Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu tại buổi kiểm tra. Ảnh: VGP/Hà Chính |
Ngày 16/5, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác, làm Trưởng đoàn kiểm tra.
Theo thống kê, từ đầu năm 2016 tới nay, tỉnh Vĩnh Phúc được giao 760 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 637 nhiệm vụ. Còn 121 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn và có 2 nhiệm vụ quá hạn nhưng chưa hoàn thành. Điều này cho thấy nỗ lực lớn của tỉnh để kéo giảm số nhiệm vụ chậm trễ vì tính tới tháng 4, tỉnh vẫn còn 13 nhiệm vụ chậm trễ.
Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục cho biết thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh giải trình, làm rõ về 6 vấn đề.
Thứ nhất, về vấn đề cải cách hành chính; cải thiện, nâng cao môi trường đầu tư, kinh doanh. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu chính quyền địa phương phải “3 cùng” với doanh nghiệp (cùng trăn trở, tìm giải pháp hỗ trợ; cùng làm, bắt tay vào hành động để kiến tạo phát triển; cùng chia sẻ thành công cũng như những thất bại, động viên, tôn vinh kịp thời đối với doanh nghiệp).
Từ sau hội nghị trên đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2016 đã tụt 5 bậc so với năm 2015. Thủ tướng nói Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp, 1 trong 13 tỉnh nộp ngân sách về Trung ương, nếu năng lực cạnh tranh giảm thì sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phát triển. Trong quý I, tỉnh đã phát huy rất tốt việc phát triển công nghiệp, tăng 4,01%, là một điểm sáng. Thủ tướng rất mong muốn Vĩnh Phúc trong những tháng còn lại chỉ đạo điều hành quyết liệt để nâng cao giá trị, sản lượng công nghiệp, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước.
Vấn đề thứ hai, công tác quản lý tài nguyên và khai thác khoáng sản ở Vĩnh Phúc được phản ánh vẫn bộc lộ không ít bất cập, yếu kém, gây bức xúc cho nhiều người dân. Cụ thể như tình trạng khai thác cát ở sông Lô, có công ty khai thác cát sát bờ kè vượt quá khối lượng, gây những hố sâu tới 40 m, khiến bờ kè sạt lở. Một số khu vực đồi núi bị băm nham nhở, đục khoét suốt ngày đêm, không ít khu vực bị san phẳng, thậm chí “biến mất” vĩnh viễn... Ở một số nơi, chủ khai thác đã tự thỏa thuận với người dân có ruộng, đồi để khai thác đất đồi, đất sét làm gạch ngói, cát xây dựng, khiến một lượng lớn đất đai cho nông nghiệp bị tàn phá, khó khắc phục về sau.
“Trách nhiệm chính quyền các cấp với tình trạng này thế nào, có giải pháp nào giải quyết triệt để”, Trưởng đoàn kiểm tra Nguyễn Cao Lục nêu rõ.
Vấn đề thứ ba là bảo vệ rừng. Việc Vĩnh Phúc đồng ý chủ trương phá rừng phòng hộ ở núi Ngang (huyện Tam Đảo) làm công viên nghĩa trang vấp phải sự phản đối của hàng trăm hộ dân thuộc huyện Tam Đảo và các chuyên gia. Chuyên gia bình luận chủ trương phá rừng phòng hộ làm nghĩa trang của tỉnh Vĩnh Phúc là không thể chấp nhận, vừa nguy hiểm do mất rừng, vừa phá hoại tiềm năng du lịch, đang đi ngược với khẳng định “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”. Trước phản ứng mạnh, hiện UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản xin dừng dự án và nhận được sự hoan nghênh, điều này cần rút kinh nghiệm.
Cùng với đó là vụ việc chặt phá hàng nghìn m2 rừng trên núi Đá Bia, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên. Người dân phản ánh các đối tượng chặt phá rừng không thương tiếc, diễn ra từ năm 2016, hiện còn một số đối tượng hoạt động hết công suất, san lấp mặt bằng như một công trường. Tỉnh cần khẩn trương kiểm tra vụ việc nói trên.
Thứ tư là vấn đề ô nhiễm môi trường, như sông Phan ô nhiễm nghiêm trọng do hằng ngày đang phải gánh chịu hơn 20.000 m3 nước thải của hơn 200.000 hộ dân, 4.000 m3 nước thải từ các khu công nghiệp cùng hàng trăm hộ dân sản xuất liên quan tới hóa chất, sắt vụn… xả thải. Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm trên sông Phó Đáy.
Người dân cũng bức xúc về tình trạng đổ trộm chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại, phế thải khó phân hủy (tại xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc); hoạt động của một công ty sản xuất ván gỗ ép xả thải ra không khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng (tại xã Duy Phiên, huyện Tam Dương). Vào tháng 3/2017, trên mạng xã hội lan truyền clip hình ảnh một người mặc đồng phục áo xanh (được cho là nhân viên của Công ty CP Môi trường đô thị TP. Vĩnh Yên) đang tiến hành xả trực tiếp nước thải từ xe bồn ra môi trường tại khu bãi rác TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Dư luận cũng phản ánh Công ty này đã từng bị “tố” xả nước thải không qua xử lý xuống sông Phan.
“Mặc dù tình trạng diễn ra từ lâu nhưng tỉnh chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Tỉnh cần đánh giá tổng thể, kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm”, Tổ công tác yêu cầu.
Thứ năm là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, như vụ 7 người trú tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường phải nhập viện do bị ngộ độc rượu; giáo viên tại Trường Mầm non Hợp Lý, huyện Lập Thạch bị phát hiện sử dụng thịt bẩn để chế biến thức ăn cho học sinh, gây bức xúc. Tỉnh có nhiều trường học, khu công nghiệp lớn, cần quan tâm hơn nữa tới công tác này, nhất là về trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.
Vấn đề thứ sáu là công tác bảo đảm an ninh trật tự, nổi lên một số vụ việc như việc thu hồi 256 ha đất nông nghiệp cho khu du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh An Tường của Tập đoàn FLC, huyện Vĩnh Tường, người dân phản ứng mạnh vì họ cho rằng đây là đất tổ tiên, đất xương máu của họ.
Cùng với đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, nhất là các vụ việc xâm hại thân thể trẻ em, nghi là bắt cóc, gây xôn xao, bức xúc trong dư luận. Tỉnh cần có biện pháp giải quyết triệt để các vấn đề liên quan tới khiếu kiện đất đai, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về buổi kiểm tra này.
Hà Chính