• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

TỔNG THUẬT: BỘ TRƯỞNG NGUYỄN KIM SƠN TRẢ LỜI CHẤT VẤN

(Chinhphu.vn) - Ngày 11/11, sau khi kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường Quốc hội.

11/11/2021 20:35
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Giáo dục là một trong những ngành chịu tác động ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của đại dịch COVID-19, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dạy và học mà còn có thể làm chậm tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đại học theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng.

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dạy – học; làm chậm tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, giáo dục là một trong những ngành chịu tác động ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của đại dịch COVID-19, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dạy và học mà còn có thể làm chậm tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đại học theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng.

Chính vì vậy, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã thu hút sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội và hàng chục triệu học sinh, các bậc cha mẹ, phụ huynh học sinh trong toàn quốc.

Tại phiên chất vấn lần này đã có 28 đại biểu Quốc hội chất vấn. Có 10 ý kiến tranh luận, còn 1 đại biểu đã có câu hỏi nhưng Bộ trưởng chưa trả lời. Ngoài ra còn có 20 đại biểu Quốc hội đăng ký nhưng chưa được chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị 21 đại biểu gửi phiếu chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để trả lời bằng văn bản.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mới giữ cương vị đứng đầu ngành giáo dục đào tạo không lâu nhưng đã tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản những vấn đề của ngành và lĩnh vực phụ trách, đã trả lời kỹ các ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến tranh luận.

Phiên chất vấn đề cập nhiều vấn đề nóng bỏng của ngành giáo dục trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 như việc đảm bảo chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19.

Dạy học trực tuyến phải bảo đảm thực chất, hiệu quả

Bên cạnh vấn đề về chất lượng, các vị đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm đến yếu tố dạy người, kỹ năng sống, nhân cách làm người để góp phần phát huy và duy trì đạo đức xã hội của chúng ta hiện nay, nhất là thế hệ tương lai của đất nước.

Công tác dạy và học trực tuyến cần phải đảm bảo thực chất và có hiệu quả. Công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục giữa các vùng miền khác nhau, việc giảm tải chương trình cho học sinh, việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa các khu vực, vùng miền...

Các Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo giải trình thêm về việc thực hiện đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng như nội dung liên quan đến việc triển khai chủ trương dạy và học bằng hình thức trực tuyến...

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo đã trả lời làm rõ thực trạng, những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đối với những vấn đề thuộc chủ đề của chất vấn đặt ra có phân tích theo từng cấp học như giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học.

Các vị đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hơn, sâu sắc, đầy đủ, toàn diện hơn những ảnh hưởng, tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19 đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương để nghiên cứu và sớm triển khai chương trình tiêm chủng vaccine cho học sinh nhằm có kế hoạch, lộ trình đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học.

Sớm triển khai tiêm vaccine, đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương để nghiên cứu và sớm triển khai chương trình tiêm chủng vaccine cho học sinh nhằm có kế hoạch, lộ trình đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học; tập trung đúc rút kinh nghiệm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2021, sớm hoàn thiện tổ chức khi tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022...

Tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, cơ sở giáo dục trong đào tạo tổ chức thi và công tác tuyển sinh.

Tiếp tục quan tâm giải quyết các khó khăn, vướng mắc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách;  phối hợp với các bộ, ngành cân đối, bố trí đủ kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa và Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt.

Sớm thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp, nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp công lập cả về đầu mối trường lớp, số lượng, chất lượng giáo viên, cán bộ quản lý theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực này.

Tăng cường quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính, không để xảy ra các sai phạm tương tự như trong một số đơn vị y tế trong thời gian vừa qua. Lưu ý việc mở mã ngành đào tạo khối sức khỏe của các trường đại học đa ngành đảm bảo chất lượng sản phẩm đào tạo...

Có học sinh phải có giáo viên, nhưng phải hợp lý

Trả lời về vấn đề giải quyết biên chế giáo viên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mới đây, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát kỹ trên cơ sở báo cáo của 63 tỉnh thành.

Kết quả, số lượng giáo viên thiếu là 94.714 giáo viên, giáo viên thừa là hơn 10.178 giáo viên, giáo viên đã giao nhưng chưa tuyển dụng là 42.774. Căn cứ định mức giáo viên học sinh trên lớp, hiện ngành giáo dục còn thiếu 65.980 giáo viên.

"Từ số liệu nêu trên có thể thấy thực tiễn là giáo viên vừa thiếu vừa thừa, kể cả phần chưa tuyển dụng", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận xét. Để giải quyết vấn đề này, cần phải thực hiện ba giải pháp.

