Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội thảo. Đồng chủ trì hội thảo có ông Dennis Quennet, Điều phối trưởng Cụm dự án Phát triển kinh tế bền vững, Giám đốc Chương trình cải cách vĩ mô/tăng trưởng xanh của GIZ…
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, đây là sự kiện khởi động cho việc sơ kết 5 năm Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 1/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng thời, Ban Kinh tế Trung ương và các đơn vị liên quan cũng đang nghiên cứu triển khai xây dựng đề án về "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, qua thực tiễn đánh giá quá trình triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách liên quan đến đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế cho thấy những kết quả đạt được thể hiện rất rõ như: Kinh tế vĩ mô cơ bản đã được ổn định; tăng trưởng kinh tế đạt được những kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức khá, mô hình tăng trưởng từng bước được chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu; chất lượng tăng trưởng dần cải thiện dù còn ở mức độ khiêm tốn. Năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực hơn. Cơ cấu các ngành, lĩnh vực có sự chuyển dịch theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của một số ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế trong tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Các vấn đề trọng tâm về cơ cấu lại nền kinh tế gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã tập trung thực hiện và đạt được một số kết quả bước đầu. Cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và khu vực công đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào gồm vốn, lao động, tài nguyên. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ở cùng giai đoạn phát triển.
Tăng năng suất lao động thời gian qua chủ yếu vẫn do tăng cường vốn đầu tư và sử dụng lao động chi phí thấp. Vốn vẫn chủ yếu dựa vào hoạt động kinh tế thông dụng lao động.
Ở mức độ nhất định vẫn dựa vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. Năng suất lao động còn thấp và chênh lệch giữa năng suất lao động của Việt Nam với các nước còn tiếp tục gia tăng. Các vấn đề về cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm mặc dù được triển khai thực chất hơn nhưng chưa hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra theo kế hoạch.
Hiệu quả đầu tư công chưa cao và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm nhất là vốn ODA. Tiến trình thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, vốn Nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch đề ra, chủ yếu tập trung vào việc sắp xếp thu gọn số lượng, chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa được cải thiện.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực còn chậm. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn chưa lớn mạnh, chưa đáp ứng được vai trò quan trọng của nền kinh tế. Thế chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện.
Tại Hội thảo, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phân tích các vấn đề đặt ra trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Ông Sơn cũng đề xuất một số định hướng như vai trò của môi trường vĩ mô phải sẵn sàng cho đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại ngành kinh tế theo lợi thế vùng; cơ cấu lại các đô thị động lực theo hướng phân cấp và gắn kết; cơ cấu lại doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cơ cấu lại thị trường tài nguyên một cách lành mạnh để bắt kịp các quốc gia trong khu vực và trên thế giới thông qua việc xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế số, GS.TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, kinh tế số là động lực tăng trưởng mới trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.
GS. Trần Thọ Đạt đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và gợi ý một số giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số, như cần có bản chiến lược khung cho việc chuyển đổi số; tạo các điều kiện căn bản để thu hút được nguồn vốn dành cho đầu tư số hóa nền kinh tế, cụ thể là hạ tầng và dịch vụ số.
Đi đôi với đó, cần đổi mới hệ thống giáo dục - đào tạo gắn chặt với số hóa, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất; cải thiện sự sẵn sàng đối với kỷ nguyên công nghệ số; liên kết chặt chẽ với khu vực FDI…
Về vai trò của thị trường, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh cần phát triển đồng bộ các loại thị trường, đặc biệt quan tâm phát triển các thị trường nguồn lực đầu vào, nhất là thị trường đất đai; xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển theo tinh thần phục vụ thị trường, phục vụ doanh nghiệp, thể chế quản trị phát triển hiện đại, phù hợp các cam kết hội nhập. Cần chiến lược thu hút FDI và tận dụng tối đa lợi thế đi sau, nỗ lực xây dựng thể chế tốt, khuyến khích đổi mới sáng tạo, coi khoa học công nghệ và trí tuệ con người là động lực phát triển quan trọng nhất của giai đoạn tới.
Có cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh vai trò của thị trường trong một nhà nước kiến tạo sáng tạo. Cần lựa chọn chuyển đổi nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh, hội nhập một cách thông minh vào nền kinh tế thế giới. Cần điều chỉnh một số vấn đề cơ bản còn tồn tại của nền kinh tế liên quan đến các nhân tố sản xuất như Luật Đất đai... đồng thời bắt nhịp với những vấn đề mới như xây dựng Luật Dữ liệu, quản lý các dòng dữ liệu xuyên biên giới, quản lý thu hút nguồn nhân lực xuyên biên giới...
Dưới góc độ quốc tế, TS. Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cấp cao, UNDP cho rằng để thu hẹp được khoảng cách giữa Việt Nam với các quốc gia phát triển bên cạnh việc duy trì tỉ lệ xuất khẩu so với GDP cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác, Việt Nam cần giải quyết vấn đề nhập khẩu nhiều sản phẩm đầu vào chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu.
Đại diện UNDP nhận xét hầu hết các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đều rất nhỏ, doanh nghiệp tư nhân lớn lại không phải là doanh nghiệp chế biến chế tạo mà là doanh nghiệp bất động sản thông qua đầu cơ đất đai.
Chuyên gia của UNDP cho rằng cần tạo ra cơ chế và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước và FDI trong đó đặc biệt quan tâm đến cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt doanh nghiệp siêu nhỏ. Bên cạnh đó, Việt Nam cần chuyển hóa tốt hơn từ khâu lập chiến lược, kế hoạch đến khâu triển khai chiến lược, kế hoạch thông qua việc giảm phân mảnh quyền lực trong quá trình thực thi.
Kết luận Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, có tính khoa học sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học. Những ý kiến tham luận đóng góp tại Hội thảo sẽ được Ban Kinh tế Trung ương tiếp thu, tổng hợp, chắt lọc để tham mưu cho Đảng, Nhà nước đối với việc hoạch định chủ trương, chính sách về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm trong thời gian tới.
Anh Minh