá bị ngập lụt, có nơi ngập sâu trên 2,0m (TP Hạ Long và Cẩm Phả, Vân Đồn) và rất nhiều tài sản của hộ dân bị thiệt hại .

Tổng số người chết  trên địa bàn tỉnh 17 người, mất tích 06 người (TP Hạ Long 14 người chết, TP Cẩm Phả 03 người chết).

Hiện tỉnh vẫn đang tiếp tục tìm kiếm 06 ngư dân bị mất tích trên một tàu cá di chuyển từ Bạch Long Vĩ về Cô Tô.

1500 du khách mắc kẹt tại đảo Cô Tô

Cổng TTĐT Quảng Ninh cho biết, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, vì vậy cơ quan chức năng chưa cấp phép cho bất cứ tàu khách nào rời cảng Cô Tô.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, cơ quan chức năng khuyến cáo du khách chủ động theo dõi sát tình hình dự báo thời tiết cũng như không tự ý di chuyển vào đất liền bằng bất cứ phương tiện nào nếu chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Hiện nay còn khoảng 1.500 du khách hiện đang kẹt lại Cô Tô do tình hình thời tiết. Tuy nhiên việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân và khách du lịch trên đảo vấn đang được triển khai bình thường, không gặp khó khăn. Huyện Cô Tô đã vận động các nhà hàng khách sạn giảm giá với mức giảm thấp nhất là 30%. Ngay khi điều kiện thời tiết cho phép, cơ quan chức năng sẽ cấp phép cho các tàu du lịch sẽ đưa du khách trở lại đất liền.

Nguy cơ vỡ đập, sạt lở khu dân cư

Trưa 29/7, do mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài, làm lượng nước lớn kéo theo đất đá từ bãi thải Đông Cao Sơn dồn xuống đập 790, khiến đập này có nguy cơ bị vỡ.

Báo Quảng Ninh cho biết, hiện tại, địa phương cùng ngành Than và các lực lượng chức năng vừa nỗ lực cứu đập, vừa di dời trên 70 hộ thuộc vùng nguy hiểm ở tổ 1, 2, 3, 5, khu 4, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả.

Bên cạnh việc di dân đến nơi an toàn, việc cứu đập được thành phố khẩn trương tiến hành. Bởi nếu tình huống vỡ đập xảy ra thì thiệt hại đối với thành phố Cẩm Phả sẽ nặng nề hơn nhiều.

Tình trạng sạt lở đất trong các khu dân cư tại TP Hạ Long vẫn tiếp tục diễn ra. Ảnh Báo Quảng Ninh

Sáng 29/7, trên địa bàn TP Hạ Long tiếp tục có mưa khiến nhiều khu dân cư ở TP Hạ Long bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị chia cắt.

Trước tình hình trên, các đồng chí lãnh đạo TP Hạ Long đã trực tiếp đến hiện trường sạt lở để chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lụt. Bí thư Thành ủy Hạ Long Trần Đức Lâm chỉ đạo di dời toàn bộ người dân trong vùng có nguy cơ bị sạt lở đến các khu vực đảm bảo an toàn, ưu tiên người già, trẻ nhỏ và các hộ dân ở trên cao.

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh bàn phương án khắc phục gẫy tuyến ống dẫn nước Nhà máy nước Diễn Vọng. Ảnh Cổng TTĐT Quảng Ninh

Kiên quyết di chuyển dân ở những khu vực nguy hiểm

Sáng 29/7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có công điện số 17/CĐ-UBND yêu cầu Tập đoàn Than – Khoáng  sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc chủ động huy động các lực lượng, phương tiện kiểm tra chặt chẽ đến tận các hầm lò, khai trường, đặc biệt là các bãi thải để xử lý, khắc phục các sự cố sập đổ, sạt lở tại các hầm lò, khu vực bãi thải có thể xảy ra do mưa, lũ, khẩn trương gia cố các vị trí  có nguy cơ sạt lở, xung yếu; chỉ đạo các đơn vị thành viên chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức di chuyển các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm bị sạt lở đất đá, các đặp chắn chân bãi thải và các khu vực công trường khai thác gần khu gân cư và hỗ trợ người dân bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống; khơi thông các dòng chảy, các mương tiêu thoát nước để đảm bảo giao thông thông suốt; sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng cứu khi có yêu cầu…

