Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội chiều 1/11, nhiều đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm tới lĩnh vực giáo dục.
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành giáo dục, nhất là khi nửa thời gian nhiệm kỳ vừa qua chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ quan ngại đối với việc thực hiện một số mục tiêu về chất cũng như về lượng trong lĩnh vực giáo dục mà kế hoạch 5 năm đề ra.
"Đại diện cho cử tri là các công nhân lao động, đại biểu phản ánh, việc đổi mới chương trình học gắn với triển khai dạy tích hợp là xu thế chung của giáo dục phổ thông trên thế giới, nhưng với chúng ta chỉ là đang bắt đầu, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình độ chuyên môn của giáo viên", đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đánh giá.
Theo đại biểu, giáo viên cần được đào tạo ngay từ trường đại học, trang bị kiến thức theo xu hướng giáo dục mới một cách chính quy để có đủ năng lực, kiến thức nền chuẩn để truyền thụ cho học sinh. Trong khi đó, đa phần giáo viên hiện nay mới được tập huấn, đào tạo trong các lớp ngắn hạn, việc này gây áp lực lớn cho cả giáo viên lẫn học sinh.
Về phân ban chương trình giáo dục bậc phổ thông trung học, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết, chưa có sự đồng bộ trong xây dựng giữa các bộ môn khi cho học sinh chọn phân ban, chọn tổ hợp. Việc phân ban, tổ hợp giữa các trường, các địa phương cũng không đồng đều ở các trường, các địa phương.
Đối với học sinh là con công nhân, thường xuyên phải chuyển nơi ở, chuyển trường do điều kiện kinh tế, việc làm của cha mẹ không ổn định, việc theo học và theo kịp chương trình học của con em lao động là tương đối khó khăn. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có biện pháp phù hợp để giải quyết vấn đề này.
Thảo luận về kinh tế-xã hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) nêu rõ, những ngày qua, dư luận xôn xao về việc lạm thu trong các trường học. Là tỉnh khó khăn nhưng qua nghiên cứu, khảo sát, để chia sẻ khó khăn của người dân, HĐND tỉnh Quảng Bình đã thông qua Nghị quyết miễn, giảm học phí cho năm học 2023-2024 cho học sinh đã được dư luận đồng tình. Trước đó, năm 2021, HĐND tỉnh cũng đã ban hành danh mục các khoản thu dành cho nhà trường với mức thu rõ ràng, phù hợp nên Quảng Bình hạn chế được tình trạng lạm thu.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng rõ cơ chế này nhưng dù phù hợp, đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi lẽ không giải quyết được việc tăng nguồn thu cho giáo dục sẽ xảy ra tình trạng "thấp chỗ này, phình chỗ kia". Chính sách ưu việt của việc miễn, giảm kéo dài thời gian tăng học phí sẽ không bù đắp nổi với những khoản chi phí phát sinh mà phụ huynh phải đánh giá.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu có lộ trình phù hợp để cân đối giữa mức tăng học phí và các quy định để đảm bảo hài hòa quyền lợi cho các cơ sở giáo dục và phụ huynh. Qua đó đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục công lập trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn lực giải quyết những khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm đầu tư, bố trí ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đảm bảo theo quy định tại Nghị quyết 34 của Quốc hội.
Tranh luận tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) nêu rõ, qua tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri băn khoăn về vấn đề chương trình sách giáo khoa hiện nay. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình về việc ban hành nhiều bộ sách giáo khoa và cũng nhiều đại biểu đồng tình với việc ban hành một bộ sách giáo khoa.
Đại biểu Trần Văn Tiến bày tỏ đồng tình với việc ban hành một bộ sách giáo khoa như đề xuất của Đoàn giám sát. Bởi, Nhà nước chịu trách nhiệm biên soạn sách giáo khoa, Nghị quyết 88 cho phép xã hội hoá các tổ chức được tham gia biên soạn. Trước nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT không nên biên soạn, không được làm, đại biểu đặt vấn đề như vậy có đúng quan điểm Nhà nước chăm lo cho lĩnh vực giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu không? Có đúng nguyên tắc nhà nước giữa vai trò chủ đạo trong xã hội hoá giáo dục không?