Thứ nhất, cơ quan quản lý cần tập trung cao, quyết liệt, quán triệt tinh thần Nghị quyết 19, với mục tiêu giảm 10% đơn vị sự nghiệp, giảm 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách.

Giai đoạn 2017-2021, chúng ta đã làm thành công, giảm trên 10% đơn vị sự nghiệp, giảm 11,79% biên chế hưởng lương, trong đó có cả giáo dục đào tạo. Giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta tiếp tục thực hiện mục tiêu này – Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, đồng thời, đề nghị rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp một cách trách nhiệm, để giảm điểm trường, số trường, tăng trường liên cấp, liên xã và bán trú. Bởi, thực tiễn cho thấy nhiều địa phương đã rất thành công trong vấn đề này, nhưng vẫn còn những địa phương chưa làm quyết liệt.

Thứ hai, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị tập trung đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ở những nơi có điều kiện.

Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục Đào tạo sẽ rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật, nhất là một số nghị định đã triển khai. Trên cơ sở đó, căn cứ văn bản luật để rà lại, xem xét lại và cần thiết phải bổ sung điều gì để hoàn thiện cơ chế để tự chủ, xã hội hóa.

Thứ ba, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại văn bản quy định định mức học sinh trên lớp, giáo viên trên lớp cho phù hợp từng vùng miền. Từ đó, khẩn trương định hướng, cơ cấu lại lực lượng quản lý, giáo viên, gắn với việc nâng cao chất lượng. Đồng thời, sớm tham mưu cho Chính phủ giải quyết vấn đề vướng mắc việc tự chủ đại học.

Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu ban hành nghị định để tạo cơ chế cho tự chủ, tạo cơ chế các đơn vị sự nghiệp công lập giải quyết khó khăn vướng mắc cho giáo viên. Giải quyết tình trạng giáo viên theo nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên" nhưng phải hợp lý, tiếp tục bổ sung giáo viên theo lộ trình đến 2025 gắn với phương án xã hội hóa, tự chủ, giảm số lượng giáo viên nhận lương ngân sách, giải quyết giáo viên thừa.

Đã trình các cấp có thẩm quyền cho phép tuyển thêm hơn 27.000 giáo viên nữa để giải quyết một phần tình trạng thiếu giáo viên cho các bậc học. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đề xuất gói hỗ trợ 800 tỷ cho giáo dục mầm non tư thục

Trả lời chất vấn của đại biểu về cơ chế, giải pháp, chính sách hỗ trợ sắp tới giúp khu vực giáo dục mầm non ngoài công lập vượt qua khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành đã nhận thức rõ thực tế này.

Hiện nay, hệ thống hơn 19 nghìn cơ sở, trong đó bao gồm cả trường mầm non và các nhóm trẻ tư thục đang bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, trong khi số này đảm nhiệm việc nuôi dạy 22,3% số trẻ độ tuổi đến trường, đi kèm đó là trên 9 vạn người lao động đang làm việc, phục vụ tại đây...

Theo khảo sát, số cơ sở giáo dục này đang gặp khó khăn, nhiều cơ sở đã đóng cửa, không ít người lao động chuyển sang làm công việc khác. 

Như vậy khoảng 1,2 triệu các cháu trong độ tuổi mầm non đang có nguy cơ không có chỗ học trong thời gian tới.

Nếu các cháu ở nhà, cha mẹ không bố trí được người trông, không đưa con cái đến trường thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực, chất lượng công việc.

Nhận thấy nguy cơ thiếu hụt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, nắm nhu cầu, cập nhật cơ sở dữ liệu đầy đủ về số lượng trên 9 vạn người lao động, đồng thời xây dựng chính sách trình Chính phủ xem xét hỗ trợ cho cả người lao động và hỗ trợ cho cả cơ sở.

Tổng số tiền ngành giáo dục đang đề xuất là gói hỗ trợ trị giá 800 tỷ đồng, trong đó đi kèm một số cơ chế hỗ trợ vay vốn, vấn đề về thuế và các điều kiện hỗ trợ khác giúp cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vượt qua khó khăn.

Mạnh dạn đưa học sinh vùng xanh trở lại trường học

Nêu thực trạng sau một thời gian dài học sinh ở nhà để phòng chống dịch, phụ huynh rất mong muốn các cháu trở lại trường để việc học chất lượng hơn; tuy nhiên, phụ huynh có con học tiểu học chưa yên tâm khi trẻ chưa được tiêm vaccine, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp gì để phụ huynh yên tâm.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, ngành giáo dục đã có kế hoạch thúc đẩy đưa học sinh trở lại trường học an toàn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn và định hướng. Về mặt quan điểm, đối với các đơn vị cấp xã, phường, nơi nào đang là vùng xanh, an toàn thì nên mạnh dạn đưa các cháu quay trở lại trường.