Chủ tịch tỉnh yêu cầu lãnh đạo các địa phương có sản xuất than chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thành viên của ngành than trên địa bàn thực hiện kiên quyết việc di chuyển dân cư ở các khu vực nguy hiểm sạt lở đất đá, mương thoát nước, chân các bãi thải; khẩn trương khắc phục hậu quả các thiệt hại, hỗ trợ đảm bảo sinh hoạt và an toàn tính mạng cho nhân dân trong thời gian có mưa lũ xả ra tại nơi ở cũ và nơi di chuyển đến; tăng cường kiểm tra, thông tin và cảnh báo, kiên quyết không cho người mót than trên các dòng chảy khi có mưa lũ.

Đợt mưa lũ lịch sửa cuốn trôi nhiều bãi chứa than. Bất chấp cảnh báo nguy hiểm từ chính quyền, nhiều người dân tiếc "vàng đen" trôi ra biển đã nghĩ đủ cách để vớt. Ảnh Vnexpress.net

Có nơi ngập sâu tới 10m

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, ước tổng thiệt hại do mưa lớn gây ra trên địa bàn tỉnh trên 1.000 tỉ đồng. Tính đến 21.00' ngày 28/7, trận mưa lũ lịch sử tại địa phương này đã làm 17 người chết, 6 người mất tích (danh sách các nạn nhân).

Đường dây nóng
Trong trường hợp khẩn cấp, người dân có thể gọi điện thoại về Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tỉnh để có hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời. Số điện thoại 033.3846.704

Lượng mưa từ ngày 25/7 đến 13h00 ngày 28/7 ở Cô Tô là 799 mm, Móng Cái là 680 mm, Hải Hà là 600 mm, Cẩm Phả là 853 mm, l là 662 mm... đây là trận mưa lớn nhất từ hơn 40 năm nay đổ xuống Quảng Ninh.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, toàn bộ thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả bị tê liệt hoàn toàn về giao thông; các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hà Khánh, Hồng Hà, Hồng Hải, Yết Kiêu của thành phố Hạ Long, phường Quang Hanh của thành phố Cẩm Phả, Khu Bản Sen huyện Vân Đồn đang bị ngập lụt và chia cắt hoàn toàn, nhiều khu dân cư nhà ngập đến mái.

Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị ngập lụt diện rộng, hàng loạt khu vực bị cô lập vì ngập sâu, có nhưng nhiều khu vực ngập sâu trên trên 1m; 1,5m, thậm chí lên tới hơn 10m Bản Sen ở Vân Đồn.

TP Cẩm Phả ngập chìm trong biển nước. Ảnh Báo Quảng Ninh
Cảnh báo

Theo tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời tiết khu vực tỉnh Quảng Ninh từ ngày 29/7 đến ngày 03/8 sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to và có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét và giông, lốc trên biển.

Với thời tiết diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan, chủ động phòng tránh và đề phòng lũ quét, sạt lở đất, giông, lốc...

Người dân không đi qua những đập tràn, ngầm tràn, những nơi ngập; không ra sông, suối để xúc cát, nhặt củi, đánh bắt tôm, cua, cá; không tự ý khơi thông hệ thống cống rãnh thoát nước công cộng…

Trong trường hợp khẩn cấp, người dân có thể gọi điện thoại về Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tỉnh để có hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.  Số điện thoại 033.3846.704.