Đại biểu nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất, nên giáo dục phải được thống nhất ở các bậc học. Do đó, đại biểu đề nghị cần ban hành một bộ sách giáo khoa chung.
Tranh luận về các ý kiến liên quan đến biên soạn sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Công Long cho biết, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã quy định rõ việc biên soạn một bộ sách giáo khoa là trách nhiệm của Nhà nước. Nếu ngay từ đầu thực hiện đầy đủ, đúng quy định của Nghị quyết 88 thì có lẽ tình hình đã khác bởi các quy định của Nghị quyết 88 bảo đảm cho việc ban hành, in ấn, phát hành và đảm bảo rẻ nhất đến tay học sinh.
Đại biểu Nguyễn Công Long nêu rõ, các ý kiến tranh luận đề cập đến con số chi phí phải bỏ ra nhưng lại quên đi chi phí lớn mà người dân phải chi trả cho sách giáo khoa. Đại biểu nêu rõ, trong các báo cáo sử dụng cụm từ "sức chống chịu của nền kinh tế", mà chính là dựa vào sức dân. Nếu không có những chính sách trong những vấn đề cụ thể như vấn đề này thì sức chống chịu của người dân được đến bao giờ, đại biểu Nguyễn Công Long đặt vấn đề. Do đó, đề nghị cần cần kế hoạch thực hiện nghiêm Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Tranh luận về ý kiến liên quan đến việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa, đại biểu Thái Văn Thành (Đoàn Nghệ An) cho biết, Nghị quyết 88 Quốc hội giao Bộ GD&ĐT biên soạn một sách giáo khoa mới và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đại biểu, chúng ta thực hiện lộ trình giáo dục trong 2018 đến năm sau 2024-2025 sẽ kết thúc, vì vậy mong muốn Bộ nghiêm túc đánh giá, xây dựng, rà soát lại các bộ sách giáo khoa.
Cũng theo đại biểu Thành, về việc Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa, đối với các môn khoa học tự nhiên không cần thiết biên soạn một bộ sách của Bộ, vì đây là tri thức chân lý của nhân loại. Riêng với các bộ môn khoa học xã hội hay sách tiếng dân tộc cần biên soạn, định hướng tư tưởng giá trị đạo đức cách mạng, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng của dân tộc.
Cũng về vấn đề sách giáo khoa, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TPHCM) phát biểu tranh luận nêu rõ chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa là nhằm tranh thủ khai thác chất xám, kinh nghiệm của các chuyên gia, học giả, các nhà khoa học giáo dục, các nhà giáo để soạn thảo các sách giáo khoa phục vụ cho cải cách giáo dục. Đồng thời huy động tiềm lực kinh tế của xã hội.
Theo đại biểu, xã hội hóa đang được tiến hành tốt như vậy thì ban đầu bao giờ cũng có những trục trặc nhất định. Đại biểu cũng đặt vấn đề nếu nay lại đề xuất Bộ GD&ĐT biên soạn bộ sách giáo khoa nữa thì liệu có giải quyết được những vấn đề mà hiện nay là đang đặt ra hay không?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, có những vấn đề về giá thì có thể tìm ra giải pháp để khắc phục như trợ cấp hay huy động để cho mượn sách giáo khoa, ủng hộ các đối tượng chính sách vùng sâu, vùng xa, mà không phải thay thế bằng cách có thêm một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.
Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cho biết, dù năm 2023 nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, tình hình kinh tế-xã hội có những thành tựu quan trọng, đáng ghi nhận. Về giáo dục đại học, đại biểu phản ánh, nhiều cử tri là giảng viên, giáo viên đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư một cách thích đáng, hiệu quả hơn cho giáo dục đại học.
Đại biểu cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế sâu rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao, vai trò của trường đại học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. So với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đầu tư công cho giáo dục đại học ở nước ta rất thấp. Kinh phí nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên, giảng viên ở các trường đại học còn quá ít, trong khi đó, hoạt động nghiên cứu khoa học chính là sức sống của trường đại học.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá lại, hoàn thiện thêm khung khổ pháp lý, các quy định, các văn bản liên quan hỗ trợ cho các trường đại học tự chủ, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, giúp các trường đại học phát triển, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ quốc kế, dân sinh.
Hải Liên