Hiện nay, các tỉnh phần lớn xử lý theo quy mô cấp huyện, nhưng lãnh đạo ngành giáo dục cho rằng có thể mạnh mẽ hơn, xử lý đến quy mô xã, phường. Các trường tiểu học, mầm non thường phù hợp với quy mô địa bàn xã phường, còn trường trung học quy mô đến cấp huyện. Do đó, nếu xã phường thuộc vùng xanh có thể đưa học sinh tới lớp mà không cần đợi cả huyện, tỉnh. Cả huyện mà vùng xanh, an toàn thì mở cửa trường trung học.

Theo Bộ trưởng, hôm qua Bộ trưởng Bộ Y tế nhắc đến việc tiêm vaccine cho học sinh dưới 12 tuổi trở xuống, nhưng với các nước trên thế giới thì đó vẫn là "câu chuyện phía trước". Do đó, tùy theo tính chất, mức độ, tình hình từng địa phương để xem đưa học sinh quay lại trường đảm bảo các điều kiện an toàn. "Quan điểm của chúng tôi là vừa thực tiễn, nhưng cũng kiên quyết, mạnh mẽ xử lý nội dung công việc này", Bộ trưởng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bên lề phiên họp.

Xây dựng nền tảng dạy học trực tuyến mang tầm quốc gia

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trước tình hình diễn biến dịch bệnh còn phức tạp và lâu dài, một điểm rất quan trọng là cần phải đầu tư để hình thành một nền tảng dạy học trực tuyến đồng bộ, đủ lớn và bền vững mang tầm quốc gia.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông giải quyết được một số vấn đề mang tính cụ thể. Trong số 1919 điểm "lõm sóng" thì chỉ trong vòng hai tháng Bộ Thông tin Truyền thông đã giải quyết được 283 điểm, tăng cường ngay và kịp thời.

Tuy vậy, việc "lõm sóng" còn ở rất nhiều nơi, do đó, một phần của hạ tầng cần phải tăng cường. Các tập đoàn lớn trong hệ thống bưu chính viễn thông phải tham gia trong một kế hoạch lớn thuộc về chuyển đổi số toàn quốc gia, chứ không chỉ là mỗi nơi có một nền tảng khác nhau, làm mỗi kiểu. Như vậy sẽ rất thiếu tính bền vững và lâu dài.

Bộ trưởng cho biết, các quy định, các hướng dẫn hiện nay cũng tương đối đầy đủ nhưng đang thiên về tính ứng phó tạm thời. Bộ sẽ có những đánh giá sâu hơn và sẽ pháp chế hóa một số các văn bản còn có tính chất hướng dẫn, quy định tạm thời. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần xây dựng một kho học liệu, bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn để khi có nền tảng thì việc học tập trực tuyến sẽ đảm bảo. 

Chuyển đổi số là một trong các đột phá chiến lược của ngành trong thời gian sắp tới. Trong chiến lược về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành giáo dục đã có những nội dung liên quan đến việc chuẩn bị một cách bền vững, lâu dài cho việc chuyển đổi này.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc dạy trực tuyến lúc này đang là một hình thức ứng phó tạm thời nhưng vẫn là một công việc lâu dài ngay cả khi dịch đã ổn định và đây vẫn là nội dung quan trọng mà ngành cần phải đưa vào thực hiện trong tầm chiến lược của mình.

Đã trình cấp có thẩm quyền cho phép tuyển thêm 27.000 giáo viên

Về giải pháp giải quyết vấn đề thiếu giáo viên ở các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng đây là vấn đề lớn. Theo thống kê, cả nước hiện đang thiếu khoảng trên 94.000 giáo viên, trong đó hơn 1/3 là giáo viên mầm non.

Lý do dẫn đến thiếu giáo viên mầm non là do việc phổ cập cho mẫu giáo 5 tuổi. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Nội vụ đã phối hợp rất chặt chẽ để tìm phương án giải quyết.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ cũng đã trình và đã được phê duyệt tuyển thêm hơn 20.000 giáo viên trong 14 tỉnh, khu vực có nhu cầu cao.

Trong tháng này, hai Bộ đã làm việc và trình các cấp có thẩm quyền cho phép tuyển thêm hơn 27.000 giáo viên nữa để giải quyết một phần tình trạng thiếu giáo viên cho các bậc học, đặc biệt là trong đó một số lượng rất lớn cho giáo dục mầm non.