Bám sát địa bàn

* Tại Công điện số 16/CĐ-UBND, ngày 28/7 về chủ động đối phó với tình hình mưa, lũ, lụt và khắc phục hậu quả sau đợt mưa kéo dài trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động chỉ đạo bằng các biện pháp cụ thể sát thực tiễn từng vị trí, từng địa bàn khu dân cư; kiểm tra ngay các khu vực xung yếu trên địa bàn; kiên quyết di dời những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu đồi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản, khu bãi thải mỏ và dưới chân các bãi thải, công trường xây dựng...

Đối với các trường hợp đã di rời thì kiên quyết không cho quay trở lại nơi ở cũ trong thời gian tiếp tục có mưa lũ xảy ra; chỉ đạo tổ chức chăm lo cuộc sống của những hộ dân đã được di chuyển để an toàn cho đến hết đợt mưa này; đồng thời bảo vệ an toàn tài sản cho nhân dân ở nơi cư trú và nơi sơ tán; chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra toàn bộ hệ thống các hồ chứa nước trên địa bàn, có kế hoạch vận hành điều tiết nước và phương án xử lý đảm bảo an toàn công trình và nhân dân vùng hạ du; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Huy động tối đa các phương tiện, thiết bị cần thiết và lực lượng kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông do mưa lũ gây ra; cắm biển cảnh báo và có các biện pháp nghiêm cấm người và phương tiện qua các ngầm tràn, đường tràn, các điểm bị ngập lụt sâu, các điểm đi qua sông, suối và các tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao để đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn trên các tuyến đường.

Trong điều kiện thời tiết xấu xảy ra như các ngày vừa qua, yêu cầu Thủ trưởng các ngành chức năng, Chủ tịch UBND các địa phương có kế hoạch và chủ động kiểm tra, kiểm soát tuyệt đối không cho ra khơi hoạt động đối với tàu, thuyền vận tải, tàu thuyền khai thác hải sản và tàu vận chuyển khách du lịch, tàu nghỉ đêm trên vịnh.

Tối 28/7, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể cuối cùng trong vụ 9 người bị vùi lấp vì sạt lở đất tại tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng. Ảnh Báo Quảng Ninh
Gồng mình chống "đại hồng thủy"

Ngay trong cơn mưa lũ, lãnh đạo Công ty Điện lực Quảng Ninh đã chỉ đạo huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, công nhân bám sát địa bàn, phối hợp cùng nhân dân địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ. Do thực hiện quyết liệt công tác khắc phục hậu quả mưa lũ nên đến 23 giờ ngày 28/7, TP Hạ Long, TP Cẩm Phả cơ bản đã cấp điện trở lại, chỉ còn 1 trạm biến áp tại phường Yết Kiêu và phường Cao Xanh ngành điện đang tập trung lực lượng để khắc phục hậu quả, sớm cung cấp điện trở lại cho người dân.

Do mưa lớn những ngày qua khiến đất đá, cây cối đổ xuống, làm gãy tuyến ống D800 nhà máy nước Diễn Vọng. Đây là tuyến ống chính cấp nước sạch cho 2 thành phố Hạ Long và Cẩm Phả. Hiện nay, Công ty khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực để khắc phục sự cố. Tuy nhiên do vị trí sự cố tuyến ống nằm giữa moong nước, hiện tại mưa lũ vẫn tiếp diễn nên rất khó khăn cho việc khắc phục, vì vậy việc cấp nước phục vụ khách hàng có thể phải tạm ngừng trong thời gian từ 1 đến 2 tuần. Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đề nghị nhân dân có phương án sử dụng nước tiết kiệm, cũng như chủ động tạm thời tìm nguồn nước khác, khắc phục khó khăn.

Để sớm khắc phục hậu quả do bão gây ra và giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường, UBND tỉnh đã chỉ các sở, ban, ngành, UBND các địa phương bị lũ cùng các hội đoàn thể, lực lượng vũ trang và đơn vị làm dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh, phối hợp cùng với nhân dân huy động toàn bộ nhân lực và phương tiện hiện có, khẩn trương ra quân thực hiện tổng vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải, quét dọn đường phố, các khu vực dân cư; đặc biệt là các khu vực bị ngập úng... đảm bảo nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó.

