Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn TP. Hà Nội, việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng hiện quản lý không chặt chẽ, vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh và quyền lợi của người tiêu dùng.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Bản chất của việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng theo Công văn số 1850/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê xe ô tô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản.
Vì vậy, các đơn vị vận tải tham gia thí điểm phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT.
Việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cấp phù hiệu và quản lý hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT đã quy định thẩm quyền do Sở Giao thông vận tải thực hiện trên địa bàn địa phương mình.
Tại mục IV của Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng ban hành kèm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ Giao thông vận tải đã quy định rõ:
"1. Doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải ký thỏa thuận hợp tác với đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng để cài đặt ứng dụng kết nối vào thiết bị di động cho lái xe được doanh nghiệp, hợp tác xã ủy quyền giao kết hợp đồng vận tải.
2. Hành khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải hành khách theo hình thức xe ô tô hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi cần tải ứng dụng kết nối vào thiết bị di động. Khi đăng ký tài khoản, khách hàng sẽ được thông báo rõ các điều khoản, điều kiện áp dụng dịch vụ kết nối, các quyền lợi, trách nhiệm trước khi sử dụng dịch vụ vận tải.
3. Việc giao kết hợp đồng giữa hành khách với doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải thực hiện theo quy trình của đề án thí điểm được phê duyệt trong từng trường hợp cụ thể.
4. Hợp đồng vận tải hành khách được giao kết và thể hiện thông qua các thông điệp dữ liệu điện tử theo nội dung tại Mục 1, Mục 2, Mục 3 của Phần này (Hợp đồng điện tử) được sử dụng thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa người sử dụng dịch vụ vận tải và doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng (nội dung hợp đồng điện tử phải đáp ứng như quy định tại Điều 7 của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và Điều 44, Điều 45 của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT)".
Trong thực tế đã diễn biến, khi Bộ Giao thông vận tải chưa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm thì UBer, Grab cũng đã du nhập vào và hoạt động tại Việt Nam. Từ thời điểm khi áp dụng thí điểm, việc quản lý hoạt động được thực hiện theo Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 24 của Bộ Giao thông vận tải, trong nội dung đã quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị để phối hợp quản lý và thực hiện thí điểm.
Việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải là tất yếu và đối với xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng cũng không nằm ngoài quy luật này. Vấn đề các địa phương quy hoạch phương tiện phù hợp với thực trạng giao thông đã được quy định tại Khoản 1, Khoản 6 Điều 6 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Nội dung này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Văn bản số 5197/VPCP-CN ngày 22/5/2017 triển khai các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại thành phố trực thuộc trung ương, cụ thể: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý với báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, yêu cầu UBND các thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan "Thực hiện lập, phê duyệt quy hoạch phương tiện vận tải, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo quy định tại Khoản 1, Khoản 6 Điều 6 Luật Giao thông đường bộ".
Xe hợp đồng dưới 9 chỗ phải kê khai giá
Đối với nội dung kiến nghị vi phạm về quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến như sau:
Các đơn vị vận tải tham gia thí điểm phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT, việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải bằng xe ô tô đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT- BTC-BGTVT ngày 15/10/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Trong đó tại Khoản 2, Điều 3 Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-3TC- BGTVT quy định:
"2. Danh mục dịch vụ thực hiện kê khai giá cước vận tải
a) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định;
b) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định;
c) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi;
d) Ngoài danh mục dịch vụ kê khai giá cước quy định tại các Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản này, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, trong trường hợp cần thiết, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải trình UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ sung dịch vụ kinh doanh vận tải (kinh doanh vận tải bằng hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô) thực hiện kê khai giá tại địa phương".
Vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh (địa phương có hoạt động thí điểm) xem xét trong trường hợp thực tế cần thiết phải bổ sung đối tượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ thực hiện kê khai giá thì trình UBND cấp tỉnh, thành phố bổ sung dịch vụ kinh doanh vận tải hợp đồng bằng xe ô tô thực hiện kê khai giá tại địa phương theo quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 3 Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT.
Chinhphu.vn