Giáo viên tin học, ngoại ngữ ‘ngại’ đến các tỉnh khó khăn

Về giải pháp khắc phục vấn đề thiếu giáo viên ngoại ngữ, tin học ở các tỉnh khu vực miền núi, các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, Bộ trưởng cho biết, thực tế, nhiều tỉnh chưa có chính sách ưu đãi thu hút. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu giảng dạy hai môn tin học, ngoại ngữ các tỉnh, các khu vực miền núi đang là vấn đề rất khó khăn.

Để khắc phục tình trạng này, ngành giáo dục đang đặt ra một số giải pháp, trong đó tăng các chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học ở các khu vực và cung cấp nhiều cho nguồn nhân lực của các tỉnh khu vực miền núi.

Đối với các tỉnh thì sẽ tăng cường nhiều hơn nữa các biện pháp đào tạo tại chỗ cũng như thu hút nhân lực, nhưng những việc đó còn rất là tính thêm nhiều yếu tố.

"Bởi, rất nhiều giáo viên dạy môn học này thì cơ hội việc làm ở các vùng miền khác rộng mở, nên cũng có phần ngại đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa", Bộ trưởng chia sẻ. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng có một giải pháp phải tính đến là xây dựng các bài giảng E-learning để học sinh vùng miền núi, dù thiếu giáo viên nhưng có thể học các bài giảng được xây dựng học qua Internet, giáo viên chỉ cần chuẩn bị để hướng dẫn, định hướng, kiểm tra, giám sát.

Giai đoạn chuyển đổi số mạng internet cũng là một trong các giải pháp góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tin học, ngoại ngữ cho các tỉnh miền núi và các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cần đặc biệt tăng cường giáo dục kỹ năng mềm khi học sinh trở lại trường. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trên 1,8 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học trực tuyến

Trước những băn khoăn của đại biểu về chất lượng học tập của 53,9% học sinh gia đình khó khăn không thể tham gia học trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, việc chuyển sang dạy học trực tuyến không phải chỉ có việc của riêng Việt Nam. Đây là việc cả thế giới phải làm.

Đối với Việt Nam, dù có kinh nghiệm trong các đợt dịch trước nhưng bước vào năm 2021, quy mô, tính chất, thời gian phải thực hiện chưa từng có trong tiền lệ. Nhiều nước phát triển khi chuyển sang dạy học trực tuyến toàn thời gian cũng không tránh khỏi những thách thức. 

Theo Bộ trưởng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến chuyển đổi số, đến phát triển hạ tầng công nghệ nhưng thực tế còn nhiều khó khăn.

Hiện theo thống kê, không phải là 1,5 triệu mà là trên 1,8 triệu học sinh hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Có được điện thoại gì cũng là tốt, có gia đình hai, ba anh chị em mới có một cái điện thoại để học.

Bộ trưởng bày tỏ: Đây là một việc bất đắc dĩ để ứng phó, cho nên trước khi quan tâm đến chất lượng, thì một trong vấn đề rất mong các địa phương chia sẻ, quan tâm, đấy là số học sinh vì không có thiết bị trong tay đang dần dần phải bỏ học.

Thực tế đó là vấn đề còn cấp bách hơn, trước khi đánh giá xem các cháu học được gì qua đợt học trực tuyến vừa rồi, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết: Một số nơi việc học còn ở mức độ là để "duy trì cảm giác" về học tập, việc đón nhận tư duy trong học tập và được phần nào thì tốt phần đấy. 

Nhưng cũng có một điều đáng mừng là những vùng khó khăn hàng đầu như khu vực Tây Bắc, thời gian vừa qua lại được đến lớp học trực tiếp...

Chắc chắn học trực tuyến có ảnh hưởng đến chất lượng

Để đánh giá được chất lượng học trực tuyến, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngành thường xuyên theo dõi xem các đơn vị dạy đến đâu, dạy như thế nào, tương tác ra sao, khó khăn như thế nào?

Bộ cũng tổ chức hỗ trợ về trang thiết bị máy tính và các thiết bị học tập. Thời gian vừa qua, toàn ngành đã huy động hỗ trợ được trên 14 vạn thiết bị và trong tháng 11, khoảng trên 5 vạn máy tính sẽ được phân phối.

Thế nhưng để đánh giá được kết quả, mức độ đạt được của dạy học trực tuyến đầy đủ cần một cuộc điều tra và khảo sát khi các cháu quay lại trường. Nhưng chắc chắn việc học trực tuyến có những thách thức và có ảnh hưởng đến chất lượng, Bộ trưởng nêu rõ. 