Sở Y tế Quảng Ninh đã chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng các địa phương triển khai kiểm tra, hướng dẫn nhân dân tiêu độc khử trùng và vệ sinh môi trường.

TKV cơ bản dừng sản xuất tại Cẩm Phả, Hạ Long

Mưa lớn và kéo dài nên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của tất cả các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Một số đơn vị khai thác than hầm lò bị ngập mỏ như Quang Hanh, Mông Dương, Hòn Gai; một số đơn vị khai thác than lộ thiên bị ngập moong, vùi lấp một số thiết bị, máy móc, sạt lở bờ kè, chân bãi thải, đập ngăn đất đá…; các đơn vị sàng tuyển, kho vận, cảng…, do mưa lớn, lượng đất đá trôi lấp làm các kho than bị ngập, một số tuyến đường sắt, tuyến đường vận tải than bị vùi lấp, sạt lở nhiều đoạn làm chia cắt giao thông…

Hiện nay, TKV và các đơn vị thành viên đang tiếp tục bố trí thiết bị, nhân lực ứng trực tại các vị trí xung yếu để xử lý, giải quyết các tình huống cấp bách; phối hợp với chính quyền địa phương sẵn sàng di dời dân cư tại các vị trí có nguy cơ nếu trời tiếp tục mưa to. Nếu tiếp tục mưa to có thể ngập và đóng cửa một số mỏ, gây đình trệ sản xuất nhiều ngày, ảnh hưởng rất lớn cho sản xuất. Do điều kiện bất khả kháng về thời tiết nên việc cấp than cho các hộ tiêu thụ rất khó khăn, bị chậm và có thể gián đoạn trong những ngày tới.

Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh trao mì tôm cho người dân tổ 69, khu 9, phường Cao Xanh, TP Hạ Long. Ảnh Cổng TTĐT Quảng Ninh

* Trước tình hình cực kỳ khẩn cấp của mưa lũ, tỉnh Quảng Ninh đã huy động hàng ngàn chiến sỹ và phương tiện của quân đội, công an đóng trên địa bàn xuống các khu vực bị chia cắt, sập đổ nhà, ngập lụt để cứu dân bị nạn, tìm kiếm người còn mất tích; huy động hàng ngàn gói mì, bánh và nước uống đưa xuống các vùng bị chia cắt, bị ngập lụt để cứu đói cho dân.

Bộ Tư lệnh Quân khu III đã cử Thiếu tướng Trần Đình Kha, Phó Tư lệnh trực tiếp đặt bộ chỉ huy tiền phương tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh để chỉ huy lực lượng chiến sỹ và phương tiện giúp Quảng Ninh tiếp cận, cứu hộ, vận chuyển nhu yếu phẩm và di chuyển dân ở các khu dân cư bị ngập lụt và bị chia cắt lên các vị trí cao an toàn.

Đồng thời Bộ Công an cũng đã phân công Trung tướng Phạm Quang Cử - Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Hậu cần - Kỹ thuật, Phó Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Bộ Công an cùng Lãnh đạo các Cục, Vụ liên quan và lực lượng của Bộ xuống cùng lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh tham gia cứu hộ cứu nạn, giải quyết vấn đề giao thông bị ách tắc.

Toàn bộ các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh theo sự phân công đã xuống hiện trường và tiếp cận các khu dân cư bị ngập lụt để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người còn mất tích, tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình nạn nhân bị chết, bị thương; chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, rà soát và kiên quyết di chuyển những hộ dân còn ở các vị trí nguy hiểm bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi cao an toàn.

Ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo trích 15 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ và hỗ trợ cho các gia đình gặp nạn.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn trương ứng cứu

Thủ tướng Chính phủ vừa phát hành liên tiếp 2 công điện chỉ đạo tỉnh Quảng Ninh khẩn trương khắc phục thiệt hại mưa lũ gây ra.

