Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời cử tri tỉnh Đồng Tháp như sau:
Để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh theo hướng nông nghiệp sinh thái, hiện đại, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều chính sách, giải pháp, trong đó có chính sách, giải pháp về thu hút doanh nghiệp đầu tư; tăng cường truyền thông, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa. Cụ thể như sau:
Cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được Chính phủ quy định riêng tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018.
Theo đó, giảm tối đa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp về địa phương. Quy định các cơ chế chính sách ưu đãi sử dụng, thuê đất đai, mặt bằng kinh doanh, ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng, đào tạo lao động, phát triển thị trường, đầu tư cơ sở hạ tầng đến hàng rào doanh nghiệp, ưu tiên hỗ trợ các dự án về liên kết, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao. Nhờ vậy, lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.
Đến nay, cả nước có trên 14.800 doanh nghiệp nông nghiệp, tăng 6,15 lần so với năm 2007, bên cạnh sự phát triển, đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã đẩy mạnh đầu tư theo chuỗi cung ứng, ứng dụng công nghệ cao, gắn với thị trường tiêu thụ toàn cầu.
Đối với vùng ĐBSCL, các doanh nghiệp nông nghiệp đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản; qua đó, thúc đẩy nông nghiệp vùng phát triển nhanh, đóng góp lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước (năm 2021, giá trị gia tăng nông nghiệp vùng ĐBSCL tăng 1,6%, chiếm 32,2% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn và chiếm 31,3% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn nông nghiệp cả nước).
Tuy nhiên, tại vùng ĐBSCL, phần lớn doanh nghiệp nông nghiệp còn nhỏ về quy mô, hạn chế về năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, chưa phát huy được vai trò chủ đạo trong dẫn dắt chuỗi giá trị.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, tạo sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Thời gian qua, khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển, là giải pháp đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị kinh tế, tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Hằng năm, thông qua Chương trình khuyến nông, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được tuyên truyền, tập huấn và trình diễn góp phần đưa nhanh những tiến bộ kỹ thuật vào thực tế để tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh, giá trị kinh tế, tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, tạo 3 trục sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp thông minh.
Hiệu quả kinh tế sản xuất nông, lâm, thủy sản từ áp dụng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản tăng 15-30%. Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm nước lợ, cá tra, sản phẩm gỗ...; nhiều vùng nuôi trồng, nhiều nhà máy chế biến công nghệ cao đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả.
Ở nhóm sản phẩm OCOP, kết hợp truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc. Cùng với đó, công tác quản lý an toàn thực phẩm đạt nhiều kết quả tích cực, cả nước xây dựng và phát triển trên 1.668 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn; đồng thời, nhiều loại sản phẩm nông nghiệp được nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế phổ biến.
Tuy nhiên, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao chưa trở thành động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp; chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm vẫn chưa cao.
Thời gian tới, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện: Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm. Trong đó tập trung các nội dung sau:
Tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo động lực mới cho phát triển "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", nhất là chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư, bảo hiểm, hợp tác công tư...
Đổi mới cơ chế quản lý khoa học, khuyến khích đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các chuỗi giá trị gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và phát triển thương hiệu quốc gia.
Các địa phương đẩy mạnh các quy trình sản xuất tốt và tương đương, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; khai thác lợi thế, tiềm năng; phát triển sản phẩm đặc sản kết nối với phát triển du lịch.
Huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công tư, nhất là doanh nghiệp lớn đầu tư nâng cao năng lực chế biến, chế biến sâu nông sản; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Đối với vùng ĐBSCL và tỉnh Đồng Tháp: Nghiên cứu, đề xuất chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp thực chất và hiệu quả hơn, góp phần thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2018; Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 18/6/2022.
Thúy An