Củng cố kiến thức khi học sinh trở lại trường

Bộ trưởng cho biết, trong Công văn 4808, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đơn vị bổ sung, củng cố kiến thức khi học sinh quay lại trường. 

Theo đó, Bộ yêu cầu nhà trường không được đánh giá ngay kiến thức mà việc đầu tiên phải là giúp các em làm quen với môi trường trường học, học cách tự phòng chống dịch cho bản thân, lấy lại tinh thần, tâm lý thư thái.

Việc củng cố chất lượng khi học sinh quay trở lại trường sẽ căn cứ vào các nội dung chương trình cốt lõi. Tinh thần là khi học sinh đã quay trở lại trường học trực tiếp cũng không bỏ các bài giảng trên truyền hình và công cụ dạy học trực tuyến đã có, tránh tình trạng cực đoan đến lớp rồi thì bỏ hết thì công cụ hỗ trợ.

Khi học sinh quay lại trường học, giáo viên có trách nhiệm đánh giá xem các em trong lớp trình độ đến đâu để phân ra các nhóm bởi có em thiết bị tốt, bố mẹ kèm tốt sẽ chắc kiến thức hơn những em thiết bị phập phù, bố mẹ bận rộn quá.

Như vậy cần một giải pháp tổng thể về phương diện chuyên môn, về tăng cường các trang thiết bị, phương diện tư vấn tâm lý để hỗ trợ, bổ trợ cho các em có sự chênh lệch kiến thức và kỹ năng sau một thời gian dài học trực tuyến.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Không "bê" nguyên chương trình dạy trực tiếp vào dạy trực tuyến. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Không "bê" nguyên chương trình dạy trực tiếp vào dạy trực tuyến

Về chương trình giáo dục phổ thông năm nay, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã ban hành văn bản số 4040 về việc xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giảm để phục vụ cho việc dạy trực tuyến và dạy trên truyền hình.

Về tinh giảm chương trình, các năm 2019, 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hai lần tinh giảm chương trình để phù hợp với chương trình học trong tình hình dịch bệnh. Năm học 2021 - 2022 này, chúng tôi một lần nữa rà soát, lần này chương trình được xác định là chương trình có tính chất cốt lõi chứ không phải là chương trình rút gọn qua mỗi năm.

Điểm khác biệt là chương trình xác định những yêu cầu, những nội dung mang tính cốt lõi. Đối với các địa phương đang dạy trực tiếp thì dạy trước nội dung đúng theo chương trình cốt lõi, nếu như vẫn tiếp tục an toàn thì quay lại cùng cố và mở rộng.

Đối với những nơi dạy trực tuyến thì bám theo chương trình cốt lõi đó, khi được quay trở lại nhà trường thì cũng lại cố và mở rộng thêm.

Như vậy, chương trình cốt lõi là giải pháp về chuyên môn để ứng phó với tình hình dạy học đa dạng ở các khu vực, các vùng miền.

Theo chương trình này, việc dạy trực tuyến chỉ cần bám theo chương trình cốt lõi và các nội dung kiểm tra, đánh giá cũng chỉ dựa trên chương trình này, không phải là "bê" nguyên chương trình dạy trực tiếp bên ngoài để vào dạy trực tuyến.

Cần đặc biệt tăng cường giáo dục kỹ năng mềm khi học sinh trở lại trường

Nêu quan điểm về giáo dục, rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên, Bộ trưởng cho rằng, các yêu cầu về năng lực và các kỹ năng là các yêu cầu rất quan trọng và mục tiêu trong đổi mới phải cần tăng cường các phương diện này. Nhưng đúng là dạy học trực tuyến trong thời gian vừa qua cũng tác động ảnh hưởng đến việc trang bị các kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mà chỉ được hình thành thông qua các tương tác trực trực tiếp, trực quan và tiếp xúc.

Ngành cũng nhận thấy đây là một điểm mà dạy học trực tuyến chưa thể và khó có thể thay thế được cho dạy học trực tiếp. Trong thời gian nếu như học sinh quay trở lại được trường, một trong những việc cần đặc biệt phải tăng cường là trang bị các kỹ năng mềm. Đương nhiên, cần một cái sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc hỗ trợ trang bị các kỹ năng.

Bộ trưởng cho rằng, nếu dịch kéo dài và tiếp tục phải dạy học trực tuyến thì việc đầu tiên cần phải củng cố, tăng cường là hạ tầng về công nghệ thông tin, về trang thiết bị. Các bài giảng trên truyền hình sẽ cần phải được tiếp tục.