Tại công điện số 1192/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đối với đồng bào khu vực bị tác động, chia buồn sâu sắc đến chính quyền địa phương và thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ dân còn bị cô lập, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, đảm bảo không để người dân bị đói, khát.

Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết; tiếp tục rà soát, chủ động di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn tính mạng; chỉ đạo lực lượng cán bộ y tế hỗ trợ nhân dân đảm bảo vệ sinh môi trường sau khi lũ rút, không để phát sinh dịch bệnh; huy động các lực lượng thanh niên, quân đội, công an trên địa bàn giúp nhân dân dựng lại nhà cửa và dọn vệ sinh môi trường.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 3 và các lực lượng đóng quân trên địa bàn khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.


Sáng 28/7, Lữ đoàn 147 Hải quân đã điều động 3 xe thiết giáp BTR-60PB (41.074, 41.072 và 297) và một xe ô tô QH-48-15 cùng 22 cán bộ, chiến sĩ đi ứng cứu, giúp dân tại các khu vực ngập lụt ở thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh Qdnd.vn

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với địa phương chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa nước. Bộ Y tế chủ động chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở triển khai các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường vùng bị ngập lũ. Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục các sự cố điện, thông tin liên lạc do ảnh hưởng của mưa lũ, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, khẩn trương khắc phục các điểm bị sạt lở, đảm bảo giao thông trên các trục giao thông chính.

Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai rà soát, tổng hợp kiến nghị của địa phương, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định; phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá, xác định rõ nguyên nhân để chỉ đạo triển khai các biện pháp phù hợp hạn chế tình trạng ngập lụt cục bộ ở các đô thị khi xảy ra mưa lớn.

Tại công điện số 1199/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo Bộ Công Thương trực tiếp kiểm tra, phối  hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam khẩn trương khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập chứa xỉ than, phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống; rà soát và có biện pháp đề phòng sự cố, sạt lở tại các hầm lò, khu vực bãi thải.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long chỉ đạo triển khai phương án tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp tại Tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng, TP Hạ Long. Ảnh Cổng TTĐT Quảng Ninh
Lãnh đạo tỉnh xuống hiện trường chỉ đạo cứu hộ

Sáng 28/7, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra hiện trường tại phường Hà Tu, Cao Thắng, TP Hạ Long và làm việc với Lãnh đạo Quân khu 3 về triển khai công tác cứu hộ.

Tại tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng (khu vực sạt lở đất làm vùi lấp 09 người) Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo lực lượng cứu hộ triển khai công tác cứu nạn và tìm kiếm những người mất tích.

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, khẩn trương di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở; cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân bị ảnh hưởng; tăng cường lực lượng chi viện, phân bổ lực lượng đảm bảo hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn.

Làm việc với Thiếu tướng Trần Mạnh Kha, Phó Tư lệnh Quân khu III, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh đề nghị Quân khu III, hỗ trợ lực lượng, ứng cứu nhân dân, đặc biệt đối với các khu vực bị chia cắt, sạt lở lớn; có phương án cụ thể đối với từng khu vực, đặc biệt đối với các khu vực xung yếu.

Cũng trong sáng nay, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu toàn tỉnh dừng tất cả các công việc, các địa phương dừng tất cả các cuộc họp để tập trung cho khắc phục hậu quả mưa lụt. Đồng thời, chỉ đạo trích ngay ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ và hỗ trợ cho các gia đình gặp nạn.

Được biết, đây là đợt mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, có nơi lượng mưa cao tới gần 600 mm, đồng thời mưa to gặp lúc triều cường nên mức độ ảnh hưởng rất lớn. Mưa lớn kéo dài 2 ngày khiến hầu hết các địa bàn như TP Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả, Vân Đồn, Hoành Bồ đều xảy ra úng lụt cục bộ (có nơi lên cao đến 2m). Nhiều vùng trên địa bàn Cẩm Phả và Vân Đồn bị cô lập, việc tiếp cận để ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn. TP Cẩm Phả là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất.

PV (tổng hợp)