Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Về vấn đề trên, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Theo quy định của pháp luật về dân sự, đất đai và nhà ở hiện hành, trường hợp mẹ của bà Thái Minh Tú được phép xuất cảnh định cư ở nước ngoài vẫn được tiếp tục quyền sở hữu, sử dụng đối với nhà ở, đất ở tại Việt Nam đã tạo lập hợp pháp và đã được cấp giấy chứng nhận trước khi xuất cảnh.
Mẹ bà có thể ủy quyền cho người trong nước trông nom, quản lý, làm thủ tục giao đất, nhận tiền bồi thường khi đất bị thu hồi hoặc thay mặt mẹ bà thực hiện việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất tại Việt Nam.
Nếu mẹ bà Tú đã thôi quốc tịch Việt Nam, nhập quốc tịch nước ngoài, thì tùy theo quy định về thẩm quyền về công chứng, chứng thực của quốc gia nơi mẹ bà sinh sống, mẹ bà có thể đến cơ quan tư pháp hoặc công chứng hoặc luật sư ở quốc gia đó để lập ủy quyền cho người thân trong nước, sau đó đến Cơ quan đại diện Việt Nam (Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam) tại nước đó để hợp thức hóa lãnh sự giấy tờ ủy quyền đó và gửi về Việt Nam để người thân thực hiện việc được ủy quyền liên quan đến thửa đất mẹ bà đã được cấp giấy chứng nhận trước khi xuất cảnh.
Nếu mẹ bà Tú còn mang quốc tịch Việt Nam, thì mẹ bà có thể đến Cơ quan đại diện Việt Nam (Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam) tại quốc gia mẹ bà sinh sống để lập ủy quyền, hoặc về nước đến công chứng lập hợp đồng ủy quyền cho người thân trong nước thực hiện việc được ủy quyền liên quan đến thửa đất mẹ bà đã được cấp giấy chứng nhận.
Bà Tú hoặc người thân khác được mẹ bà ủy quyền hợp pháp, được quyền thay mặt mẹ bà Tú trông nom, quản lý, làm thủ tục giao đất, nhận tiền bồi thường khi đất bị thu hồi hoặc thay mặt mẹ bà thực hiện việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất cho người khác (trừ việc chuyển nhượng cho người được ủy quyền).
Bà Tú cho biết đất thuộc quy hoạch, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Theo khoản 1, Điều 106, Luật Đất đai 2003 thì người sử dụng đất được thực hiện việc chuyển nhượng đất khi có các điều kiện:
- Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Như vậy, về nguyên tắc, pháp luật không cấm việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, khi đất đó thuộc quy hoạch “treo”, hoặc thuộc quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất và phương án đền bù giải phóng mặt bằng được phê duyệt. Tuy nhiên, trên thực tế ở một số địa phương, việc chuyển quyền sử dụng đất chưa có quyết định thu hồi vẫn gặp vướng mắc ở thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất vì có ý kiến cho rằng đất trong quy hoạch không được chuyển nhượng.
Trường hợp đất đã có quyết định thu hồi để thực hiện quy hoạch sử dụng đất, thì sẽ không được chuyển nhượng. Người được mẹ bà Tú ủy quyền sẽ thay mặt bà Tú để làm thủ tục giao đất, nhận tiền bồi thường khi đất bị thu hồi.
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.