Đối với việc thanh tra, kiểm tra, giám sát phải rà soát làm sao để thực hiện theo đúng thông tư quy định, hướng dẫn của Bộ trong việc đảm bảo thời gian, nội dung chương trình giảng dạy.

Một việc rất quan trọng là phải tăng cường hỗ trợ về mặt tâm lý, tư vấn, sức khỏe để tránh sự căng thẳng của học sinh và Bộ cũng đang tiến hành chuẩn bị các văn bản hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ cho phù hợp với tình hình dạy học trực tuyến kéo dài.


Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Không chỉ vì một vài “viên sỏi, viên sạn” mà nghi ngờ cả một chủ trương

Đánh giá về ưu điểm, hạn chế của chương trình giáo dục theo bộ sách giáo khoa mới đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ: Chúng ta được nghe nói và được biết nhiều qua các phương tiện thông tin đại chúng về “sỏi và sạn” vì cứ có một “viên sạn” thì mạng nói rất nhiều chúng ta đều biết.

Nhưng trong đó là sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo, các nhà khoa học thì rất ít ai nói đến. Vậy liệu có công bằng? Bộ trưởng nêu quan điểm.

Vừa qua, Bộ Giáo dục có tổng kết, đánh giá về việc một năm triển khai sách giáo khoa mới, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị đánh giá cho thấy ý kiến của các thầy cô trực tiếp dạy lớp 1 phản ánh sách giáo khoa mới được thiết kế theo chương trình 2018 rất hứng thú trong việc dạy. Với tính mở, sách giáo khoa là công cụ để giáo viên được chủ động, hứng thú hơn.

Theo Bộ trưởng, điều này đã cho thấy chủ trương của chương trình giáo khoa chương trình 2018 theo hướng từ trang bị kiến thức chuyển sang phát triển năng lực của học sinh là một hướng đi đúng và Nghị quyết 88 của Quốc hội là đúng đắn trong việc đổi mới chương trình phổ thông.

Người dạy hào hứng hơn và qua đánh giá, học sinh lớp 1 chủ động hơn, khả năng đọc viết năng động hơn. Để đánh giá được cả chương trình phổ thông chỉ qua lớp 1 thì chưa nói được thật nhiều nhưng cũng là dấu hiệu để chúng ta quyết tâm tiếp tục con đường đổi mới mà chúng ta đã chọn.

Bộ trưởng nhấn mạnh, không chỉ vì một vài “viên sỏi, viên sạn” mà nghi ngờ cả một chủ trương rất lớn của Đảng, của Quốc hội và của ngành giáo dục.

Về ý kiến có đưa nội dung giảng dạy cách ứng xử trên mạng xã hội vào môn giáo dục công dân hay không? Bộ trưởng nhấn mạnh, dạy ứng xử mạng xã hội là việc quan trọng, nhưng để đưa thành một môn học chính thức thì Bộ cần lắng nghe thêm ý kiến của các chuyên gia, không thể tự quyết định. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hết sức quan tâm vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đọc chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc là rất tai hại. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Dạy lớp 1 trên truyền hình chỉ là 1 giải pháp

Về việc trẻ lớp 1 học trực tuyến, học trên đài truyền hình, Bộ trưởng cho biết, trong việc chuyển trạng thái của ngành giáo dục để ứng phó dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương riêng đối tượng học sinh lớp 1 và lớp 2 sẽ học chủ yếu trên truyền hình. Các trường có đầy đủ điều kiện và được đồng ý của giáo viên mới dạy trực tuyến.

Trong vòng hơn hai tháng vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng được 166 bài giảng, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu các bài giảng của lớp 1 và lớp 2. Theo Đài truyền hình Việt Nam thống kê, mỗi môn học có hàng triệu lượt học sinh vào học.

Bộ trưởng cho rằng đây là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp, cũng sẽ khó có một giải pháp nào thỏa mãn được tất cả các yêu cầu. Do đó, chúng ta phải chọn một giải pháp tối ưu hơn cả.

Đối với học sinh lớp 1 thì dạy trên truyền hình là một lựa chọn được đông đảo phụ huynh và dư luận xã hội ủng hộ.

Đồng thời, nếu như các cháu học lớp 1 và lớp 2 học trên truyền hình thì khi quay trở lại trường, việc củng cố kiến thức và kiểm tra, đánh giá cũng sẽ thuận tiện.

Còn những học sinh mà phải tiếp tục học trên truyền hình thì cũng sẽ phải có phương pháp kiểm tra, đánh giá một cách phù hợp. Bộ cũng đã có hướng dẫn cho việc này.

