Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Công văn cũng nêu rõ, doanh nghiệp không được phép sử dụng những người không tiêm vaccine phòng COVID-19 và những người không tiêm vaccine thì không được vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp. Nếu doanh nghiệp để xảy ra tình trạng có trên 5% người lao động không tiêm vaccine phòng COVID-19 vào làm việc thì bị áp dụng biện pháp dừng hoạt động.
Bà Phượng đang mang thai được 35 tuần, vậy bà có bị bắt buộc tiêm vaccine không? Nếu không tiêm thì không được làm việc ở các doanh nghiệp. Trường hợp bắt buộc tiêm, nếu xảy ra phản ứng ngoài không mong muốn thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:
Tại Quyết định số 3982/QĐ-BYT ngày 18/8/2021, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn tạm thời dự phòng và xử trí COVID-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, trong đó quy định việc tiêm vaccine cho “Phụ nữ có thai từ tuần thứ 13 trở lên (≥ 13 tuần)” là một trong các biện pháp dự phòng lây nhiễm SARS-COVI-2 ở phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh.
Tại Khoản 1, Điều 29, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm hiện hành quy định: “Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh”.
Tuy nhiên, hiện nay việc tiêm phòng vaccine COVID-19 cho mọi đối tượng, bao gồm phụ nữ có thai, được thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Việc khám sàng lọc trước tiêm vaccine COVID-19 cho phụ nữ có thai ≥ 13 tuần đang được thực hiện theo Quyết định số 4355/QĐ-BYT ngày 10/9/2021. Cụ thể là: Đối với Phụ nữ có thai ≥ 13 tuần, sau khi được giải thích, tư vấn và đồng ý tiêm chủng thì cần chuyển đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa để được khám, sàng lọc và thực hiện tiêm chủng.
Như vậy, có thể nói rằng trong các các văn bản hiện hành về việc tiêm phòng vaccine COVID-19, Bộ Y tế chưa quy định việc thực hiện tiêm chủng bắt buộc cho các đối tượng, bao gồm phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn phòng dịch, chính quyền địa phương (hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị…), theo thẩm quyền được pháp luật quy định, có thể ban hành các quy định nhằm hạn chế những người chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch (bao gồm tiêm chủng) tham gia một số hoạt động kinh tế - xã hội nhất định. Đó là những quy định mang tính chất nội bộ, chỉ có hiệu lực thi hành trong phạm vi địa phương, đơn vị ban hành.
Phụ nữ có thai khi mắc COVID-19 có nguy cơ diễn biến nặng, nguy kịch và tử vong cao hơn các nhóm đối tượng khác, vì vậy mọi phụ nữ có thai cần thực hiện đầy đủ việc tiêm phòng theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tiêm phòng vừa là quyền lợi để đảm bảo an toàn cho bản thân bà mẹ và thai nhi, đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân góp phần cùng cả nước đẩy lùi đại dịch.
Chinhphu.vn