Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo phản ánh của bà Trần Lê Hoài Thương (TPHCM), Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm:
“2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả đối với người lao động tham gia BHYT”.
Bà Thương hỏi, cụm từ “đến khi điều trị ổn định” được xác định đến thời điểm nào? Người lao động đi khám trái tuyến, hoặc điều trị ở những bệnh viện không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT nên chi phí điều trị rất cao thì công ty vẫn phải thanh toán toàn bộ phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không được bảo hiểm thanh toán có đúng không?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 85 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn việc giám định mức suy giảm khả năng lao động, điều trị phục hồi chức năng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động. Vì vậy, đề nghị bà liên hệ với Bộ Y tế để được hướng dẫn xác định thời điểm điều trị ổn định.
Người lao động tham gia BHYT đi khám trái tuyến hoặc điều trị ở những bệnh viện không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT theo Luật BHYT đề nghị bà liên hệ với Bộ Y tế để được hướng dẫn trường hợp này có được chi trả từ BHYT không.
Điểm a, Khoản 2, Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả đối với người tham gia BHYT. Do đó, việc xác định chi trả từ phía người sử dụng lao động căn cứ vào mức chi trả từ BHYT cho người lao động có tham gia BHYT.