"Khi các cháu học sinh đến trường thì vẫn phải có những hỗ trợ, củng cố thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu. Dạy học lớp 1 trên truyền hình chỉ là một giải pháp", Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Chất lượng đào tạo là khâu rất quan trọng

Về việc sinh viên ra trường không có việc làm, gây tốn kém, lãng phí rất lớn về nguồn lực xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, có rất nhiều việc cần phải làm để sinh viên ra trường có việc làm và quan trọng hơn nữa là có việc làm tốt. Trong đó, xác định sự phù hợp giữa cung và cầu, giữa nhu cầu đào tạo và quan trọng là sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó chất lượng đào tạo cũng là một khâu rất quan trọng. Nếu như xác định dự báo nhu cầu nguồn nhân lực mà không chính xác và việc đào tạo không phù hợp với dự báo nguồn nhân lực cũng dẫn đến tình trạng sinh viên lĩnh vực thì thiếu nhưng lĩnh vực khác thì thừa. Cho nên, công tác dự báo là rất quan trọng.

Theo Bộ trưởng, để sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm tốt thì chất lượng đào tạo tăng cường các kỹ năng cho sinh viên, việc đủ nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế - xã hội là công việc lớn và là giải pháp mang tính tổng thể. Tầm nhìn chiến lược và quy hoạch mạng lưới các trường đại học, quy hoạch ngành nghề và số lượng đào tạo cho phù hợp là những nhóm giải pháp cần được triển khai thì mới có thể đáp ứng được công việc này.

Đọc chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc là rất tai hại

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của môn Ngữ Văn trong việc hình thành nhân cách, bồi đắp tình cảm, tâm hồn, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người cho học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu chấm dứt việc dạy Ngữ Văn theo văn mẫu. Bởi vì, việc dạy môn ngữ Văn theo hình thức đọc, chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc là rất tai hại tới việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thực, chân thành của người học.

Ngành giáo dục sẽ triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh, ngăn chặn mang tính chuyên môn, đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn diện... để giải quyết vấn đề này.

Về dạy thêm trực tuyến, Bộ trưởng nêu rõ, việc dạy thêm học thêm trong trạng thái bình thường đã phải ngăn chặn, nhất là trong bối cảnh học sinh phải học trực tuyến đã rất căng thẳng, việc dạy thêm trực tuyến cần được lên án.

Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 09 có quy định cụ thể về dạy và học trực tuyến, số giờ được dạy ở các cấp, các lớp.

Ông đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để tích cực ngăn chặn việc này.

Việc học tập trực tuyến, học truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Việc học tập trực tuyến trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đã gây nhiều hệ lụy

Báo cáo Quốc hội trước phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn và tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài. Trên 7 vạn sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.

Theo Bộ trưởng: “Việc học tập trực tuyến, học truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài, những việc đau lòng đã diễn ra khó có thể kể siết...”

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ ngừng tới lớp - không ngừng học tập, toàn ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, ra sức cố gắng để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã động viên toàn thể cán bộ, nhân viên, nhà giáo và các cán bộ quản lý toàn ngành khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp và với học sinh để cùng nhau đoàn kết, ứng phó với dịch bệnh. Tất cả vì học sinh thân yêu!

Ngành giáo dục lại bắt đầu một chặng đường mới với những khó khăn, thách thức vẫn còn nguyên, và thậm chí còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Khắc phục hậu quả không phải một sớm một chiều

Dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cuộc sống bình thường mới đang dần được xác lập. Kinh tế và các hoạt động xã hội sẽ dần phục hồi, nhưng ngành giáo dục lại bắt đầu một chặng đường mới với những khó khăn, thách thức vẫn còn nguyên, và thậm chí còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước. Hậu quả do dịch bệnh gây ra để lại lâu dài và sự khắc phục nó không phải một sớm một chiều.

Ngành giáo dục đã triển khai đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh, bước đầu có những con số và chỉ số về tác động tiêu cực, có điều đã nhìn thấy ngay và đã thấy, nhưng cũng có những điều còn ảnh hưởng lâu dài chưa đo đếm được. Đặc biệt là những lỗ hổng về kiến thức, những tác động tâm lý, tinh thần, tình cảm cậu học sinh.

Bộ trưởng bày tỏ: “Trong sự chuyển trạng thái và ứng phó với dịch bệnh vừa qua, thật cảm động khi ngành giáo dục được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo, được toàn thể xã hội, các cấp, các ngành, đoàn thể chăm lo chung tay hỗ trợ.

Thay mặt cho trên 1,5 triệu giáo viên và người lao động cùng 24 triệu học sinh, sinh viên, tôi xin được trân trọng bày tỏ sự biết ơn sâu sắc”.

Bộ trưởng cảm ơn Quốc hội đã chọn lĩnh vực giáo dục và đào tạo với các chủ đề mang tính thời sự để tiến hành chất vấn trong kỳ họp này. Điều đó cho thấy mức độ quan tâm của các đại biểu Quốc hội tới giáo dục, sự chia sẻ với ngành và tạo cơ hội để cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện báo cáo giải trình về việc thực thi trách nhiệm.

Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, những người tiêu biểu cho trí tuệ và trách nhiệm với đất nước và nhân dân, những người đã được lắng nghe ý kiến của cử tri sâu sát thực tế  đưa ra chất vấn hôm nay, chắc chắn sẽ giúp cho ngành giáo dục và đào tạo thấy rõ hơn, rõ thêm những việc cần làm để Bộ Giáo dục và Đào tạo làm tốt hơn nhiệm vụ vinh quang được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.


Lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ giải trình, làm rõ các nội dung về: Bảo đảm chất lượng dạy - học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19.

Công tác dạy - học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền. Việc giảm tải chương trình học cho học sinh.

Việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học. Phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh.

Ở nhóm vấn đề trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các thành viên Chính phủ liên quan sẽ có thêm 50 phút để tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba.


Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về bảo đảm chất lượng dạy - học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19,... Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội, giải trình và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành Giáo dục là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo chất lượng dạy và học, cũng như việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Đảng.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dự kiến còn có thể kéo dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Không tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình đối với cấp học mầm non.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ năm học đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa tổ chức hoàn thành nhiệm vụ năm học; điều chỉnh tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng tập trung dạy và học nội dung cốt lõi các môn học trong điều kiện phòng, chống COVID-19; hướng dẫn địa phương chủ động linh hoạt chuyển đổi giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến, trên truyền hình; duy trì dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình để hỗ trợ dạy học trực tiếp...

Tuy nhiên, các cấp học vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Đối với giáo dục mầm non, một bộ phận không nhỏ giáo viên ngoài công lập không có lương khi phải nghỉ dạy trong thời gian trẻ em ở nhà không đến trường để phòng dịch COVID-19, dẫn đến tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc. Đây sẽ là khó khăn lớn của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong đảm bảo an toàn cho trẻ và chất lượng giáo dục khi huy động trẻ đến trường sau thời gian nghỉ tránh dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trẻ không được đến trường, trong khi nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian trẻ ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ; nhiều phụ huynh phải sắp xếp công việc để chăm sóc con ở gia đình, ảnh hưởng lớn tới thu nhập và phát triển kinh tế.

Việc hướng dẫn trực tuyến cho cha mẹ trẻ hạn chế về nội dung, phương pháp, trang thiết bị và các chất liệu thực tiễn, trực quan sinh động, chưa đảm bảo tương tác tích cực với trẻ mầm non. Những hạn chế nêu trên dẫn đến trẻ em giáo dục mầm non giai đoạn hiện nay có nguy cơ chậm phát triển.

Đối với giáo dục phổ thông, học sinh các gia đình nghèo, vùng khó khăn đang thiếu thiết bị để học tập trực tuyến, có tới 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức này. Các bài dạy trên truyền hình chưa phủ hết tiến trình bài học chương trình các môn học.

Bên cạnh đó, tổ chuyên môn và các cơ sở giáo dục còn gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn về thời gian và con người trong xây dựng kế hoạch giáo dục đối với các môn học mới có nội dung tích hợp, liên môn, có hiện tượng cắt ngang chương trình môn học để dạy song song; nhiều bài giảng trực tuyến chưa sinh động, hấp dẫn; hạn chế tương tác giữa học sinh và giáo viên trong quá trình dạy học trực tuyến, đặc biệt là khi học sinh học qua truyền hình...

Đối với giáo dục đại học, do tình hình dịch bệnh kéo dài nên hiện vẫn còn 20 cơ sở đào tạo vẫn còn khóa sinh viên chưa hoàn thành hết bài đánh giá kết thúc năm học, chủ yếu thuộc các khối trường văn hóa nghệ thuật, trường đào tạo khối ngành sức khỏe. Nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa tổ chức được công tác tuyển sinh trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.

Hệ thống đào tạo trực tuyến ở các cơ sở GDĐH chưa được phát triển đầy đủ, nhiều trường còn hạn chế. Việc bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các chương trình đào tạo yêu cầu nhiều thời gian thực hành, thực tập để trang bị các kỹ năng nghề nghiệp./.